CSVNO – Đó là đề nghị của ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG tại cuộc họp về Công tác Khu công nghiệp 6 tháng đầu năm và phương hướng thực hiện 6 tháng cuối năm 2021, vào ngày 16/7.
Kết quả sản xuất kinh doanh tích cực
Mặc dù tình hình hình bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp vào đầu năm 2021 đến nay, tuy nhiên các công ty hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp (KCN) đã nỗ lực chủ động trong công tác phòng chống dịch, hỗ trợ các doanh nghiệp trong KCN, do đó kết quả SXKD về doanh thu, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 đạt kết quả tương đối tích cực.
Cụ thể: Doanh thu trên 848 tỷ đồng (đạt 41,62%); lợi nhuận sau thuế 361 tỷ đồng (đạt 50,1%). Hiện tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN thuộc Tập đoàn là 659 doanh nghiệp, với khoảng 209.000 công nhân.
Các công ty KCN đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại đơn vị; Thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, địa phương và Tập đoàn và phối hợp cùng địa phương trong việc hướng dẫn các doanh nghiệp trong khu công ngiệp thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch.
Hiện nay tại các tỉnh, thành (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước) tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, bên cạnh đó, việc các địa phương đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên nên việc vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa, gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Tại một số địa phương khu vực Đông Nam Bộ hiện đã yêu cầu các doanh nghiệp phải tổ chức lưu trú cho công nhân. Điều này gây ra khó khăn cho phần lớn các doanh nghiệp có quy mô lao động lớn như may mặc, giày da, gỗ công nghiệp do thiếu mặt bằng, cũng như đảm bảo các điều kiện sinh hoạt ăn, ở cho công nhân theo quy định của địa phương. Mặt khác các địa phương cũng yêu cầu việc xét nghiệm tầm soát định kỳ hàng tuần làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Với ảnh hưởng của dịch bệnh, công tác thu hút đầu tư tại các KCN còn quỹ đất cho thuê (Bắc Đồng Phú, Tân Bình, Long Thành…) gặp khó khăn, do hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài chỉ trao đổi tìm hiểu thông tin qua phương tiện thông tin trực tuyến mà chưa thể qua Việt Nam làm việc trực tiếp. Bên cạnh đó do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các nhà đầu tư Việt Nam cũng tạm dừng và hoãn kế hoạch đầu tư do diễn biến dịch.
Nhiều biện pháp ứng phó để thực hiện kế hoạch
Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch SXKD các tháng còn lại năm 2021, các Công ty KCN thuộc Tập đoàn tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư. Thực hiện các thủ tục hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Hỗ trợ các DN trong việc tổ chức ăn, ở và sản xuất tại nhà máy và thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh theo yêu cầu địa phương.
Tổ chức mô hình làm việc phù hợp với tình hình dịch Covid, bố trí cho CB.CNV làm việc và sinh hoạt tại chỗ để đảm bảo hoạt động liên tục của các dịch vụ hạ tầng toàn khu công nghiệp như công tác đảm bảo an ninh, trật tự; công tác cấp nước, cấp điện; xử lý nước thải, rác thải.
Cập nhật liên tục các chỉ đạo của địa phương, chỉ đạo của Tập đoàn để phổ biếnn cho các doanh nghiệp trong khu. Giữ liên lạc 24/24 với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương và kết nối 24/24 với các doanh nghiệp trong KCN để xử lý kịp thời các phát sinh liên quan đến dịch tễ. Kết nối với các nhà đầu tư có quan tâm để cung cấp các thông tin cần thiết nhằm thu hút các nhà đầu tư vào các KCN còn quỹ đất ngay sau khi tình hình dịch được kiểm soát và ổn định.
Lãnh đạo Tập đoàn tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 đạt chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận đã được giao.
Tiếp tục chỉ đạo các Ban chuyên môn cùng với các đơn vị khu vực Đông Nam Bộ làm việc với địa phương để thống nhất quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 của đơn vị vào Báo cáo đề xuất nhu cầu sử dụng đất của địa phương thời kỳ 2021 – 2030, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025), và danh mục các công trình, dự án trọng điểm có sử dụng đất.
Thống nhất bổ sung kế hoạch sử dụng đất vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 – 2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm ở cấp huyện để làm cơ sở tích hợp chung vào các quy hoạch KCN/CCN cấp trên làm tiền đề trong việc triển khai thực hiện quy hoạch của đơn vị.
Đẩy mạnh mở rộng các KCN
Về tình hình thực hiện mở rộng, thành lập mới các khu/cụm công nghiệp, theo Nghị quyết số 30/NQ-HĐQTCSVN ngày 10/7/2020 tổng diện tích dự kiến quy hoạch Khu/cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2030 là 39.177,24 ha (trong đó: KCN là 37.387,29ha; Cụm CN là 1.789,95ha).
Đến nay đã có 11/11 đơn vị đã gửi văn bản đến UBND các tỉnh đăng ký quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 với Tổng diện tích Khu/cụm công nghiệp là 45.092,08 ha (trong đó: KCN là 42.670,84ha; Cụm CN là 2.421,56ha).
Để hỗ trợ các đơn vị chủ động thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu/cụm công nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020, Tập đoàn đã có văn bản hướng dẫn chi tiết cho các đơn vị thành viên, có dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu/cụm công nghiệp thực hiện các quy trình thủ tục và mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư theo hướng dẫn tại công văn số 8909/BKHĐT-PC ngày 31/12/2020; công văn 324/BKHĐT-PC ngày 20/01/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư.
