Công đoàn Cao su Việt Nam: Hỗ trợ thu tuyển và chăm lo đời sống người lao động

CSVN – Thời gian qua, Công đoàn Cao su Việt Nam đã tích cực phối hợp, hỗ trợ các công ty cao su khu vực Đông Nam bộ trong việc thu tuyển, đào tạo và chăm lo đời sống của người lao động, đảm bảo đủ lao động cho sản xuất.

Lãnh đạo CĐ Cao su Đồng Nai thăm hỏi động viên, tặng quà công nhân tỉnh Hà Giang làm việc tại TCT. Ảnh: Nguyễn Cường
Cầu nối thu tuyển lao động

Trong những năm gần đây tình hình cạnh tranh lao động giữa khu vực công nghiệp và nông nghiệp diễn ra gay gắt. Đối với ngành cao su, khi giá mủ luôn ở mức thấp, dẫn đến thu nhập và tiền lương giảm, NLĐ nghỉ việc nhiều để tìm kiếm việc làm khác có thu nhập cao hơn. Mặt khác số lượng công nhân có độ tuổi trung bình trên 45 nhiều, do đặc thù lao động của ngành cao su là nặng nhọc, ở độ tuổi này năng suất lao động giảm và thường bị ảnh hưởng các bệnh về xương khớp nên tỉ lệ nghỉ việc ở độ tuổi này có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Đặc biệt là khu vực miền Đông Nam bộ.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Tập đoàn và các công ty cao su đã có những giải pháp kịp thời, sáng tạo để thu tuyển lao động tại các địa phương, đặc biệt là lao động khu vực miền núi phía Bắc. Trong năm 2024, khu vực Đông Nam bộ thiếu hụt hơn 3.280 người, trong đó lao động trực tiếp thiếu 2.660 người. Do đó, ngay từ đầu mùa cạo, các công ty cao su tiếp tục có những giải pháp để thu tuyển lao động.

Ông Huỳnh Kim Nhựt – Phó TGĐ VRG, Chủ tịch CĐ CSVN, chia sẻ: “CĐ CSVN với vai trò và trách nhiệm của mình đã phối hợp cùng lãnh đạo Tập đoàn hỗ trợ cho các đơn vị gặp gỡ, trao đổi với UBND, các sở ban ngành của tỉnh Hà Giang, đây là địa phương được các công ty cao su khu vực miền Đông Nam Bộ đã và đang thu tuyển lao động vào làm cao su nhiều nhất với gần 700 lao động”.

Trong tháng 4/2024 vừa qua, đoàn công tác gồm Thường trực CĐ CSVN và 9 đơn vị khu vực Đông Nam bộ đã làm việc với UBND tỉnh, Sở Lao động TBXH, LĐLĐ tỉnh, lãnh đạo các huyện thuộc tỉnh Hà Giang. Qua buổi làm việc của đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh đánh giá cao sự quan tâm và đầy trách nhiệm của Tập đoàn trong vấn đề thu tuyển và sử dụng, đãi ngộ lao động Hà Giang tại các công ty cao su. Tại buổi làm việc cũng đã đặt ra nhiều giải pháp cần tháo gỡ khó khăn để thu tuyển lao động đạt hiệu quả cao nhất.

Ngay sau buổi làm việc, UBND tỉnh Hà Giang đã có Văn bản số 1189/UBND – VHXH ngày 24/4/2024 chỉ đạo các ban ngành tăng cường hỗ trợ cho Tập đoàn. Dựa trên văn bản này, hiện nay các công ty cao su khu vực Đông Nam bộ cũng đã và đang tích cực triển khai thu tuyển và đạt hiệu quả tích cực.

Ngoài việc tìm giải pháp thu tuyển, các đơn vị đã sâu sát về đời sống bà con đồng bào dân tộc Hà Giang, những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông… để từ đó có những hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc tỉnh Hà Giang hiện đang công tác tại đơn vị, phấn đấu giữ chân lao động gắn bó lâu dài với đơn vị.

