Nhờ cố gắng đã về trước kế hoạch

CSVN – Đội 2, Nông trường 4, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh là nơi có nhiều cá nhân về trước kế hoạch sản lượng năm 2018. Với chị Lê Thị Minh Nguyệt thì ngoài việc đảm bảo các quy trình kỹ thuật thì sự nỗ lực của bản thân đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu sản lượng được nông trường giao.
 Chị Nguyệt trong giờ nghỉ giải lao. Ảnh: Nguyễn Cường
Chị Nguyệt trong giờ nghỉ giải lao. Ảnh: Nguyễn Cường

Chúng tôi đến gặp chị Nguyệt trong giờ tập kết mủ. Chị là một trong những cá nhân tiêu biểu của đơn vị trong phong trào thi đua nước rút. Dường như những khó khăn không ngăn cản được sự bứt phá của chị trong cuộc “chạy đua” nước rút những tháng cuối năm. Dường như năm nào, chị cũng về trước kế hoạch sản lượng với thời gian khá sớm. Năm 2018, sản lượng cấp trên giao cho chị là 6,7 tấn, đến ngày 29/10 chị đã hoàn thành kế hoạch. Theo dự kiến đến hết năm, chị sẽ vượt 30% kế hoạch.

Chị chia sẻ: “Thực sự tôi cũng không có bí quyết gì đâu, chỉ là thực hiện đảm bảo các quy trình kỹ thuật, tận thu hết mủ. Thời tiết diễn biến thất thường, chính vì vậy sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân là yếu tố đặc biệt quan trọng. Nghề cạo mủ cao su rất vất vả, nếu bản thân mỗi người cố gắng thì dù trong hoàn cảnh nào cũng sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra”.

Chị phụ trách vườn cây già, vậy nên công việc cũng cực nhọc hơn người khác rất nhiều. Ông xã chị trước đây cũng là công nhân cạo mủ nay đã nghỉ hưu vẫn thường xuyên ra lô phụ vợ. Bởi đã từng trải qua những khó khăn nên anh hiểu được nỗi cực nhọc khi trời mưa gió và vất vả khi vợ chịu trách nhiệm khai thác phần cây già.

Mỗi ngày người ta vẫn thấy hai vợ chồng tảo tần, chịu khó, tận thu từng sợi mủ dây, tất tả khi gần đến giờ trút mủ mà trời đổ mưa. Có những khi đã xong việc nhưng anh chị vẫn nán lại thu gom những cành nhánh gãy đổ trên vườn cây.

Chị tâm sự: “Phải nói là chúng tôi trưởng thành từ cao su. Ngày xưa ba mẹ tôi vào làm cao su từ năm 1983. Nói vất vả thì làm công nhân cao su có vất vả hơn những ngành nghề khác. Nhưng ở cao su cho chúng tôi rất nhiều, cuộc sống ổn định, các con được ăn học đến nơi đến chốn. Nhờ tích lũy từ thu nhập công nhân cao su, chúng tôi có vườn tiêu, có cao su và chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Những năm gần đây, giá cao su giảm, nhiều người nghỉ để làm công việc khác nhưng chúng tôi thì không. Tôi chưa từng có suy nghĩ sẽ nghỉ việc vì ngành nào mà chẳng có những cái khó riêng, chỉ cần nỗ lực là vượt qua hết. Nếu làm tốt thì thu nhập cũng cao so với những công việc khác tại địa phương. Mỗi tháng thu nhập của tôi dao động ở mức 8 – 9 triệu đồng. Đây cũng là động lực để tôi cố gắng phát huy tốt hơn trong công việc”.

HÀ KHUÊ