CSVN – Những đôi tay vùng cao vốn đã quen với ruộng bậc thang, nương ngô nay đã mạnh dạn đến vùng đất lạ để làm cao su, đặc biệt là thanh niên. Với tính cách của người làm nông nghiệp cần cù, chịu khó, những đôi tay ấy dần “vẽ” lên một bức tranh mới cho cuộc sống của gia đình ở vùng cao su.
Khăn gói vào tận nơi để xem có được như “quảng cáo”
Có khó đến đâu thì cũng không bị khuất phục với những người có ý chí – Giàng Mí Chu – người dân tộc H’Mông là một người như vậy. Trước khi được “nối duyên” với Cao su Đồng Nai, anh Giàng Mí Chu là cán bộ thôn rất trẻ ở một huyện nghèo thuộc tỉnh Hà Giang. Trong một lần đi họp giao ban đầu tháng, anh nghe mọi người nói nhiều đến một công ty cao su trong Nam tuyển NLĐ.
Chưa biết chắc chắn “trong ấy” có ổn không nên tháng 9/2019 anh quyết định đi một mình vào làm. Đến Tết 2020 anh về Hà Giang và đón cả vợ con vào, vợ anh cũng xin làm công nhân cao su ở Nông trường Cẩm Đường.
Anh nói: “Từ khi sinh ra đến lớn lên tôi chưa đi ra khỏi vùng quê của mình, đi xa lắm chỉ ra huyện. Thế mà nghe trong này tuyển công nhân, tôi khăn gói vào tận nơi để xem có được như “quảng cáo” không. Lúc đầu môi trường sống không quen, thời tiết nóng, mọi thứ xa lạ, tôi tưởng như không chịu được. Nhưng tôi quyết định đã xa quê hương là nhất định có vất vả mấy cũng phải nỗ lực để thành công, chí ít cũng cho gia đình có cuộc sống tốt hơn”.
Ngày đầu, ngày thứ hai anh cầm dao học cạo còn vụng về, nhưng rồi ngày thứ ba, thứ tư và lâu dần không còn cảm thấy khó nữa. Năm 2020, anh đạt giải ba Hội thi Bàn tay vàng cấp nông trường, rồi đến hội thi cấp TCT anh là thí sinh trẻ nhất, là người đồng bào dân tộc thiểu số có thành tích cao nhất. Anh cũng là thành viên được chọn trong đội rèn luyện để đào tạo thi cấp ngành. Tuy chưa may mắn là thí sinh tham dự ở hội thi cấp ngành nhưng anh được công ty cho theo đoàn để học hỏi kinh nghiệm.
Trong buổi lễ khai giảng lớp đại học chuyên ngành Nông học do TCT kết hợp với Đại học Nông lâm TP.HCM tổ chức, nhiều người lấy làm lạ khi anh là học viên dự thính duy nhất, là người có tuổi nghề trẻ nhất trong tổng số 67 thành viên là cán bộ quản lý các cấp. Anh cho hay: “Trước đây, tôi không có cơ hội để học đại học, những tưởng rằng ước mơ đó đã khép lại vì không đủ điều kiện kinh tế. Khi xác định vào đây mưu sinh, cả hai vợ chồng luôn nhắc nhở nhau phải cố gắng rất nhiều. Trong suốt quá trình làm việc, tôi lấy phương châm đó để làm tròn trách nhiệm của một công nhân, đồng thời tự học hỏi nâng cao tay nghề, nhờ đó tôi được lãnh đạo TCT tạo điều kiện giúp đỡ để tôi được dự thính lớp đại học. Vậy là tôi đã thực hiện ước mơ của cuộc đời”.
Hàng ngày, sau khi đưa hai con nhỏ đến trường, vợ chồng anh đến vườn cây, cùng nhau cố gắng cạo hết cây, tận thu hết mủ, hoàn thành tốt sản lượng nông trường giao. Hiện nay, mỗi tháng thu nhập của hai vợ chồng trên 15 triệu đồng, mức thu nhập mà trước đây bán tạ thóc hay tấn ngô cũng “không dám mơ tới”. Là một tấm gương tiêu biểu, chịu thương, chịu khó nên cái tên Giàng Mí Chu đã trở nên quen thuộc trong toàn TCT khi nhắc đến công nhân ngoài Bắc vào lập nghiệp. Không chỉ vậy, anh còn hỗ trợ đơn vị trong công tác tuyên truyền thu tuyển thêm lao động mới ở phía Bắc vào làm. Năm 2020 vừa qua, anh là thành viên được công ty mời tham gia đoàn công tác ra Hà Giang tuyển công nhân.
Anh tâm tình: “Tôi mới vào làm chưa được 2 năm nhưng những gì tôi nhận được tại TCT rất nhiều, vợ chồng tôi có thu nhập ổn định, có điều kiện học tập nâng cao trình độ, được thực hiện ước mơ lớn của cuộc đời mình, được TCT quan tâm đến các chế độ, chính sách có lợi cho NLĐ. Với tôi, điều đó quá tuyệt vời”.
