Giảng viên đa tài

CSVN – Thầy giáo Hà Duy Khánh – Giảng viên Khoa Nông học Trường Cao đẳng CN Cao su, ngoài thời gian trên giảng đường, anh còn là MC “đắt show” tại thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Là một thầy giáo nhiệt huyết, một bí thư Đoàn năng động, anh Khánh được TW Đoàn tuyên dương Thanh niên tiêu biểu vùng Đông Nam bộ vào ngày 12/5 tại tỉnh Đồng Nai.
Thầy Hà Duy Khánh trong một lần làm MC.
Thầy Hà Duy Khánh trong một lần làm MC.
Nghề MC là đam mê

Thầy Khánh giảng dạy tại Trường Cao đẳng CN Cao su VN từ năm 2008. Vốn là người hát hay, nói khéo, trưởng thành từ những năm tháng làm công tác Đoàn và phong trào thanh niên khi còn ngồi ở ghế nhà trường, nên công việc MC với anh là đam mê. Cơ duyên đến với nghề MC của thầy Khánh hết sức tự nhiên.

“Mình đến với nghề MC thực ra là một dịp tình cờ, khi mới vào giảng dạy ở trường, trong một lần trường tổ chức chương trình trung thu cho các cháu thiếu niên nhi đồng, mình mạnh dạn nhận làm quản trò, kiêm luôn MC. Chương trình diễn ra thành công trong không khí vui tươi, sôi động. Từ đó mọi người biết đến mình với khả năng hoạt náo và dẫn chương trình. Các chương trình văn nghệ, các cuộc thi của trường mình đều được giao đảm nhận vai trò MC. Từ đó, bạn bè, đồng nghiệp nhờ nói cho vui trong đám cưới của họ, thế rồi người khác nhờ… Sau đó họ gọi mình, gửi tiền công và mình bắt đầu đi làm MC từ đó”, thầy Khánh kể.

Ngoài giờ trên lớp, thầy Khánh đi làm MC vào các buổi trưa và cuối tuần, chủ yếu là MC đám cưới, thôi nôi, sinh nhật, sự kiện… Chia sẻ về việc vừa dạy học và vừa làm MC, anh cho hay, làm MC và dạy học có điểm chung là đều phải đứng trước đám đông, tự tin, khéo léo. Để làm một MC tốt, ngoài tài ăn nói, hát hay còn cần rất nhiều kỹ năng khác, nhất là kỹ năng xử lý tình huống. Trong quá trình làm MC thì kịch bản chuẩn bị sẵn chỉ là một phần, những tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức thì không thể lường hết được, nên kỹ năng xử  lý tình huống là quan trọng, giúp MC làm chủ sân khấu.

Anh cho biết thêm, nghề dẫn chương trình đám cưới đem đến niềm vui, tiếng cười trong ngày hạnh phúc của các cặp đôi uyên ương, là nghề “kết tóc se duyên” cho những con thuyền hạnh phúc. Lúc lên sân khấu người dẫn cần có sự hài hước và phải có chút “duyên” nhất định, còn nghề dạy học, mang tri thức đến cho các thế hệ. Khi đứng trên bục giảng thì người thầy phải nghiêm túc để truyền đạt kiến thức cho học trò. Chính vì vậy, khác với hình ảnh bóng bẩy, nổi bật của một MC đám cưới, khi lên lớp giảng bài anh là một thầy giáo vui tính, tâm lý nhưng cũng rất nghiêm khắc.

Không ngừng học hỏi để đổi mới

Nếu cứ lặp đi lặp lại cách dẫn chương trình thì không thể tránh được sự nhàm chán, chính vì vậy thầy Khánh luôn tìm tòi, sáng tạo cách dẫn mới, sáng tác lời dẫn, học cách đọc rap, đố vui… Phong tục ở vùng Đông Nam bộ, tổ chức cưới hỏi thường diễn ra vào buổi trưa hoặc cuối tuần nên việc làm MC đám cưới của anh không bị ảnh hưởng tới công tác giảng dạy. Thầy Khánh cho biết, làm nghề MC đám cưới khiến anh cảm thấy vui và yêu đời hơn, vì vậy mà chưa bao giờ anh nghĩ tới sẽ dừng công việc này.

Với cái duyên, hài hước trong cách dẫn chương trình, thầy Khánh hiện rất “đắt show”. “Làm MC vui cũng nhiều và buồn cũng có. Vui là mình được đi nhiều nơi, biết nhiều địa điểm, gặp gỡ nhiều người ở nhiều địa phương khác khau, đặc biệt là văn hóa của các khu vực. Buồn cũng có, vì MC đám cưới rất vất vả và khó khăn trong phần văn nghệ giao lưu, lúc đầu không ai chịu hát, sau thì ai cũng đòi ưu tiên để hát. Đôi lúc họ say nên họ không kiềm chế được những hành động, lời nói khiếm nhã và làm anh em MC buồn lòng. Bởi vậy MC đám cưới lúc nào cũng cần có thái độ nhẹ nhàng, thân thiện…”, thầy Khánh tâm sự.

Tuệ Linh