Cao su thành thị

  • Tui đố ông cao su mình trồng ở đâu?
  • Tự nhiên hỏi chi mà hỏi cắc cớ thế ông, có gì ẩn ý ở đây phải không?
  • À hì hì, hỏi vậy chắc ông thấy lùng bùng lỗ tai rồi. Thôi gợi ý xíu nè, ý tui là trồng ở thành thị hay nông thôn?
  • Lại cắc cớ nữa, dĩ nhiên là ở nông thôn rồi.
  • Khà khà, biết ngay mà, vậy mà có ở thành thị nữa đó ông. Biết sao không, một số vùng nông trường cao su của ta hiện tại nằm trên đất thuộc thành phố của tỉnh, chứ không riêng gì ở huyện, xã đâu đó nha.
  • À. Vậy sao.
  • Cái khó hiện nay là do vậy nên tiền thuê đất một số nơi ở mức cao lắm, so với đất thuộc nông thôn, gây khó khăn cho công ty chúng ta hiện nay đó.

HAI CẠO

Vào mùa quyết tâm

Anh ơi mùa cạo đến rồi 

Bớt chơi bớt nhậu bớt hồi ca- ra (karaoke)

Đừng lười như mấy năm qua

Ham chơi cạo ít la cà rượu bia 

Để rồi lương chỉ qua loa 

Nuôi thân không đủ xuýt xoa cả ngày 

Quyết tâm mùa cạo năm nay 

Làm nhiều tiêu ít đủ đầy lương cao 

Cuối năm giật giải hạng sao

Tiền lương tiền thưởng cất vào nhà băng 

Cố lên anh nhé – quyết rằng 

Bằng anh bằng chị và bằng người ta. 

NGUYỄN VĂN DŨNG 

Làm thợ cạo thôi!

Lớp học cạo của đơn vị nọ, có mời bác Tám phu công- tra đến để “chia lửa” những câu chuyện nghề nghiệp cho các học viên là thợ cạo trong tương lai nghe vừa giải trí, vừa mang tính chất nghề nghiệp đặc thù để sau này khi họ trở thành người thợ cạo chính thức không phải ngỡ ngàng.

– Nhập gia tùy tục, đã làm thợ cạo rồi, thì phải biết loại tiền này, phải biết thời tiết khí hậu nọ… mà chỉ ngành cao su mới có nghen bây!

– Loại tiền gì coi bộ đặc biệt hơn cả tờ 500.000 đồng vậy bác?

– Tiền vuông đó bây!

– ?!?

– Bác nói thật đấy. Loại tiền vuông này, là thợ cạo hay xài, không xài là hổng có được đâu. Xài tiền vuông, cây cao su mới cho mủ nhiều. Mủ nhiều thì vượt kế hoạch sản lượng giao, thu nhập tiền lương sẽ nhiều lên, nên giá trị của tiền vuông gấp10 –  20 lần tờ mệnh giá 500.000đ kia luôn đấy chứ.

Học viên chẳng biết tiền vuông đã đành, ngay cả giảng viên phụ trách lớp dạy học cạo cũng ngơ ngác thắc mắc thì được bác giải thích.

– Đó là miệng cạo trên thân cây cao su, miệng cạo có hai ranh chia đôi vòng thân cây: ranh có đóng máng dẫn dòng mủ chảy vào vô chén gọi là ranh tiền, ranh còn lại là ranh hậu. Nơi hai vị trí tiền, hậu là vùng huy động mủ, nhiều mạch mủ nhất (vì tiếp giáp với nửa vòng thân cây không có miệng cạo mà mạch mủ tập trung cho hai vị trí này nhiều). Nếu là thợ cạo đạt tay nghề giỏi, cạo ở hai điểm này cho vuông tiền, vuông hậu… đúng cự ly độ sau quy định thì năng suất mủ sẽ cho nhiều hơn. Bởi vậy cạo vuông tiền, đọc ngược nó lại là tiền vuông, mà tiền vuông chỉ có thợ cạo mới xài.

– Có lý. (cười).

– Còn khí hậu của ngành cao su cũng khác mọi vùng miền, một năm thì có bốn mùa: xuân, hạ, thu đông. Ngành cao su thì có tới sáu mùa, đúng là khí hậu mà cũng nhiều hơn hoặc dư ra mới chịu thiệt là.

– Bốn mùa thôi, chứ sáu mùa chúng cháu không tin đâu ạ!

– Bây tin hay không thì tùy. Gắng học cho đạt, cho giỏi rồi vô nghề làm thợ cạo đi sẽ thấy nó đặc biệt lắm, ngoài bốn mùa xuân hạ thu đông ra, thì có thêm mùa lá rụng và mùa cạo mới nữa. Mà nghen, cái nghề thợ cạo của mình, mỗi năm sau khi vườn cây rụng lá, đâm chồi non, vườn cây ổn định tán lá là đến chu kỳ cạo mủ, người thợ cũng vẫn làm cái công việc cũ rích ấy nhưng lại cứ í ới bảo nhau… mùa cạo mới đã về. (cười)

Mọi người vỗ tay, cười… và nói to: “Bác thật là hài hước, vui quá à. Nhất định chúng cháu sẽ trở thành những thợ cạo lành nghề, làm hậu duệ của bác để được xài tiền vuông, được tận hưởng mỗi năm tới sáu mùa cho sướng đã đời…”.

NGUYỄN CỦ CẢI