CSVN – Câu chuyện về gia đình ông Nguyễn Thanh Minh – Công nhân tại Cao su Đồng Phú đã có 3 thế hệ gắn bó với ngành cao su là minh chứng về những giá trị gia đình truyền thống yêu ngành, sắt son với nghề.
Nghề cha truyền con nối
Ông Minh có cha mẹ đều làm công nhân cao su. Cha là ông Nguyễn Văn Bá và mẹ là bà Nguyễn Thị Năm đều làm công nhân khai thác đồn điền cao su Phước Hòa năm 1954. Từ nhỏ lớn lên với những hình ảnh quen thuộc của cây cao su, trong tâm trí ông Minh đã nung nấu ý định khi lớn lên cũng sẽ làm công nhân cao su như cha mẹ.
Đến với nghề cao su năm 1980, tới bây giờ ông Minh đã về hưu, vẫn không sao quên được cuộc sống đong đầy niềm vui ngày ấy. Ông Minh nhớ lại: “Tôi bắt đầu công việc cao su từ năm 1980 – 2007 làm lái xe tại Cao su Đồng Phú. Năm 2008 – 2015, tôi chuyển qua làm bảo vệ công ty. Hiện nay tôi đã nghỉ hưu được gần 10 năm. Thời tôi làm việc lúc đó khá khó khăn, đường đi vất vả, thiếu thốn đủ thứ nhưng tiền lương của nghề đủ để tôi chăm lo cho cuộc sống gia đình và tiếp nối sự nghiệp của cha mẹ”.
Trong những năm tháng làm việc trong ngành cao su, ông Minh đã gặp gỡ và quen biết được vợ mình, bà Phạm Thị Minh Hồng lúc ấy đang làm công nhân xí nghiệp chế biến – Quốc doanh cao su Thuận Lợi. Từ đây, câu chuyện về 3 thế hệ trong gia đình này đã bắt đầu hình thành và phát triển.
Bà Hồng (vợ ông Minh) chia sẻ: “Hồi xưa cô nhớ vào những dịp lễ lớn như Tết, Quốc khánh, công ty thường tổ chức các chương trình văn nghệ, hoạt động đoàn thể, lúc đó cô và chú đều được lựa chọn để tham gia biểu diễn. Những khoảnh khắc cùng tập luyện, cùng chuẩn bị cho các tiết mục đã giúp cô chú dần quen biết và tạo nên tình cảm. Trong quá trình làm việc, cô chú cũng thường xuyên có cơ hội gặp gỡ, trao đổi công việc, từ đó mối quan hệ càng thêm thân thiết hơn. Một điều đặc biệt khiến cô khi đó có ấn tượng sâu sắc với chú là cả hai gia đình đều có truyền thống làm nghề cao su. Cô biết rằng gia đình chú cũng như gia đình cô, đều có nhiều người làm nghề cao su từ nhiều thế hệ. Cô tin rằng chính nền tảng văn hóa, truyền thống, nghề nghiệp chung này đã giúp cô và chú dễ dàng tìm được những điểm chung, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp ngay từ những ngày đầu tiên quen biết”.
Dù nhiều năm đã trôi qua, những trải nghiệm tuổi trẻ của bà Hồng trong công việc cao su vẫn luôn được bà ghi nhớ rõ ràng. Bà bày tỏ: “Ngày xưa, khi cô còn trẻ làm việc ở công ty cao su quốc doanh, thời ấy mọi thứ đều rất khó khăn. Cô vẫn nhớ như in, cứ mỗi cuối tuần, công ty lại tổ chức chuyến xe đưa đón tất cả công nhân, từ già đến trẻ được đi chợ Đồng Xoài. Mặc dù điều kiện còn thiếu thốn, nhưng công ty luôn tạo điều kiện, chăm lo cho đời sống công nhân. Những chuyến đi ấy luôn mang lại niềm vui và tiếng cười rộn rã. Đó là những kỷ niệm đẹp khó phai trong ký ức của cô”.
