Hoàng Hải Hiền: Người thầy đam mê sáng tạo

CSVN – Thầy Hoàng Hải Hiền – giảng viên Khoa Công nghệ Hóa học, Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su đã có nhiều sáng kiến mang tính ứng dụng cao và hiệu quả thiết thực. Vừa qua, anh vinh dự là cá nhân duy nhất nhận giải thưởng “Cao su Việt Nam” năm 2017.
Thầy Hoàng Hải Hiền (thứ ba, từ phải sang) nhận giải thưởng Cao su Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 88 năm ngày truyền thống ngành cao su VN 28/10 vừa qua. Ảnh: Tùng Châu
Thầy Hoàng Hải Hiền (thứ ba, từ phải sang) nhận giải thưởng Cao su Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 88 năm ngày truyền thống ngành cao su VN 28/10 vừa qua. Ảnh: Tùng Châu
Vinh dự nhận giải thưởng “Cao su Việt Nam”

Anh Hoàng Hải Hiền sinh năm 1981, quê ở Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, năm 2008 anh vào làm giảng viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su. Sau đó, anh tiếp tục làm nghiên cứu sinh và năm 2014 bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về vật liệu cao su blend, cao su nano composite.

Là cá nhân duy nhất vinh dự được nhận giải thưởng “Cao su Việt Nam” năm 2017 vào đúng dịp tổ chức Lễ kỷ niệm 88 năm truyền thống ngành cao su (28/10/1929 – 28/10/2017), thầy Hiền rất vui. “Khi nộp hồ sơ, mình có nghĩ cũng không kỳ vọng cao lắm vì Tập đoàn Công nghiệp Cao su là một tập đoàn lớn, nhiều người có sáng kiến, sáng tạo hiệu quả. Tuy nhiên, khi được thông báo, nhận giải thưởng cao quý này, mình rất bất ngờ”, thầy Hiền chia sẻ.

Ngoài công tác giảng dạy ở Khoa Công nghệ Hóa Học, thời gian rảnh anh lại bắt tay vào nghiên cứu, tìm   tòi các kiến thức về các thiết bị cơ khí – điện tử tự động hóa. Có những đề tài, thiết bị do thầy Hiền sáng tạo đã ứng dụng vào thực tế công tác giảng dạy góp phần phát triển kỹ năng thực hành cho các em sinh viên, trong đó có “Máy đo lực kéo – nén cao su”, “Máy trộn kín đa năng”…

Ngoài ra, các công trình nghiên cứu “Keo dán gỗ kỵ nước từ xốp phế thải”; “Phương pháp phân tán Pepton-22 trong nước phục vụ sản xuất cao su SVR-CV 50”; “Chế tạo vật liệu composite, ứng dụng sản xuất tấm lợp chịu lực, siêu nhẹ từ rác thải khó phân hủy”… của thầy Hiền rất thiết thực trong ngành cao su hiện nay.

Mong muốn cống hiến nhiều hơn

Các thiết bị sáng tạo của thầy Hiền hiện đã được trang bị cho phòng thí nghiệm của nhà trường mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên trong thâm tâm thầy vẫn mong muốn sáng chế ra nhiều thiết bị hơn nữa để phục vụ cho công tác giảng dạy và cống hiến cho ngành.

Theo thầy thì trong một tương lai gần, khách hàng sẽ đòi hỏi nhiều hơn các chỉ tiêu về cơ lý của cao su thiên nhiên cả về đã lưu hóa và chưa lưu hóa. Vì vậy phòng thí nghiệm của các công ty cao su chắc chắn phải có các thiết bị như máy trộn kín và máy đo lực kéo – nén cao su. Ngoài ra, vấn đề tự động hóa trong sản xuất cao su hiện nay đang còn là đề tài bỏ ngỏ, thầy đang đầu tư nghiên cứu các thiết bị theo hướng này.

Thầy Hiền cho biết, mỗi đề tài đều bắt nguồn từ ý tưởng và nhu cầu thực tế vì vậy mỗi đề tài đều chiếm thời gian công sức nhất định. Các đề tài về thiết bị thường đòi hỏi kiến thức khá tổng hợp về cả vật liệu – cơ khí – điện tử… những lĩnh vực nào không rành, thầy có bạn bè, đồng nghiệp hỗ trợ nên tự tin.

Khi được hỏi về kỷ niệm khó quên trong quá trình thực hiện thiết bị, thầy Hiền trải lòng: “Máy trộn kín là sản phẩm cơ khí đầu tiên mình làm. Tuy nhiên khi chế tạo thì thợ ở Bình Phước không hiểu ý nên làm đi làm lại khá vất vả. Quá trình đem đứa con tinh thần đi thi cũng gặp nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Khi mình đi dự thi Hội thi thiết bị dạy nghề toàn quốc lần thứ 5 năm 2016 thì chiếc máy được sử dụng từ năm 2012 đã rất cũ. Để làm mới, chiếc máy phải sơn lại. Do thời gian chuẩn bị quá gấp, khi mang máy lên xe đi thi thì sơn vẫn chưa khô. Lúc báo cáo trước hội đồng chấm, máy chạy rất tốt, mình còn nhớ như in trưởng ban giám khảo đã đánh giá: Phương pháp sư phạm của thầy rất tốt, máy do thầy tự chế tạo, nên thầy trình bày rất tốt. Chung cuộc thiết bị đã đạt giải 3 toàn quốc năm 2016”.

Bí quyết thành công để có những ý tưởng sáng chế tốt và hiệu quả theo thầy Hiền, trước hết phải có niềm đam mê, cần các kiến thức phụ trợ và cần nữa là có kinh phí để làm. “Kinh phí để chế tạo thiết bị luôn là một trở ngại lớn nhất”, thầy Hiền chia sẻ.

Minh Tâm