CSVN – Xác định vấn đề sống còn của ngành cao su là phải giảm suất đầu tư. Làm thế nào để giảm suất đầu tư và tăng hiệu quả sử dụng đất? Điều này không chỉ một cá nhân có thể thay đổi được mà cần sự cộng đồng trách nhiệm, đồng lòng chung sức của tập thể. Bởi vì việc giảm suất đầu tư 30 đơn giản, đặc biệt đối với các công ty miền núi phía Bắc (MNPB).
>> Giảm suất đầu tư nông nghiệp: Cần đẩy mạnh cơ giới hóa
Nhìn thẳng, đánh giá đúng tình hình thực tế, và có giải pháp cụ thể.
Có thể nói, từ khi giá mủ cao su trên đà giảm, các cuộc họp của lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị thành viên không còn không khí hào sảng mà thay vào đó là sự trăn trở, nhiều tâm tư và đầy trách nhiệm để tìm ra những hướng đi phù hợp với thực tế. Và cuộc họp ngày 27/5 vừa qua tại Hà Nội do ông Trần Ngọc Thuận – TGĐ VRG chủ trì về việc giảm suất đầu tư của các đơn vị MNPB là một cuộc họp như thế.
Với tinh thần nhìn thẳng, nhìn thật vào tình hình thực tế, đây là cuộc họp mang tính chất quan trọng, là dịp lãnh đạo Tập đoàn lắng nghe nhiều ý kiến phản ánh từ cơ sở về tình hình hoạt động của các đơn vị trong tình hình hiện nay. So với mặt bằng chung, các đơn vị ở MNPB có nhiều khó khăn hơn khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Lào và Campuchia. Vì vậy việc làm thế nào để giảm suất đầu tư không chỉ là vấn đề “đau đầu” của đơn vị mà còn là của lãnh đạo Tập đoàn.
Tính tới thời điểm hiện nay, tổng diện tích cao su đã trồng ở MNPB khoảng 27.000 ha. Sau giai đoạn mở rộng diện tích theo chủ trương phát triển cao su ở MNPB của Tập đoàn, có đơn vị bộc lộ nhiều vấn đề cần phải thẳng thắn nhìn nhận, trong đó một số vườn cây sinh trưởng kém phải thanh lý theo đúng quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, vì không có những chính sách tuyên truyền sâu rộng vấn đề cho người dân và chính quyền địa phương hiểu rõ, nên dư luận trong thời gian qua có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc thanh lý một số vườn cây kém chất lượng ở một số công ty.
Một vấn đề khó khăn nữa đặt các đơn vị MNPB vào tình thế khó trong việc giảm suất đầu tư, đó là hầu hết các diện tích ở MNPB đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, chờ đến thời gian thu hoạch mủ còn dài, nếu để quỹ đất như vậy rất lãng phí. Vì vậy, các đơn vị phải xoay sở, tìm mọi cách để nâng cao hiệu quả sử dụng đất để tăng thu nhập cho người lao động. Nếu không thực hiện được việc này đồng nghĩa với việc đơn vị không giữ được nguồn nhân lực, không thể hiện được trách nhiệm của một doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn.
Một số trưởng ban tham mưu của Tập đoàn đã có nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn khi nhận định tình hình phát triển cao su ở MNPB: “Nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá chất lượng vườn cây từ năm 2007 – 2011, tỷ lệ A,B rất ít, các vườn cây trồng năm 2011, 2012, 2013 thì tỷ lệ A,B cao hơn. Toàn vùng MNPB có nhiều vườn cây hụt sản lượng, ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây sau này. Việc giảm suất đầu tư theo chủ trương của VRG là chủ trương đúng đắn và nhất thiết phải thực hiện. Một số vấn đề cần lưu ý để giảm suất đầu tư ở MNPB: Nên kết hợp phúc bồn và bón phân cùng một lúc, không cần quét vôi cho vườn cây ở Đông Bắc, không trồng dặm năm thứ 2. Chuyển những diện tích không phù hợp trồng cao su sang trồng cây khác hoặc trả lại cho địa phương, không nên mở rộng diện tích vì mức độ liền vùng liền khoảnh ở MNPB là rất khó. Nên xây dựng nhà máy chế biến theo từng khu vực để tiết giảm chi phí”.
