Tự hào truyền thống, vững bước vươn xa

CSVN – Nghề cao su không chỉ là một công việc, mà còn là một niềm đam mê mãnh liệt đối với nhiều công nhân. Với tinh thần yêu ngành, yêu nghề, họ đã gửi gắm hết tâm huyết của mình vào công việc hàng ngày.

Bài 3: Cao su tình cảm sâu nặng
Hơn 19 năm làm việc, chị Hòa luôn tận lực với nghề cao su. Ảnh: Vũ Phong
Nụ cười trên lô vẫn luôn thường trực khắp các nông trường.
Hành trình gắn kết với nghề cao su

Trên lô cao su thuộc Nông trường Tân Hiệp, Cao su Tân Biên vào giờ trút mủ chúng tôi đã được gặp gỡ ông Trần Văn Chất – CN đội sản xuất 1, một công nhân đã gắn bó với ngành này suốt gần 20 năm.

Vừa làm việc, ông Chất vừa chia sẻ cho chúng tôi nghe về cơ duyên ông đến với nghề một cách từ tốn: “Tôi bắt đầu làm công việc này từ năm 2004, từ khi bắt đầu làm việc trong ngành cao su, tôi đã yêu thích công việc này vô cùng. Ngày nào cũng trông đến giờ để ra lô cạo cùng anh em. Càng làm lại càng cảm thấy gắn bó với đơn vị, với đồng nghiệp, mọi người xem nhau như gia đình, luôn giúp đỡ và hỗ trợ hết mình. Bây giờ nghề cao su là nguồn sống chính của tôi. Tôi hài lòng và tự hào khi có thể góp phần nhỏ sức lực của mình vào quá trình sản xuất và phát triển của đơn vị”, ông Chất nói.

Cách đó không xa, hình ảnh một người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng đôi tay rất nhanh nhẹn đã thu hút chúng tôi. Đó là chị Phan Thị Hòa, một tấm gương công nhân nổi bật tại NT Tân Hiệp vì đạt được nhiều thành tích tốt trong quá trình làm việc. Bước vào ngành từ khi còn trẻ, chị Hòa đã trải qua nhiều khó khăn, nhưng tình yêu và đam mê với công việc đã giúp cô vượt qua hết trở ngại.

Chị bày tỏ: “Những ngày đầu mới vào nghề, tôi mang theo một chút bỡ ngỡ, vượt qua nhiều khó khăn và từ đó trưởng thành lên mỗi ngày. Nghề cao su không phải là một con đường dễ dàng, nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và quyết tâm. Nhớ ngày đó mới vào đi cạo mà gặp trời mưa, đường sình lầy trơn trợt, mình chưa có kinh nghiệm, đi không khéo lại bị ngã xe làm đổ mủ,… Tuy vất vả là vậy nhưng niềm vui lại nhiều hơn cả, lúc làm việc hay sinh hoạt, vui chơi đều có anh chị em cùng tham gia. Chúng tôi chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và cùng nhau đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong công việc hàng ngày. Chúng tôi cảm nhận được sự gắn bó sâu sắc, tình yêu và lòng nhiệt huyết với nghề cao su. Đó là một hành trình mà chúng tôi tự hào và sẽ mãi mãi khắc ghi trong tim”.

Khác với chị Hòa, nguyên nhân gắn kết với nghề cao su của chị Nguyễn Thị Trọng – CN tổ 3, NT An Lộc, TCT Cao su Đồng Nai lại chính từ gia đình của mình. Chị cho biết: “Nhà tôi có 3 đời đều làm nghề cao su, từ nhỏ đã theo cha mẹ ra lô phụ trút mủ, lớn lên nhờ vào “dòng nhựa trắng” cao su đối với với tôi thật gần gũi và thân thương. Có lẽ tình yêu nghề đã len lỏi trong tôi từ đó, khi lớn lên tôi đã chọn nghề cao su để gắn bó, tôi mong muốn bản thân giống như ông bà, cha mẹ tôi ngày trước đã dành cả thời trẻ, dành tâm huyết cho nghề mà họ yêu thương và trân quý”.

