Chuyện về một Tổ trưởng Tổ cơ giới: “Nghe đất thở, nghe cây lên tiếng”

CSVN – Dạt dào tình yêu với đất và cây cộng thêm tâm huyết cả đời phụng sự cho nông nghiệp, anh Phạm Ánh Phương – Tổ trưởng Tổ cơ giới TCT Cao su Đồng Nai luôn say mê chế tạo ra những thiết bị cơ giới hóa ứng dụng trên vườn cây, góp phần nâng cao hiệu quả, tăng năng suất lao động.

Anh Phạm Ánh Phương (thứ 2 từ trái qua) được Ban lãnh đạo TCT khen thưởng trong mùa tái canh năm 2020. Ảnh: CTV. Ảnh tư liệu
Được làm việc mình “mê” là hạnh phúc

Chúng tôi có dịp gặp anh vào buổi chiều tháng 5/2020 khi anh đang cùng Tổ cơ giới cày đất, khoan hố chuẩn bị cho mùa vụ tái canh năm 2020. Và anh khi đó tuy là “lính cũ”, một gương mặt quen thuộc trong ngành cao su nhưng là “lính mới” tại TCT Cao su Đồng Nai. Sau lời chào hỏi làm quen, chúng tôi trao đổi một vài thông tin về anh, anh chỉ ngắn gọn về tên và nhiệm vụ, có vẻ như anh rất kiệm lời. Thoáng qua trong suy nghĩ, đây chắc hẳn là người mà chúng tôi khó “moi” thông tin. Nhưng rồi tất cả đều thay đổi khi được anh chở đi tham quan những lô anh em Tổ cơ giới vừa khoan hố xong.

Anh say sưa giải thích từng chi tiết về việc làm sao phải cày lật đất, vì sao phải cày sâu như vậy, hố khoan phải rộng bao nhiêu cm… để có tác dụng gì. Như “rà được sóng”, chúng tôi cứ bị cuốn hút bởi nhiệt huyết của anh với đất và cây cao su khi anh giới thiệu tỉ mỉ từng công đoạn trên vườn cây.

Hỏi ra thì biết trước đây anh đã có nhiều năm lăn lộn ở vùng Tây Ninh và cả “chiến trường” Campuchia. Anh quyết định đầu quân cho Cao su Đồng Nai khi có dịp nghe những trăn trở của thủ lĩnh TCT về việc làm sao để vườn cây cao su được xanh tốt, mỡ màu, làm sao để vườn cây đạt năng suất cao nhất, đời sống NLĐ, nhất là công nhân trực tiếp có thu nhập cao.

Anh quan niệm: “Cả cuộc đời tôi trước nay đã gắn bó với cây cao su và dù đi đâu, làm việc ở đơn vị nào cũng vì một mục đích là giúp cho đơn vị có vườn cây đạt hiệu quả tốt nhất”. Nhiều năm công tác trong ngành, chuyên phụ trách về cơ giới hóa, máy móc nên khi đảm nhận nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ cơ giới không mấy lạ lẫm với anh. Anh bắt tay ngay vào công việc bởi càng đẩy nhanh việc ứng dụng cơ giới hóa thì càng nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu giúp vườn cây đạt năng suất cao.

Cơ giới hóa là một trong những chương trình trọng điểm được Ban lãnh đạo TCT đặc biệt quan tâm nhằm hướng đến việc năng suất vườn cây đạt năng suất 2 tấn/ha trên toàn bộ diện tích vào năm 2023. Đam mê với nghề và được sự hỗ trợ tích cực về mọi mặt trong công tác, anh như “hổ mọc thêm cánh” trong lĩnh vực sáng chế thiết bị máy móc cơ giới hóa trên vườn cây, thăng hoa trong lao động sáng tạo và cống hiến không mệt mỏi cho công việc.

Chúng tôi có dịp ghé thăm “dinh cơ” của Tổ cơ giới TCT, đó là nơi khởi đầu các sáng kiến, cải tiến của 15 anh em trong tổ. Trước mắt chúng tôi là cơ man máy móc, thiết bị mà các anh em đang chế tạo từng công đoạn để phục vụ cho sự nghiệp nông nghiệp trong thời kỳ 4.0.

Anh chia sẻ: “Bất kỳ ai làm công việc gì cũng cần đam mê và tình yêu, tình yêu đó sẽ giúp cho mỗi người ý thức được trách nhiệm, cống hiến. Với tôi, được làm việc mình mê là hạnh phúc rồi, cả cuộc đời phụng sự vì nông nghiệp, tôi cho rằng làm nông nghiệp phải lắng nghe đất thở, nghe cây lên tiếng, đất cũng cần được thở, được “ăn uống”. Nếu không biết cách lắng nghe để có những giải pháp phù hợp với từng loại đất, từng giống cây thì hiệu quả mang lại trong sản xuất sẽ không cao”.