Tập trung nâng cao chất lượng vườn cây
Tất cả những khó khăn trên là thách thức lớn đối với các đơn vị MNPB. Phải thừa nhận rằng, khi có chủ trương phát triển cao su ở MNPB, giá mủ vào thời điểm đó rất cao và suất đầu tư được xây dựng trên cơ sở đó, nhưng với thực tế giá mủ giảm sâu như hiện nay, việc giữ nguyên suất đầu tư như thời điểm ban đầu là không phù hợp, mà cần phải điều tiết giảm suất đầu tư mới có thể có hiệu quả. Trong tình hình khó khăn chung của toàn ngành, các đơn vị rất đồng tình với chủ trương tiết giảm suất đầu tư của Tập đoàn, nhưng để thực hiện được cần phải có sự đồng lòng kề vai sát cánh để vượt qua khó khăn.
Việc giảm 30% suất đầu tư là cả một quá trình cần thực hiện đồng bộ, cắt giảm các hạng mục trong suất đầu tư nhưng phải lưu ý đến suất đầu tư cho nông nghiệp cần phải thận trọng, nếu giảm suất đầu tư nông nghiệp thì ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng vườn cây. Theo đó, việc cắt giảm dựa vào những sáng kiến sáng tạo của người quản lý, và cái tâm của người lao động, tránh sự lãng phí nhân công. Tuy nhiên, với địa hình MNPB, việc cơ giới hóa trong nông nghiệp trở nên khó khăn, tất cả công đoạn đều phải thực hiện lao động thủ công.
Theo Công ty CPCS Yên Bái thì tập trung vào cắt giảm suất đầu tư ở thời kỳ kiến thiết cơ bản, không cắt ở vườn cây trồng mới vì ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây. Ông Phan Thành Dũng – Viện trưởng Viện NCCS VN đặt ra vấn đề vì sao suất đầu tư ở MNPB lại cao hơn nhiều so với các vùng khác: “Do những ngày đầu, công tác lựa chọn giống chưa phù hợp, không chịu rét được nên phải thanh lý dẫn đến việc suất đầu tư tăng cao. Thực tế hiện nay, sau khi thay giống phù hợp, tỉ lệ vườn cây A,B tăng lên nhiều. Viện ủng hộ phương án không mở rộng diện tích mới ở MNPB vì ở đây còn có nhiều khó khăn về đất đai, thời tiết và vốn. Nếu giảm suất đầu tư thì phải giảm công lao động mà không nên giảm phân bón. Đồng thời, để chuẩn bị cho khai thác, các đơn vị cần nghiên cứu áp dụng chế độ cạo D4 và D5, đánh đông tại lô, giảm chi phí vận chuyển, nghiên cứu cơ cấu sản phẩm mủ 10, 20”.
Theo đúng quy trình, đây là thời điểm xây dựng nhà máy chế biến để chờ đón những dòng nhựa trắng đầu tiên ở MNPB, tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, đây là vấn đề hết sức trăn trở, khó khăn về nguồn vốn, vì vậy các đơn vị mong muốn Tập đoàn phải có ý kiến chỉ đạo để thực hiện.
Ông Hứa Ngọc Hiệp – Phó TGĐ VRG cho biết: “Tôi thống nhất việc dừng trồng mới ở MNPB, thay vào đó chúng ta tập trung vào nâng cao chất lượng vườn cây, không chạy theo quy hoạch tổng thể như trước đây. Các đơn vị phải trình bày cho lãnh đạo địa phương hiểu khi địa phương đề xuất mở rộng diện tích. Việc giảm suất đầu tư là đương nhiên và bắt buộc phải thực hiện. Ở một số đơn vị có diện tích nhỏ đã đến thời điểm mở miệng cạo nhưng phải tạm thời dừng lại vì trong thời điểm giá mủ xuống thấp, chi phí khai thác tăng thêm đẩy đơn vị vào tình trạng khó khăn hơn. Các đơn vị tập trung nghiên cứu việc trồng xen trong vườn cây kiến thiết cơ bản để tăng hiệu quả sử dụng đất như ở Điện Biên đang có kế hoạch trồng thí điểm cà phê catimor. Bên cạnh đó, các đơn vị nên nghiên cứu, đề xuất phương án ăn chia khi có sản phẩm”.