Ông Huỳnh Kim Nhựt – Phó TGĐ VRG, Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam thăm hỏi, trò chuyện cùng CNLĐ Tổ 4, NT Long Hà, Cao su Phú Riềng
Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ

Ngoài việc tìm kiếm các giải pháp thu tuyển, giữ chân NLĐ, việc đào tạo nghề cho lao động trước khi vào làm công nhân cao su cũng là vấn đề đặt ra giữa lãnh đạo tỉnh Hà Giang và Tập đoàn. Vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn và BTV CĐ CSVN cùng Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su, Viện Nghiên cứu Cao su VN đã trao đổi để phối hợp cùng Sở Lao động TBXH, Trung tâm dạy nghề các tỉnh miền núi phía Bắc để tìm các giải pháp, chính sách đào tạo nghề khai thác mủ cao su. Đây là nội dung khó, liên quan đến cơ chế, chính sách và phối hợp nhiều ban ngành. Tuy nhiên với tinh thần chung tay và trách nhiệm, CĐ CSVN đã và đang đồng hành cùng chuyên môn quyết tâm đạt được các yêu cầu đặt ra. Ông Huỳnh Kim Nhựt, cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh lao động gay gắt, yếu tố đời sống vẫn là chủ lực trong vấn đề cạnh tranh lao động, thu hút và giữ chân NLĐ. Tuyển được lao động cần có một vài giải pháp, nhưng để giữ chân NLĐ phải có nhiều giải pháp và phải là một quá trình lâu dài. Xác định vấn đề này, các cấp CĐ từ cơ sở đến cấp ngành đã chung tay, đồng hành chăm lo cho NLĐ. Đơn cử có thể kể đến như: CĐ Cao su Dầu Tiếng tổ chức hỗ trợ, thăm hỏi tặng quà (đường, gạo, nước mắm…) cho mỗi lao động là đồng bào dân tộc thiểu số khi mới vào làm trị giá 300.000 đồng/người; Công đoàn Cao su Bà Rịa hỗ trợ nhu yếu phẩm cho NLĐ mới vào làm việc lần đầu: mùng, mền, chiếu, gối, bếp gas mini, gạo, đường, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt (bình quân 1 triệu đồng/người); tặng quà về quê ăn Tết 500.000 đồng/người; tặng quà chúc mừng sinh nhật 100.000 – 200.000 đồng/người. CĐ Cao su Hòa Bình chủ động phối hợp cùng chuyên môn nhằm ổn định đời sống cho NLĐ ngoài tỉnh đang sinh sống và làm việc tại đơn vị. Công ty đã trang bị các vật dụng thiết yếu như: bếp gas, nồi cơm điện, quạt đứng, hỗ trợ các vật dụng thiết yếu, nhu yếu phẩm hàng ngày; CĐ TCT Cao su Đồng Nai cùng chuyên môn tổ chức các chuyến xe chở CNLĐ về quê ăn Tết…

Đối với cấp ngành, CĐ CSVN cũng đã và đang tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 300 CNLĐ khó khăn, xét duyệt trao tặng 95 căn nhà Mái ấm Công đoàn, kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho phép sử dụng kinh phí kết dư để chăm lo cho NLĐ bước vào vụ cạo mới; tổ chức hội thao, trại hè thiếu nhi ngành cao su năm 2024, với kinh phí gần 10 tỷ đồng…

“Việc đảm bảo nguồn lực lao động cho hoạt động SXKD và chăm lo cho NLĐ là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, của chuyên môn và tổ chức CĐ. Trước tình hình giá mủ cao su đang có nhiều thuận lợi, BTV CĐ CSVN rất mong lãnh đạo các đơn vị lâu nay đã quan tâm, chăm lo cho NLĐ đã tốt, nay rất mong sự quan tâm hơn nữa về chế độ phúc lợi cho NLĐ, như tiền ăn ca, tiền thưởng, các hoạt động khác để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ, là cơ sở vững chắc để thu tuyển cũng như để NLĐ gắn bó lâu dài với công ty” – ông Huỳnh Kim Nhựt, cho biết.

BẢO NAM