Định hướng nghề nghiệp cho con
Thế hệ trẻ ngày nay thường ấp ủ những ước mơ và khát vọng riêng. Vì thế, định hướng để họ kế thừa nghề cao su của gia đình không phải là chuyện đơn giản. Gia đình ông Minh hiểu rằng, việc lưu truyền và phát huy nghề cao su không phải là áp đặt sở thích của người đi trước cho người đi sau. Làm như vậy sẽ làm mất đi ý nghĩa và sức sống vốn có của nghề. Bởi truyền thống ngành cao su của những gia đình có nhiều thế hệ thường được hun đúc từ trong gian khổ, khó khăn, những điều mà vật chất không thể đánh đổi được.
Vì thế, họ thường kể cho con cháu nghe về tinh thần vượt khó của người đi trước, về những niềm vui, hạnh phúc của nghề, như một cách khơi dậy ý thức tự giác giữ gìn nghề truyền thống cho thế hệ sau. Hai vợ chồng ông Minh thường bảo ban các con: “Nếm trải đủ mọi thiếu thốn, đói no, thăng trầm của nghề cao su. Cô mới nhận thấy cái gì cũng bắt nguồn từ khó khăn rồi mới tới thịnh vượng, là một người mẹ cũng là một thế hệ đi trước cô luôn khuyên các con cô luôn cố gắng từng ngày. Ngày xưa cha mẹ còn cực hơn nữa kia, nhưng vẫn cố gắng được thì các con sau này điều kiện đã đầy đủ hơn thì cứ cố gắng bám nghề thì sẽ thành công” – bà Hồng tâm sự.
Nhận sự dạy dỗ, chỉ bảo từ cha mẹ, chị Nguyễn Thị Hồng Phương (con ông Minh) đã trở thành thế hệ thứ 3 tiếp nối truyền thống gia đình. Chị Phương chia sẻ: “Hiện tại tôi đang làm việc tại NT Tân Thành, Cao su Đồng Phú. Tôi bắt đầu công việc từ tháng 8/2005 – tháng 3/2015 ở vị trí nhân viên kế toán, sau đó tôi chuyển qua làm trợ lý kế toán cho đến nay. Đối với tôi, công việc hiện tại là một niềm vui và may mắn. Nhờ công việc, tôi đã trưởng thành hơn, không chỉ trong công việc mà còn cả trong cách suy nghĩ. Lựa chọn làm việc trong ngành cao su không chỉ là do sở thích của bản thân, mà còn xuất phát từ truyền thống gia đình. Ông bà, cha mẹ tôi đều đã gắn bó với nghề từ bao đời nay. Những người công nhân cao su luôn có đức tính cần mẫn, chăm chỉ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, không phân biệt thời chiến hay thời bình. Và giờ đây, tôi rất vinh dự khi được trở thành thế hệ kế thừa, để tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống quý báu này”.
Điều đáng quý là sự gắn kết gia đình, sự tự hào và trách nhiệm với nghề cao su luôn được các thế hệ trong gia đình ông Minh trân trọng và duy trì. Đó chính là chìa khóa để ngành cao su vẫn tiếp tục phát triển, trở thành tài sản quý giá được các thế hệ sau kế thừa và phát huy.
HẰNG NY
Related posts:
- "Thắt lòng" những mong ước
- Sáng kiến tiết kiệm bạc tỷ của một giám đốc nông trường
- "Em ơi, anh đã về"
- Hoàng Hải Hiền: Người thầy đam mê sáng tạo
- Lãi 60 triệu đồng 2 vụ nhờ trồng xen canh
- Gặp những công nhân điển hình ở Cao su Chư Păh
- Đam mê, sáng tạo nghiên cứu khoa học
- Những cuộc đấu tranh tự phát
- Tình cảnh đời sống của công nhân đồn điền cao su
- Ngô Thị Nga - người nói ít làm nhiều