Ở góc độ chuyên môn, Ban Kế hoạch Đầu tư đề nghị các đơn vị không nên mua sắm trong thời kỳ cao điểm vì giá cả ở thời kỳ cao điểm tăng cao, cần phải nghiên cứu trồng xen để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, những vườn cây năng suất thấp phải nghĩ đến việc bán nguyên liệu hơn là đầu tư nhà máy.
Tại cuộc họp, ông Trần Ngọc Thuận – TGĐ VRG đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị trong thời gian qua: “So với các khu vực khác thì việc phát triển cao su ở MNPB gặp rất nhiều khó khăn, các thủ lĩnh của các công ty ở MNPB là những người đi khai hoang mở cõi để cao su đứng chân trên địa bàn, các anh em đã phải nỗ lực rất nhiều, chấp nhận nhiều hy sinh, chịu nhiều áp lực công việc. Lãnh đạo Tập đoàn luôn đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp đó. Tuy nhiên, các đơn vị cần phải đánh giá, nhận định đúng thực trạng phát triển của đơn vị. Trong thời gian tới, ai dám đảm bảo thời tiết khí hậu không chuyển biến.
Về năng lực vườn cây, tỷ lệ A,B thấp thì các đơn vị cần phải nỗ lực để nâng cao chất lượng vườn cây, chính chúng ta phải chịu trách nhiệm chính về việc sinh trưởng và phát triển của vườn cây. Người dân địa phương rất kỳ vọng, đặt nhiều niềm tin vào hiệu quả của dự án, điều này đòi hỏi lãnh đạo đơn vị phải thực sự nhạy bén, năng động, sáng tạo trong việc điều hành hoạt động của công ty. Thêm vào đó, hầu hết đất dự án là đất của dân góp (chỉ trừ Công ty CS Yên Bái), nếu không có những chính sách, cách giải quyết hợp lý thì dễ dẫn đến việc tranh chấp đất đai. Những khó khăn đó, chúng ta phải nhìn nhận để khắc phục và có hướng đi phù hợp trong mọi tình hình”.
Tổng Giám đốc nhấn mạnh: “Một con én không làm nên mùa Xuân, sau cuộc họp này, lãnh đạo các đơn vị phải triển khai đến toàn bộ CBCNVC – LĐ trong đơn vị để mọi người thấu hiểu và đồng lòng. Vấn đề mấu chốt quan trọng đó là thay đổi về nhận thức, từ đó cách làm mới có sự sáng tạo. Nhất quyết suất đầu tư ở MNPB không vượt quá 180 triệu đồng/ha. Đến năm 2016, dừng việc trồng mới ở MNPB, tập trung vào nâng cao chất lượng vườn cây”.
Việc xây dựng nhà máy chế biến nên làm theo vùng, cơ cấu sản phẩm nên sản xuất mủ 10, 20. Về đất đai, các đơn vị phải cố gắng hoàn chỉnh về mặt thủ tục pháp lý. Những vấn đề này đòi hỏi sự trách nhiệm rất lớn của lãnh đạo đơn vị, giảm suất đầu tư là giảm những chi phí không cần thiết để tập trung vào chất lượng vườn cây. Trong thời gian tới, các đơn vị phải thực hiện đề án sắp xếp lại các đầu mối, tinh giản bộ máy, tăng cường công tác kiêm nhiệm để tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động, ông Thuận chỉ đạo.
Uyên Khanh – Q.M
Related posts:
- Cao su Sơn La: Nhiều giải pháp đảm bảo thu nhập người lao động
- Công ty Sa Thầy khai thác 2000 ha năm 2017
- Công đoàn Cao su Việt Nam hỗ trợ công nhân mắc bệnh hiểm nghèo
- Cao su Ea H'leo: Gần 15.000 cây cao su gãy, đổ do bão
- Bệnh viện Cao su Đồng Phú nhận cách ly tập trung phòng dịch Covid-19
- Cao su Bà Rịa: Cổ đông nhận cổ tức năm 2017 là 4%
- Cao su Mang Yang: Mừng công hoàn thành sản lượng sớm
- 21 đồng bào dân tộc thiểu số Cao Su Chư Sê hiến máu tình nguyện
- Đồng chí Trần Ngọc Thuận được bầu vào BCH, BTV Đảng ủy Khối DNTW
- Đồng Nai sẽ ưu tiên cho cao su phát triển