VRG có nhiều giải pháp hướng đến lợi nhuận 6.870 tỷ đồng/năm

CSVN – Theo đề án tái cơ cấu, mục tiêu phát triển các lĩnh vực hoạt động chính đến 2025, VRG dự kiến tổng doanh thu tăng hơn 30% so với hiện nay, lợi nhuận sẽ tăng trưởng khoảng 20% và sẽ tăng nhanh hơn trong giai đoạn sau năm 2025. Theo đó, doanh thu hợp nhất của VRG gần 162.000 tỷ đồng (trung bình hơn 32.000 tỷ đồng/năm), lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 34.000 tỷ đồng (trung bình khoảng 6.870 tỷ đồng/năm).

VRG dự kiến sẽ thành lập KCN chuyên ngành chế biến gỗ. Ảnh: Vũ Phong
Cơ cấu lại theo hướng cân đối “Cao su – Khu công nghiệp – Chế biến gỗ”

Chia sẻ về Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 – 2025, ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG, cho biết, Tập đoàn tiếp tục thực hiện theo lộ trình đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 05/01/2013. Tiếp tục rà soát thoái vốn tại các doanh nghiệp không hiệu quả hoặc có hiệu quả không cao, các doanh nghiệp Tập đoàn không cần nắm giữ, kể cả việc xem xét thoái vốn toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư tại các doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả để tập trung đầu tư vào những lĩnh vực Tập đoàn có lợi thế về lâu dài.

“Năm 2022, Tập đoàn chưa thực hiện thoái vốn đối với các danh mục đã có kế hoạch do còn vướng mắc về cơ chế, mặt khác theo yêu cầu của chủ sở hữu các nội dung thoái vốn cần phải được xây dựng trong Đề án tái cơ cấu Tập đoàn giao đoạn 2021-2025 nên Tập đoàn không có cơ sở để triển khai thực hiện. Tập đoàn đang tiếp tục theo dõi và báo cáo nội dung theo Quyết định 360/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021 – 2025” – ông Lê Thanh Hưng, cho biết.

Tập đoàn đã xây dựng Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ cở phân tích, đánh giá thực trạng của Tập đoàn và các đơn vị thành viên, để đảm bảo tăng trưởng  nhanh và phát triển bền vững, theo hướng thực hiện thoái vốn, giảm vốn trong lĩnh vực cao su để tập trung nguồn lực cho phát triển các dự án khu công nghiệp (KCN) trên đất cao su, các dự án chế biến gỗ (đây là các lĩnh vực Tập đoàn có lợi thế) nhằm đảm bảo cân đối về vốn đầu tư, nguồn thu giữa 3 trụ cột “Cao su – KCN – Chế biến gỗ”.

Với định hướng tái cơ cấu toàn diện, Tập đoàn sẽ có nguồn thu từ thoái vốn đầu tư để bổ sung hoạt động SXKD, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng trong ngắn hạn và trung hạn. Về lâu dài, Tập đoàn sẽ có nguồn thu ổn định với biên lợi nhuận cao từ các dự án KCN, dự án chế biến gỗ khi các dự án đầu tư mới này được đưa vào hoạt động, đảm bảo cho tăng trưởng và phát triển chung của Tập đoàn giai đoạn 2026 – 2030.

“Để đạt được mục tiêu phát triển đến năm 2025, Tập đoàn đang thực hiện một số nội dung chính, như: Chuyển đổi một phần diện tích cao su sang phát triển ngành sản xuất khác có hiệu quả cao hơn. Tiếp tục thực hiện chính sách tiết giảm đầu tư, chỉ đầu tư những hạng mục cấp thiết, dừng, giãn đầu tư những hạng mục chưa cần thiết. Thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí phù hợp với tình hình thực tế để hạ giá thành, bảo đảm hiệu quả trong điều kiện giá cao su ở mức còn thấp. Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu thông qua việc hợp nhất thương hiệu cao su của các công ty, dùng chung thương hiệu Cao su Việt Nam, đăng ký bản quyền ở tất cả các thị trường trọng điểm. Hình thành các KCN chuyên ngành như KCN chế biến gỗ, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp…”.

Ông Trần Công Kha – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG.

Đảm bảo hoạt động SXKD của Tập đoàn hiệu quả và bền vững

Để thực hiện Đề án tái cơ cấu được thuận lợi, hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tiễn của Tập đoàn, ông Trần Công Kha – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chấp thuận Tập đoàn được bổ sung ngành nghề cho thuê văn phòng. Đầu tư, kinh doanh các khu nhà ở xã hội trên đất cao su, là ngành phụ trợ cho ngành sản xuất chính là đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN trên đất cao su.

Cho phép các đơn vị thành viên của Tập đoàn được hạch toán các khoản thu từ bán gỗ, củi cao su vào khoản mục doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng như được ưu đãi về thuế giống như sản phẩm mủ cao su, sau khi cây cao su hết vòng đời khai thác đảm bảo phù hợp với đặc điểm sinh học của cây trồng. Trong thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn trên cơ sở chỉ đạo các đơn vị thành viên hệ thống và đánh giá lại hiệu quả các dự án, danh mục đầu tư, xác định lộ trình phương án thoái vốn tập trung nguồn lực phát triển những ngành nghề SXKD chính. Rà soát, sắp xếp lại bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu quả.

TUỆ LINH