Nhờ có các hệ thống cơ giới của anh Phương nên TCT có thể hoàn thành tái canh 25 ha/ngày. Ảnh: CTV
Tác giả của nhiều máy móc phục vụ nông nghiệp 4.0

Khi nói về công việc, anh hào hứng: “Chủ trương đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa cho nông nghiệp là từng bước đưa ngành sản xuất nông nghiệp trong nước theo kịp sự phát triển của thời kỳ nông nghiệp 4.0 trên toàn cầu. Đồng thời giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển đột phá nhờ những hiệu quả, lợi ích của cơ giới hóa mang lại như góp phần bảo đảm thời vụ, tăng hệ số sử dụng đất và nâng cao năng suất, giảm thiểu sức lao động, làm thay đổi cách canh tác thủ công, tăng thu nhập cho NLĐ và mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp”.

Chính vì nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất là yêu cầu cấp thiết và quan trọng trong giai đoạn hiện nay, anh cùng với anh em trong Tổ cơ giới ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi để sáng chế ra máy móc phục vụ các công đoạn sản xuất trên vườn cây.

Với anh càng tối ưu cơ giới hóa được công đoạn nào thì nhất thiết phải làm, phải sáng chế được máy móc, chỉ trừ những việc không thể thay thế được sức lao động của con người. Từ phương châm đó, anh đóng vai trò chính trong việc sáng chế ra “Hệ thống thiết bị liên hợp 4 trong 1” (phá thành hố khoan, đảo trộn phân, lấp hố và lên luống hàng trồng cây cao su), phục vụ cho công tác tái canh mà chúng tôi đã từng giới thiệu.

Anh cho biết: “Hệ thống thiết bị liên hợp 4 trong 1 đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu kỹ thuật và cho độ ổn định trên vườn cây cao su tái canh so với các phương pháp trước đây. Đây là giải pháp lần đầu tiên thực hiện trong ngành cao su, giảm bớt công đoạn chuẩn bị đất trồng trong xu hướng chung của thế giới theo phương pháp làm đất tối thiểu, chỉ tập trung trên hàng trồng cây cao su. Thiết bị này có thể được sản xuất ngay trong nước với trình độ kỹ thuật, vật tư kỹ thuật sẵn có và có thể áp dụng trên quy mô công nghiệp trên diện tích lớn”.

Không chỉ vậy, nếu trước đây NLĐ phải tốn nhiều công sức để bón phân trước khi trồng cây cao su thì nay anh đã chế tạo “Hệ thống thiết bị bón phân lót hố trồng cây cao su tự động” giúp cho TCT khắc phục những khuyết điểm công tác bón phân thủ công trước đây. Trong mùa tái canh năm 2020, TCT áp dụng thiết bị này trên toàn bộ diện tích tái canh và đã tiết kiệm được hơn 160 triệu đồng.

Hệ thống này có thể trộn đều, tán nhuyễn các loại phân cần bón nhờ bơm thủy lực và mô tơ nhớt. Số lượng phân bón cho mỗi hố trồng cao su được định lượng chính xác bằng buồng định lượng phân có thiết kế dung tích vừa đủ cho từng hố trồng. Đặc biệt, trong trường hợp phải đáp ứng yêu cầu của thời vụ, hệ thống này có thể được áp dụng kể cả vào ban đêm, do chỉ cần thay thế lái xe (đổi ca) vì máy có hệ thống đèn chiếu sáng trước và sau xe.

Thiết bị bón phân hoạt động với công suất từ 10 – 15 ha/ngày giúp thay thế cho khoảng 26 – 39 lao động thủ công, góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động hiện nay. Bên cạnh đó, việc bón đúng định lượng quy định trên các hố trồng không những giúp NLĐ hạn chế đi lại trên vườn cây thì còn giúp giảm bớt được lực lượng quản lý, giám sát trên vườn cây. Máy móc, thiết bị ở đâu là anh ở đó, hình ảnh người Tổ trưởng Tổ cơ giới quần xắn ống cao ống thấp, luôn có mặt trên vườn cây hướng dẫn anh em trong tổ thực hiện nhiệm vụ đã không còn lạ lẫm gì với NLĐ.

Chúng tôi tạm chia tay khi trời vừa chập tối, anh hẹn rằng trong những lần gặp gỡ sau anh sẽ giới thiệu nhiều sáng kiến, cải tiến mới. Trên đường trở về thành phố, hình ảnh đọng lại mà chúng tôi chắc hẳn sẽ không quên là một tổ trưởng chân chất, luôn tếu táo kể chuyện cười để mọi người quên đi mệt nhọc, một nét đẹp gần gũi, giản dị như chính con người anh.

QUỲNH MAI