Vinh quang thuộc về người thợ

CSVN – Biết bao trông ngóng, mong chờ, ngày hội lớn của ngành cao su cũng đã đến. Dầu Tiếng – điểm hẹn của những người thợ giỏi ngành cao su mà bất cứ trong đời người công nhân khai thác mủ nào cũng khao khát được một lần đến để giao lưu, học hỏi, tranh tài và mơ ước được bước lên bục vinh danh của người chiến thắng.

Tinh thần cống hiến và khát khao chiến thắng

Đường vào Nông trường Bến Súc (Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng) những ngày diễn ra hội thi rợp cờ hoa, băng rôn và khẩu hiệu. Không khí sôi động, khẩn trương đang chạy đua với ngày nắng lên, tiếng nói cười rộn ràng 325 người thợ giỏi của 64 đoàn hội tụ về tranh tài có mặt rất sớm tại khu vực diễn ra lễ khai mạc hội thi. Trong màu áo xanh cao su, ta bắt gặp nhiều cung bậc cảm xúc sung sướng, tự hào xen lẫn hồi hộp, lo âu trên những khuôn mặt rám nắng của người thợ.

Cô thí sinh người Camphuchia tuổi đời còn rất trẻ, khuôn mặt thanh tú lần đầu đến Việt Nam tham dự hội thi không giấu được vẻ ngạc nhiên, ngỡ ngàng, thích thú “mình rất tự hào và vinh dự khi có mặt tại hội thi lần này”. Đó còn là tinh thần quyết tâm “đem vàng” về cho đơn vị của một thí sinh khu vực miền Đông dạn dày chinh chiến qua mấy mùa hội thi. Là chút dè dặt, khiêm tốn của chị thí sinh đơn vị “sinh sau đẻ muộn” khu vực miền núi phía Bắc “tham dự hội thi nhằm học hỏi, giao lưu với các “đàn anh”, nếu “có vàng” mang về thì càng tốt”…

Mỗi thí sinh về hội thi mang theo nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng đều có chung một tinh thần cống hiến – khát khao đem vinh quang về đơn vị nơi đã tôi luyện họ trưởng thành trong quá trình lao động để đạt được danh hiệu “Người thợ giỏi”.

Trong tiếng nhạc rộn ràng có cả những lời động viên của trưởng đoàn với các thí sinh “Đừng quá căng thẳng, chuẩn xác trong từng đường cạo, làm chủ tốc độ để về đích sớm nhất” hay “Cố lên, bình tĩnh, tự tin thả cờ vàng” hoặc “Có giải hay không không quan trọng, mình về đây dự thi ai cũng đều là “Bàn tay vàng”…

Có lẽ hình ảnh xúc động mà mỗi người có mặt tại lễ khai mạc đều có thể nhận thấy, đó là những cái bắt tay nồng ấm của các vị lãnh đạo ngành với các thí sinh có mặt tại hội thi như gởi gắm lời cổ vũ, động viên tinh thần các “bàn tay vàng” trước giờ tranh tài. Có cả những thí sinh tranh thủ “seo phi” vì muốn được chụp hình chung với “tư lệnh ngành” để lưu giữ khoảnh khắc đẹp nhất của cuộc đời người thợ.

Viết tiếp những trang sử đẹp nhất của “Cao su – Dòng chảy cuộc sống”

20 phút tranh tài tuy ngắn ngủi nhưng không kém phần quyết liệt, gay cấn, hồi hộp. Những giọt mồ hôi ướt đẫm lưng áo, những nụ cười mãn nguyện của người về đích sớm và cả những giọt nước mắt tiếc nuối vì chưa hoàn thành phần thi…

Nhưng sau tất cả, để có mặt tại tại ngày hội lớn toàn ngành là kết quả của quá trình rèn luyện không mệt mỏi của 325 người thợ giỏi, họ mang theo bao hy vọng, trông chờ của cả đơn vị về những danh hiệu Kiện tướng, Bàn tay vàng được gọi tên.

Hội thi khép lại nhưng dư âm của những ngày diễn ra hội thi tại Cao su Dầu Tiếng lan tỏa đến từng nông trường, nhà máy. Với kết quả đầy ấn tượng, 83 thí sinh đạt danh hiệu Bàn tay vàng, 101 thí sinh đạt danh hiệu Kiện tướng, điều đó minh chứng trình độ về tay nghề của thợ giỏi các đơn vị ngày càng nâng lên về số lượng lẫn chất lượng. Những nụ cười của người chiến thắng rạng ngời tại lễ vinh danh sẽ viết tiếp những trang sử đẹp nhất của ‘Cao su – Dòng chảy cuộc sống”. Vinh quang thuộc về người thợ – Sau hội thi họ lại trở về vườn cây lan tỏa tinh thần thi đấu, nhân rộng và thúc đẩy phong trào thi đua Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi, giúp nâng cao năng suất vườn cây, năng suất lao động góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững của đơn vị.

MINH KHÔI