Tại cuộc họp, các công ty KCN đã kiến nghị Tập đoàn làm việc với các địa phương để xem xét cho các doanh nghiệp được sớm tiêm vaccine Covid-19 cho người lao động trong các nhà máy của các KCN để các doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Lãnh đạo Tập đoàn làm việc với cấp thẩm quyền các địa phương khu vực Đông Nam Bộ về việc quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2020 – 2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025, quy hoạch chuyển đổi đất cao su sang KCN/cụm công nghiệp…
Ông Trần Công Kha – Phó TGĐ VRG cho biết Tập đoàn cần sớm có văn bản gửi Bộ Y tế phân bổ vaccine cho các tỉnh, ưu tiêm tiêm vaccine cho các KCN. Về việc mở rộng KCN đã có quy hoạch đến năm 2030, Tập đoàn sớm có văn bản gửi tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh để sớm thông qua quy hoạch sử dụng đất.
Đặc biệt, KCN Minh Hưng 3 và Bắc Đồng Phú mở rộng nộp nhanh hồ sơ để sớm đi vào hoạt động đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Về cơ chế hỗ trợ các nhà đầu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đề nghị các KCN căn cứ tình hình thực tế của từng khu và có kế hoạch cụ thể, chi tiết với từng doanh nghiệp, tham mưu Tập đoàn có chủ trương cụ thể.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Huỳnh Văn Bảo – TGĐ VRG, nhận định: Các KCN có tốc độ phát triển cao hơn so với các lĩnh vực khác của Tập đoàn. Vừa qua, các KCN chia cổ tức bình quân trên 30%, có KCN 60%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ bình quân trên 50%.
Trong thời gian tới, các KCN sẽ phát huy lợi thế nếu dịch được kiểm soát từ đây đến cuối năm 2021. Về mở rộng các KCN, mỗi đơn vị xây dựng phương án, tiến độ thực hiện, có phân công cụ thể.
Về phòng, chống dịch, đây là nhiệm vụ hàng đầu đồi với các KCN. Từ kinh nghiệm các KCN ở Bắc Giang, Bắc Ninh và TP.HCM mới đây cho thấy KCN là nhóm có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Các KCN phải thực hiện nghiêm quy định 3 tại chỗ: ăn – nghỉ – làm và cung đường 2 địa điểm: nơi ở – nơi làm việc.
Tùy theo địa bàn, phải có giải pháp với địa phương, có phương án mạnh hơn, kịch bản ứng phó khi có tình huống xấu. Về vaccine, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Tập đoàn sẽ gửi ngay văn bản đến Bộ y tế và các tỉnh, dự kiến danh sách 290.000 người, bao gồm người lao động và gia thuộc ngành cao su.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG biểu dương kết quả hoạt động của các KCN trong 6 tháng đầu năm, đã nỗ lực đạt mục tiêu kép.
“KCN là lĩnh vực rất quan trọng của Tập đoàn, hiện tại trong nước Tập đoàn đang quản lý 300.000 ha, theo quy hoạch sẽ chuyển đổi 100.000 ha sang KCN và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tình hình mở rộng KCN, cụm CN vẫn còn chậm do cơ chế, chính sách. Chủ trương thành lập Câu lạc bộ KCN đã có và cần thực hiện ngay, để kết nối, tạo lực đẩy cho KCN. Ban Xây dựng Cơ bản & KCN Tập đoàn phải có chuyên gia giỏi về lĩnh vực này, tính chuyên nghiệp có hệ thống. Tập đoàn đã có Nghị quyết quy hoạch phát triển KCN, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ. Tập đoàn phải là chủ lực, đầu tàu hỗ trợ các đơn vị, phải bài bản và hệ thống, phải nghiên cứu và vận dụng Luật, cơ chế thích hợp” – Ông Trần Ngọc Thuận, yêu cầu.
“Về nội dung quy hoạch, lãnh đạo Tập đoàn luôn quyết liệt trong vấn đề này, làm việc với các Bộ ngành có liên quan. Công ty mẹ ở các đơn vị phải làm chủ đầu tư một số KCN. Các KCN phải sử dụng logo nhận diện thương hiệu của VRG. Riêng công tác phòng, chống dịch của các KCN rất tốt, lãnh đạo Tập đoàn sẽ khen thưởng trong 6 tháng đầu năm.
Tùy theo thực tế, các KCN có phương án miễn, giảm, giãn, hoãn chi phí để hỗ trợ nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Về vấn đề xét nghiệm nhanh Covid-19, các KCN nên kết nối ngay với Trung tâm Y tế ngành Cao su để thực hiện. Phấn đấu 100% KCN và gia thuộc tiêm vaccine và hỗ trợ các nhà đầu tư tiêm vaccine. Các KCN có nguồn lực lớn, nên tích cực hỗ trợ Quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Tập đoàn. 6 tháng cuối năm, tiếp tục phát huy tối đa nhằm thực hiện cao nhất mục tiêu kép đã đề ra” – Ông Trần Ngọc Thuận, nhấn mạnh.
TRẦN HUỲNH
Related posts:
- Hiệu quả từ phong trào "Mỗi tháng 1 đoàn viên xuất sắc"
- Xây dựng thương hiệu gỗ hợp pháp, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững
- Quà tặng cô giáo vùng biên
- Tận tâm với cây và đất
- Hiệu quả của phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng
- Lần đầu tiên đi thi thợ giỏi đã "ẵm" giải cao
- Ông Nguyễn Ngọc Khiêm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cao su Yên Bái
- Tri ân những “chiến binh” thầm lặng
- Rừng cao su: nơi sinh tồn của nhiều động thực vật
- Tuổi trẻ Cao su Dầu Tiếng: Sôi nổi thi đua chào mừng Đại hội lần thứ XIII