Sẽ gắn bó lâu dài
Quãng đường từ Lào Cai đến Đồng Nai di chuyển mất 3 ngày 2 đêm là chuyến đi xa nhất từ trước đến nay của vợ chồng anh Lù Seo Vảng – công nhân Nông trường An Viễng. Đáng lẽ ra vào Đồng Nai từ tháng 3/2020 nhưng do dịch bệnh Covid – 19 nên phải tới hai tháng sau gia đình anh mới xuất phát được. Tuổi trẻ, chí lớn nên vợ chồng anh không mất nhiều thời gian đắn đo, suy nghĩ mà nhanh chóng quyết định lên đường ngược vào Nam lập nghiệp. Anh kể: “Hai vợ chồng ở quê thì trước nay trồng sắn, trồng quế để bán lấy tiền sinh sống. Mỗi năm cố gắng lắm thu nhập cũng chỉ được 40 – 50 triệu đồng. Mức thu nhập ấy nếu sống tiết kiệm thì vừa đủ, không dư dả bao nhiêu. Từ khi có con nhỏ cần phải chi tiêu nhiều hơn nhưng công việc kiếm ra tiền cũng chỉ vậy nên vợ chồng tôi rất đồng lòng trong việc thay đổi môi trường và công việc để có cái nghề ổn định, có thu nhập tốt”.
Lần đầu tiên khi cầm dao cạo nhát đầu tiên trên cây cao su anh phải thốt lên: “Ôi, sao hay thế. Tôi thì vốn không khéo tay lắm nên cũng hơi lo là không biết cạo được không, nhưng rồi dần dà cũng thích nghi được, giờ thì đã thành thạo hơn thời kỳ đầu mới vào rất nhiều, có thể cạo nhanh và đúng yêu cầu kỹ thuật”.
Từ tháng 5/2020 đến hết tháng 12, trừ tiền chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, vợ chồng anh tiết kiệm được 50 triệu đồng. Vào làm ở công ty chưa tròn một năm nhưng đã có dư, anh chị mừng biết bao, bởi làm ở đây một năm thì bằng hơn hai năm trồng sắn, trồng quế ở quê. Anh chị bàn bạc với nhau cứ dành dụm số tiền này để lo cho con cái ăn học sau này.
Uy tín, trách nhiệm với công việc nên anh còn được mọi người tin tưởng bầu làm Tổ trưởng Công đoàn Tổ 10. Anh cho hay: “Ở nông trường tôi có rất nhiều người quê xa vào làm việc. Chúng tôi được bố trí chỗ ở gần với vườn cây, anh chị em đồng nghiệp hỗ trợ rất nhiều, tận tình chỉ bảo những chỗ chúng tôi còn chưa hiểu. Thực ra khi vào đây tập quen với công việc mới, tôi thấy làm công nhân cạo mủ cao su còn dễ và thu nhập tốt hơn công việc trước đây tôi làm”.
Tết Nguyên đán 2021, vợ chồng anh sẽ về quê ăn Tết. Khi biết được công ty sẽ hỗ trợ phần nào tiền xe cho NLĐ xa về quê ăn Tết, không chỉ anh mà nhiều người trong khu tập thể rất cảm kích trước sự quan tâm của lãnh đạo công ty và nông trường dành cho NLĐ mới vào. Anh cho biết: “Các tổ chức đoàn thể ở đây rất quan tâm đến NLĐ, vợ chồng tôi xem đây là quê hương thứ hai của mình. Ăn Tết xong khi trở vào, tôi sẽ xin cho vợ vào làm công nhân chính thức”.
Không chỉ anh Giàng Mí Chu hay anh Lù Seo Vảng mà rất nhiều NLĐ ở các tỉnh miền núi phía Bắc vào Đồng Nai lập nghiệp năm nay sẽ đón một cái Tết thật đặc biệt. Cái Tết đầu tiên của những người con xa xứ trở về quê hương, cũng là dịp để họ chia sẻ những câu chuyện về một đơn vị miền Đông anh dũng, nơi có truyền thống phát triển cao su và là nơi giúp những ước mơ về một cuộc sống mới của họ trở thành hiện thực. Như rễ cây bám sâu vào lòng đất, rồi đây nơi mà họ từng nghĩ là phương trời đất lạ sẽ trở thành quê hương thứ hai nhờ sự gắn bó với ngành với nghề của họ.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Phát động cuộc thi viết về "Ký ức người lính"
- Lần đầu tiên đi thi thợ giỏi đã "ẵm" giải cao
- Tuổi trẻ phải giữ vững lập trường
- Công đoàn chung tay cùng đơn vị ổn định lao động nâng cao hiệu quả sản xuất
- Cao su Bà Rịa thu tuyển lao động ngoài tỉnh để đảm bảo cho mùa cạo mới
- Nhiều tín hiệu khởi sắc, kỳ vọng thành công
- Trần Văn Diệu: "Công việc cạo mủ với tôi là đam mê"
- Anh công nhân đa tài ở cao su Dầu Tiếng
- Cạo mủ cao su: Nhìn lại lịch sử
- Cán bộ CĐ trong giai đoạn mới: "Sống và vào cuộc với nhịp sống của người lao động"