Những cuộc đấu tranh tự phát

(tiếp theo kỳ trước)

CSVN – Một số công nhân do uất ức quá không chịu nổi đã dùng dao chém chết bọn xu, sếp rồi tự sát luôn. Có người bỏ trốn vào rừng, sau đó không tìm thấy lối ra hoặc bị vây bọc không thoát được, lẩn quất mãi trong rừng rồi chết vì bệnh tật, đói khát.
Cảnh công nhân bị bắt khi chống lại bọn chủ Tây
Cảnh công nhân bị bắt khi chống lại bọn chủ Tây

Ngoài những cái chết do bọn chủ đồn điền gây nên, người công nhân cao su còn chết vì rắn độc cắn, voi chà, hùm beo ăn thịt hoặc chết vì bị cây rừng đốn đổ đè lên người. Cái nạn chết vì bị cây rừng ngã đè cũng thật khủng khiếp. Anh chị em công nhân cao su đã từng đau đớn thốt lên:

“Cây rừng đè chết mạng người

Đắng cay tủi nhục kiếp người công tra”.

Tóm lại đối với người công nhân đồn điền cao su, có hàng chục kiểu chết khác nhau. Đã thế, khi chết họ lại không bao giờ được chôn cất tử tế. Thi hài người chết không bao giờ có quan tài riêng, chỉ được bó bằng ngay chiếc chiếu của người đó nằm khi sống, rồi đặt vào cái quan tài dùng chung duy nhất để khiêng đi chôn. Đến nghĩa địa, bó chiếu bọc thi hài được trút xuống hố huyệt, lấp đất, còn cái quan tài thì lại được mang về để sau dùng chôn người khác. Nghĩa địa là một vùng đất trống đã dọn sẵn. Thoạt nhìn vào rất dễ lầm tưởng rằng người chết được bọn chủ ưu ái dành cho phần đất chôn khá rộng rãi bởi các ngôi mộ cách nhau đến 5, 6 thước, vuông vắn như ô bàn cờ, nhìn chiều nào cũng ngay tăm tắp. Nhưng kỳ thực đó là vườn cây mới của tên chủ tàn bạo, bởi vì chỉ vài tháng sau, trên ngôi mộ mới đã mọc lên một cây cao su non. Bọn chủ đồn điền giải thích rằng trồng cây trên mộ để che mát cho người đã khuất. Nhưng đó là điều hoàn toàn dối trá. Sự thật đây là việc làm hết sức dã man, chúng đã dùng thân xác người chết để bón cho cây cao su xanh tốt, đem lại lợi nhuận tối đa cho chúng.

Tất cả những điều nói trên là nỗi khổ nhục chung của mọi công nhân đồn điền cao su, nhưng nữ công nhân thì còn có nỗi khổ nhục riêng không thể nào tả xiết. Những nữ công nhân nào có chút nhan sắc bị bọn xu, cai nhìn thấy là lập tức bị “điều động” lên nhà riêng của chúng để làm những công việc lặt vặt như tưới hoa, quét nhà, coi vườn… rồi giày vò chị em. Đến khi hoa tàn nhụy rữa, chúng thấy chán lại thải ra. Có những gia đình chồng đi làm ngoài lô, vợ ở nhà, bọn xu, sếp mò đến cưỡng hiếp…

Ở một số đồn điền, chúng lại ra một quy chế oái ăm là từ chủ nhất, chủ nhì đến sếp, xu, cai đều có quyền sử dụng bất cứ một người đàn bà nào, bất kể người ấy đã có chồng hay chưa. Còn chủ công ty lại càng được thả sức sử dụng công nhân nữ.

Thực dân Pháp sử dụng lao động nữ phá rừng trồng cao su
Thực dân Pháp sử dụng lao động nữ phá rừng trồng cao su

Sự tủi nhục này đã được người công nhân đồn điền cao su đúc kết trong câu ca dao:

“Vợ mình là thật vợ mình

Xu, sếp muốn lấy mặc tình chẳng kiêng”.

Qua tất cả những điều trên, ta thấy các đồn điền cao su thời Pháp thuộc quả là “địa ngục trần gian” và cuộc sống của người công nhân đúng là cuộc sống của người nô lệ không hơn không kém.

Rất nhiều câu ca dao lưu truyền trong các đồn điền cao su miền Đông Nam Bộ thời bấy giờ đã nói lên số phận khốn khó của người công nhân cao su dưới chế độ áp bức bóc lột dã man của bọn chủ tư bản Pháp đồng thời cũng nói lên lòng căm hận ngút trời của họ đốì với bọn chủ đồn điền này:

“Cao su đi dễ khó về,

Trai thì bỏ xác, gái về còn xương”.

