CSVN – Đó là chị Trịnh Thị Ngọc Lan – Nguyên công nhân Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông. Anh Đoàn Anh Bảo – Phó phòng Hành chính Thi đua Tuyên truyền Văn thể công ty, người cùng làm việc với chị khi còn ở Đội 6 trực thuộc công ty (nay là NT Thanh Bình) cho biết: “Cô Lan làm ở Đội 6 cho đến ngày nghỉ hưu tôi chưa thấy cô ấy nghỉ cạo ngày nào”.
Gắn bó với cây từ lúc mới trồng
“Khi tôi về làm công tác thi đua của công ty từ 2010 – 2016 tôi luôn thấy tên cô Lan trong danh sách được các cấp khen thưởng vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, anh Bảo nói thêm.
Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Lan chia sẻ về quãng thời gian làm công nhân (CN) của mình: “Tôi hiểu từng cây cao su mình trồng, tôi có thể nhận biết cây nào cho mủ, cây nào không và cây nào cho nhiều, cây nào cho ít. Điều mà ngay cả cán bộ kỹ thuật cũng chưa chắc biết được, bởi tôi là người trồng cây cao su ấy và cũng chính tôi khai thác dòng nhựa trắng trên chính cây cao su mình trồng. Với tôi chỉ khi nào không thể đi được thì mới nghỉ cạo, tôi không thật sự yên tâm khi giao vườn cây cho một ai khác”.
Quan sát trong căn nhà nhỏ của chị, chúng tôi cũng đủ để cảm nhận về thành tích mà chị đã đạt được trong hơn 25 năm gắn bó cùng cây cao su với hàng loạt bằng khen từ Trung ương đến cơ sở cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.
Năm 18 tuổi, chị được nhận vào làm CN của Đội 6. Lúc mới vào, chị bắt đầu bằng việc đi trồng mới cao su. Theo những người tiền bối kể lại Đội 6 lúc bấy giờ là đơn vị có diện tích lớn nhất, lên đến hàng ngàn ha và là đơn vị có nhiều thành tích nhất trong khai thác cao su.
Đi cạo thêm cho đỡ nhớ cây
Anh Lương Quang Hiến, nguyên là đội trưởng Đội 6 – nay là Trưởng phòng Hành chính Thi đua Tuyên truyền Văn thể công ty nhận xét: “Cô Lan là một trong số ít người CN gắn bó từ ngày đầu đi trồng cây cao su rồi khai thác chính cây cao su ấy cho đến ngày nghỉ hưu. Thời tôi làm đội trưởng Đội 6 thì cô Lan là một CN xuất sắc, hết mình vì công việc, nhất là việc tạo được sự đoàn kết trong nội bộ. Đặc biệt, trên cương vị chủ tịch Công đoàn cơ sở cô Lan đã làm rất tốt vai trò và chức trách của mình. Ngoài việc bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, cô Lan còn là sợi dây kết nối giữa CN với nhau, nhất là đã tạo được sự hòa hợp giữa những CN là đồng bào dân tộc thiểu số với CN người Kinh”.
Chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống của người CN, chị Lan cho biết: “Tôi vẫn thầm cảm ơn cây cao su đã cho tôi công việc ổn định và có cuộc sống vật chất cũng như tinh thần khá tốt, cũng chính cây cao su đã mang đến cho tôi người bạn đời tuyệt vời, luôn yêu thương và chăm sóc cho tôi cũng như gia đình. Hiện nay, 2 con trai của tôi cũng đã đi làm hết. Cháu lớn làm ở sân bay Phù Cát của tỉnh Bình Định, cháu sau làm ở Quân khu Thủ đô, dòng nhựa trắng cao su đã nuôi nấng các con tôi trưởng thành”.
Dù đã nghỉ hưu, nhưng chị Lan vẫn còn lưu luyến với cây cao su nên vẫn xin nhận thêm phần cây đi cạo theo hợp đồng thời vụ. Về việc đi làm thêm, chị cho hay: “Nghỉ rồi nhưng nhớ vườn cây lắm, kinh tế gia đình bây giờ không phải là điều quan trọng hàng đầu bởi tôi đã có lương hưu, vườn cà phê, tiêu và chăn nuôi thêm gà, lợn…nên việc đi cạo thêm chỉ là niềm vui cho đỡ nhớ vườn cây”.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Hợp tác Việt - Xô: Bước đi vững chắc cho những mùa xuân cao su
- Kiên cường đấu tranh, thắng lợi trọn vẹn: Phát huy truyền thống, tôn tạo di tích
- Tự hào 93 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam
- Sống nhờ nghề thì phải trân trọng nghề
- Nhiệt huyết của người thầy trên cao su miền núi phía Bắc
- "Em ơi, anh đã về"
- Nữ công nhân "ba đảm đang"
- Sống trọn tình, trọn nghĩa với cây cao su
- Gia đình bốn thế hệ gắn bó với ngành cao su
- Gặp gỡ các gương điển hình đầu năm