Chủ trương giảm 30% suất đầu tư

CSVN – Theo chỉ đạo của lãnh đạo VRG, trong tình hình giá cao su như hiện nay các đơn vị bằng mọi cách phải hạ giá thành và quản lý chặt suất đầu tư. Phải có cuộc cách mạng tư duy thay vì dậm chân tại chỗ và chờ giá lên. Để xác định làm cao su có hiệu quả, cần phải nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nhưng phải giảm đầu tư, nâng cao năng suất lao động, giảm hệ thống quản lý, cắt giảm những chi phí không cần thiết.
 Chăm sóc vườn cây KTCB  tại Công ty CPCS Hà Giang.  Ảnh: P.L
Chăm sóc vườn cây KTCB tại Công ty CPCS Hà Giang. Ảnh: P.L
Phải thay đổi tư duy làm cao su

Sau khi Tập đoàn ban hành quy định quản lý suất đầu tư trồng và chăm sóc cao su KTCB, một số đơn vị đã đề nghị Tập đoàn phê duyệt thỏa thuận suất đầu tư. Cụ thể, đối với vườn cây cao su đã đầu tư từ năm 2013 trở về trước, Tập đoàn đã thỏa thuận nhưng do biến động về đơn giá nhân công, vật tư, bổ sung quy trình kỹ thuật, sửa đổi định mức lao động nên hầu hết các đơn vị đề nghị điều chỉnh tăng so với suất đầu tư đã thỏa thuận.

Đặc biệt, đối với vườn cây đã đầu tư càng nhiều năm thì tỉ lệ tăng càng lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do đơn giá nhân công tại thời điểm thỏa thuận đã tăng từ 68 ngàn đồng/công tăng lên 143 ngàn đồng/công. Mặc dù các đơn vị điều chỉnh tăng nhưng vẫn đảm bảo thấp hơn so với suất đầu tư bình quân năm 2014 Tập đoàn đã ban hành. Riêng đối với vườn cây trồng năm 2013, các đơn vị đã điều chỉnh giảm khoảng 10 – 15% so với suất đầu tư đã thỏa thuận. Điều chỉnh giảm ở mức này là do năm 2014, Tập đoàn đã ban hành định mức lao động mới, bổ sung quy trình kỹ thuật, trong đó hầu hết điều chỉnh giảm nhân công và vật tư so với định mức cũ.

Vườn cây đầu tư từ năm 2014 trở đi, theo thỏa thuận suất đầu tư với Tập đoàn, các đơn vị ở Đông Nam bộ giảm 2,6%, Nam Trung bộ giảm 14%, miền núi phía Bắc giảm 0,5%, Campuchia giảm 7%. Riêng đối với Tây Nguyên và Bắc Trung bộ thì suất đầu tư cao hơn so với suất đầu tư bình quân năm 2014 của Tập đoàn từ 8 – 12%. Nguyên nhân do áp dụng định mức lao động đất dốc, làm đường đồng mức, đơn giá nhân công…

Ông Trần Ngọc Thuận – TGĐ VRG nhấn mạnh: “Suất đầu tư và hiệu quả sử dụng đất đai tuy hai nhưng là một, hai yếu tố này không tách rời nhau, có tác động qua lại lẫn nhau và quyết định đến hiệu quả của vườn cây. Nếu chúng ta có tư duy đột phá, có tích lũy sẽ có phát triển. Hiện nay giá cao su đang xuống thấp, nếu dậm chân tại chỗ và có tư tưởng chờ giá lên thì làm cao su sẽ không có hiệu quả. Nếu giữ nguyên mức đầu tư như cũ thì không thể nào có lãi. Chúng ta xác định làm cao su là không lỗ, vì vậy mục tiêu đặt ra là hiệu quả tổng thể thu hoạch trên một ha đất, trong đó cây cao su là cây chủ lực”.

Giảm những gì không cần thiết

Theo tinh thần chỉ đạo của TGĐ VRG tại cuộc họp giao ban lần thứ 4/2015, Ban Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) có giải pháp và lộ trình tiết giảm khoảng 30% chi phí suất đầu tư trở lên so với mặt bằng suất đầu tư hiện nay áp dụng tại các khu vực vùng miền. Để thực hiện được điều này, Ban KHĐT cũng đề nghị xem xét cắt giảm định mức phân bón, cụ thể: Đối với vườn cây trồng mới năm thứ nhất bón phân bình thường theo đúng quy trình; Đối với vườn cây chăm sóc từ năm thứ 2 đến năm thứ 4 giảm 50% hàm lượng phân bón theo quy trình; Đối với vườn cây chăm sóc từ năm thứ 5 trở đi kiến nghị không bón phân.
[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=” Tăng cường cơ giới hóa, hóa học hóa “]Tại cuộc họp về quản lý suất đầu tư, có nhiều ý kiến thống nhất với việc thực hiện cơ giới hóa trên vùng thuận tiện để giảm suất đầu tư. Ông Phan Thành Dũng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu cao su nhận định: “Cần phải áp dụng cơ giới hóa, hóa học hóa trên vườn cây để đem lại kết quả cao. Hiện nay, các công tác như đào hố tích mùn, phun thuốc phòng trị bệnh phấn trắng… đều được các đơn vị thực hiện bằng máy”.Để đáp ứng cho xu hướng tất yếu này, Ban Công nghiệp đang kết hợp với Công ty Cơ khí Cao su để cải tiến, sản xuất máy móc có giá cả hợp lý, phù hợp với yêu cầu công việc trên vườn cây.[/stextbox]

Tuy nhiên, theo ông Lại Văn Lâm – Trưởng ban Quản lý Kỹ thuật: “Quy trình kỹ thuật bổ sung năm 2014 ban hành trên cơ sở cân nhắc tình hình thực tế và chất lượng vườn cây. Theo đó đã điều chỉnh lượng phân bón cho vườn cây KTCB giảm khá mạnh so với quy trình cũ. Cụ thể, Đông Nam bộ giảm 8%, Campuchia, Nam Lào, Trung Lào giảm 19%, miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Bắc Lào giảm 44%, Tây Nguyên và Nam Trung bộ giảm 31%. Nếu như đề xuất tiếp tục giảm phân bón để hạ suất đầu tư thì không thể được, vì yếu tố tiên quyết để có năng suất cao đó là chất lượng vườn cây, cần đầu tư mạnh cho vườn cây KTCB. Tôi đề xuất không giảm phân bón hơn nữa”.

TGĐ VRG khẳng định: “Từ năm 2015 trở đi, việc giảm 30% suất đầu tư tổng thể nhất thiết phải làm, cần phải đầu tư một cách hợp lý. Với mục tiêu năng suất vườn cây tốt, chúng ta chỉ cắt giảm những gì không cần thiết và đang dư ra, không giảm lượng phân bón. Bên cạnh đó, một số đơn vị để giảm suất đầu tư và tăng hiệu quả sử dụng đất đã thực hiện trồng xen canh trên vườn cao su như trồng cà phê, keo lai, hiệu quả rất tốt. Vì vậy, mỗi đơn vị tùy thuộc vào tình hình thực tế của địa bàn mình đóng chân để lựa chọn cây trồng nào cho phù hợp. Với chủ trương này, các đơn vị sẽ có sáng tạo trong cách thực hiện”.

Minh Nhiên