“Cao su vốn thật lạc loài,

Mạng phu thật rẻ như bèo đâu ngoa”.

Hoặc

“Cao su xanh tốt chốn này,

Mỗi cây bón một xác người công nhân.

Hận thù trời đất khôn cầm,

Càng tươi dòng mủ, càng bầm ruột gan”.

Những cuộc đấu tranh tự phát chống lại chế độ hà khắc của chủ tư bản đồn điền

Áp bức và bóc lột cùng cực của chủ đồn điền và lũ tay chân đã đẩy người công nhân đồn điền cao  su vào con đường phải đứng lên chống lại để bảo  vệ quyền sống của mình. Nhưng trong thời kỳ đầu do chưa có sự giác ngộ về giai cấp, chưa có nhận thức đúng đắn về phương hướng và mục tiêu đấu tranh: “muốn thoát khỏi kiếp sống nô lệ thì phải đoàn kết giai cấp, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào kẻ thù giai cấp đồng thời là kẻ thù dân tộc – bọn tư bản thực dân Pháp, đấu tranh kinh tế kếp hợp và nâng dần lên đấu tranh chính trị nhằm lật đổ ách thống trị của chúng…”, những cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền cao su đều là những cuộc đấu tranh tự phát nhằm làm thay đổi phần nào hoặc thoát khỏi cuộc sống đau đớn và tủi nhục hiện tại. Dưới đây là những hình thức phản kháng tự phát khá phổ biến lúc bây giờ:

Bỏ trốn: Đây là một kiểu phản ứng thường thấy của những người phu cao su trong giai đoạn đầu mới thành lập đồn điền. Bị đày đọa trong cảnh sống “địa ngục trần gian” hoàn toàn trái ngược với những lời hứa hẹn đường mật của bọn cai mộ, họ không tìm thấy con đường sống nào khác ngoài việc bỏ trốn với một suy nghĩ rất đơn giản là: ở lại rồi cũng thân tàn ma dại, thân xác rồi cũng bón gốc cao su hoặc làm mồi cho mối, mòng, muỗi, kiến, bỏ trốn may ra còn được sống. Nếu được sống sẽ tìm đường trở về quê hương, tạo lập lại một cuộc sống mới.

Thường có hai cách trốn: trốn lẻ từng người hoặc trốn tập thể vài ba người, chục người. Trước khi trốn, bao giờ người định trốn cũng trữ lấy một ít lương thực, một ống diêm. Đợi đến kỳ trả tiền công xong là trốn, có mang theo búa nguyệt hoặc dao rựa mài bén để hộ thân.

Nhưng trong số những người đi trốn, số người trốn thoát rất ít. Đa số gặp phải số phận bi thảm: hoặc là làm mồi cho thú dữ, hoặc là bị những người Thượng (người dân tộc ít người) lầm lạc bị Tây mua chuộc, giết chết cắt đầu đem về nộp để lãnh thưởng hoặc là bị bọn lính đồn bắt lại dẫn về cho chủ rồi bị trừng phạt, hành hạ đến máu đổ thịt rơi như trường hợp 7 người phu trốn bị lính bắt lại ở đồn điền Phú Riềng mà Trần Tử Bình đã kể lại trong Phú Riềng đỏ: “Thằng chủ hạ lệnh cho lính mang giày săng đá vào, rồi bắt dằn người đi trốn xuống đất, cho lính giẫm giày đinh lên lồng ngực, người đứng ngoài nghe thấy tiếng xương gãy kêu rau ráu. Giẫm giày đinh xong, chúng còn đánh tiếp một trận gậy “thừa sống, thiếu chết” nữa rồi bỏ vào nhà tối cùm lại. Một tuần sau nhân có chuyện phạt cùm một công nhân khác, chúng mở cửa nhà tối ra thì 7 người đó đã chết cứng ngắc, chân vẫn còn tra chéo trong cùm”.

Đối với hình thức đấu tranh này của công nhân cao su, trở ngại lớn nhất là số đồng bào Thượng bị bọn chủ tư bản Pháp vừa dọa dẫm, vừa dụ dỗ theo chúng để lùng bắt những công nhân chạy trốn. Giọng lưỡi của chúng là: “Đứa nào bắt được phu trốn đem nộp cho “ông” thì “ông” thưởng tiền, thưởng muối, nếu thả phu, “ông” sẽ đốt nhà, đốt rẫy”. Thế là một số người vì sợ, một số khác vì bị lừa bịp, mua chuộc nên làm theo lời chúng. Kết quả là nhiều công nhân đồn điền cao su thoát khỏi bọn xu, bọn lính khố xanh, nhưng lại không thoát khỏi một số người Thượng bị lầm lạc đó.

CSVN

(Xem tiếp kỳ sau)

(trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)