Đối với các công nhân cao su, công việc cạo mủ không chỉ đơn thuần là đi kiếm sống mà còn là một phần cuộc sống và niềm tự hào của họ. Họ tự hào được gọi là “người công nhân cao su” và sẵn lòng chia sẻ các kỹ năng và kiến thức của mình với thế hệ tiếp theo. Bằng sự đam mê và tâm huyết, công nhân cao su đã xây dựng nên một cộng đồng đoàn kết và phát triển vững mạnh theo suốt chiều dài lịch sử của ngành.

Giây phút giải lao sau những giờ làm việc trong lô.
Tình yêu hóa sức mạnh vượt qua mọi chông gai

Tình yêu và đam mê đối với ngành cao su đã mang lại sức mạnh và tinh thần hăng hái cho các công nhân tham gia lao động sản xuất. Họ không chỉ làm việc với sự trách nhiệm và cam kết, mà còn đặt tâm huyết và tình yêu của mình vào mỗi công đoạn sản xuất.

Anh Chất nói thêm: “Dù trải qua bao thăng trầm nhưng tôi vẫn gắn bó với đơn vị đến ngày hôm nay. Trong những năm tháng dày công lao động, lắm lúc cũng gặp khó khăn như những năm sản lượng khoán cao, mình nhận cạo choàng thêm, đảm bảo quy trình kỹ thuật để hoàn thành kế hoạch sản lượng. Nhìn từng vết chai sần trên bàn tay là những minh chứng sống động cho tình yêu của tôi với nghề này. Đó là kết quả của sự cống hiến và chăm chỉ hàng ngày của tôi. Năm 2016 tôi vinh dự nhận được giải nhất bàn tay vàng cấp công ty, tôi cũng thường xuyên nhận nhiều bằng khen của công ty và Tập đoàn. Ngoài làm việc thỏa đam mê, cao su đã giúp tôi có được một công việc ổn định, cuộc sống càng ngày càng tốt hơn”.

Cuộc thi đua lao động sản xuất không chỉ là một cuộc đua về số liệu, mà còn là cuộc đua về tinh thần và đam mê. Các công nhân không chỉ phấn đấu với nhau để đạt được kết quả tốt hơn, mà còn để thể hiện lòng yêu ngành cao su và sự tự hào với công việc của mình. Chính tình yêu công việc đã tạo nên sức mạnh vượt qua khó khăn, đạt được hiệu suất tối đa và mang lại những thành tựu xuất sắc.

Chị Hòa tiếp lời: “Nhờ vào tình yêu nghề và tinh thần chịu khó mà tôi đã nỗ lực hết mình để đạt được những thành tích cao trong sản xuất. Nhiều năm liền được nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua, các bằng khen giấy khen của công ty về thành tích nổi bật. Bên cạnh đó tôi cũng không ngừng nâng cao kỹ năng và trình độ tay nghề để giúp tăng năng suất lao động mà còn góp phần nhỏ vào sự bền vững và phát triển của ngành cao su trong tương lai”.

Tình yêu cao su đã trở thành nguồn động lực mạnh mẽ để các công nhân vượt qua mọi khó khăn và thách thức trong cuộc sống lao động. Họ không chỉ làm việc với sự nỗ lực tối đa, mà còn mang trong mình niềm tự hào và niềm tin vào ngành cao su. Đó chính là sức mạnh và tinh thần hăng hái mà tình yêu đối với ngành cao su đã được chuyển hóa và lan tỏa trong lao động sản xuất.

Mùa lao động thi đua nước rút đang sôi nổi ở khắp các nông trường, dưới những cánh rừng cao su vẫn vang lên những tiếng cười vui của những con người yêu ngành, yêu nghề ,gắn bó với nghề cao su qua năm tháng.

HẰNG NY