Bí thư xứ ủy Lê Duẩn với “mặt trận cao su chiến”

CSVN – Tổng Bí thư Lê Duẩn thuộc lớp cán bộ đầu tiên của Đảng ta đi theo con đường cách mạng của chủ nghĩa Mac-Lenin, là học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà cách mạng lỗi lạc, nhà lý luận và hoạt động thực tiễn kiệt xuất.
Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm làng công nhân cs năm 1982
Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm làng công nhân cao su năm 1982

Là Bí thư Xứ ủy Nam bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, người được cán bộ chiến sĩ và nhân dân gọi bằng cái tên thân kính Anh Ba, hoặc Deux Cents Bougies (tiếng Pháp: ngọn đèn 200 nến). Vai trò của ông ghi dấu trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa – xã hội, trong đó có phong trào công nhân (CN) cao su với “mặt trận cao su chiến”.

Sau ngày 23/9/1945, bám gót đội quân viễn chinh xâm lược, các công ty tư bản Pháp quay trở lại Việt Nam tái chiếm đồn điền cao su, khai thác phục vụ cho cuộc chiến tranh và làm giàu cho nước Pháp đang bị kiệt quệ từ sau thế chiến II. Khai thác cao su trở thành một trong những chính sách quan trọng trong chương trình bình định Nam bộ của tư bản thực dân Pháp. Chúng sử dụng một bộ phận quân đội tăng cường cho các đồn bót lớn dọc các đường giao thông chiến lược, trấn giữ các cửa rừng cao su, các trung tâm đồn điền, hỗ trợ cho tư bản Pháp đẩy mạnh sản xuất.

Trước tình hình trên, Liên hiệp nghiệp đoàn Nam Bộ đề ra nhiệm vụ cụ thể cho các Liên đoàn Cao su: “Củng cố và phát triển tổ chức Công đoàn, đưa thanh niên ra tiền tuyến, mở mặt trận cao su chiến”. Mặt trận cao su chiến trở thành khẩu hiệu đấu tranh của CN cao su với nội dung: “Biến đồn điền cao su thành chiến trường diệt địch”, “phá hoại kinh tế địch”.

Từ chủ trương trên, từ mùa xuân 1947, “mặt trận cao su chiến” trở thành một phong trào phát triển rầm rộ khắp các đồn điền cao su. CN tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, tìm mọi cách để chặt cây, đổ mủ nước, vứt bỏ mủ bèo, mủ dăm, đập chén hứng mủ, bẻ kiềng chén, đốt mủ thành phẩm, đốt nhà kho, lò xông, va gông chở mủ… Ngoài các đội chuyên trách phá hoại, CN tổ chức thành từng tổ, nhóm hoặc cá nhân chịu trách nhiệm phá hoại từng khu vực. Có những đêm, CN đồng loạt chặt vạc vỏ cây hết một khu lô.

Khác với hình thức phá hoại cao su như lột vỏ cây… trong những năm 1945, 1946, từ năm 1947, CN có sáng kiến chặt tiện xung quanh thân cây. Lối chặt phá này làm cho phần trên của cây không được nuôi dưỡng từ dưới lên, vết thương gặp nước mưa bị thối, cây héo dần rồi chết. Anh chị em CN còn lấy a-xít bôi vào miệng cạo làm cho cây buộc phải nghỉ dưỡng bệnh trong thời gian 6 tháng đến 1 năm mới cho mủ lại được. Ngoài ra, CN còn đốt vườn cây, phá hoại nhà máy chế biến mủ, phục kích các đoàn xe vận tải chở mủ sơ chế về Sài Gòn để xuất khẩu.

100% đồn điền ở miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên đều tổ chức phá hoại cao su có hiệu quả. Riêng trong ngày 19/5/1947, để lập thành tích chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh, CN cao su ở Nam bộ đã chặt phá gần nửa triệu cây cao su, trong đó CN tỉnh Biên Hòa chặt phá 300.000 cây. Trong năm 1947, Công đoàn Cao su Nam bộ đã chặt và vạc vỏ 10.200 mẫu cây cao su, đốt 5 triệu cây, phá dụng cụ, máy móc, gây thiệt hại cho địch trên 3 triệu (tiền Đông Dương ngân hàng).

Hoạt động phá hoại cao su của CN đã gây cho tư bản Pháp nhiều khó khăn, tổn thất. Mức độ sản xuất bị giảm sút rõ rệt. Diện tích khai thác thường xuyên trước đây là 102.233 mẫu cây, đến cuối năm 1947 chỉ khai thác lại được 30.684 mẫu cây. Các cơ sở chế biến “hầu như không còn gì”. Do đó sản lượng mủ cao su thu được, mặc dù đã mở rộng sản xuất, chỉ thu được 26.196 tấn.

Giới chủ đồn điền ở Nam Bộ buộc phải than phiền với tướng Revers khi y sang thanh tra ở Đông Dương: “Sức sản xuất cao su của chúng tôi hiện giờ đã mất hẳn 2/3 do CN phá phách và bỏ đồn điền trốn đi. Mối nguy cơ này còn có thể to lớn hơn nữa”.
Mặc dù kết quả của “mặt trận cao su chiến” gây cho giới tư bản thực dân Pháp nhiều thiệt hại và khó khăn, nhưng hình thức phá hoại cao su đã trực tiếp làm cho vườn cây bị hư hại, ảnh hưởng lâu dài đến tài sản của nhân dân khi đất nước giành được hòa bình thống nhất và quốc hữu hóa các đồn điền cao su.

Với nhãn quan kinh tế chính trị sắc sảo và tầm nhìn chiến lược, “ngọn đèn 200 nến” Lê Duẩn kịp thời chỉ đạo uốn nắn hình thức đấu tranh của CN cao su. Tại Hội nghị CN toàn xứ Nam bộ (ngày 5 và 6/5/1948), sau khi nghe báo cáo của Liên đoàn Cao su về kết quả “Mặt trận cao su chiến”, Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn biểu dương thành tích đã đạt được; tuy nhiên ông yêu cầu cần thay đổi phương thức phá hoại kinh tế của địch.

Ông nói: “Cao su là tài nguyên của đất nước, do xương máu của CN xây dựng nên. Khi chúng ta giành được độc lập, đó sẽ là nguồn tài sản to lớn để làm giàu cho đất nước. Vì thế tôi đề nghị, công tác phá hoại cao su từ nay không đốt vườn cây, chặt hoặc vạt vỏ cây, mà chuyển sang làm giảm tốc độ sản xuất, giảm mức thu hoạch thành phẩm và lợi nhuận của tư bản Pháp; như đập bể chén hứng mủ, bẻ gãy máng mủ, đốt mủ, đổ mủ xuống đất, phục kích thiêu hủy các đoàn xe chở mủ cao su từ các đồn điền về Sài Gòn để xuất khẩu”.

Ý kiến chỉ đạo của Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn đã kịp thời định hướng hoạt động phá hoại kinh tế địch của quân và dân Nam bộ không chỉ trên lĩnh vực cao su mà ở cả các ngành kinh tế khác sau đó. Nhờ thế, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng ta tiếp quản, quản lý được gần 45.000 ha cao su, làm cơ sở ban đầu để phát triển cao su thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn sau này.

Hồ Sơn Đài