Vẫn hát lời tình yêu

CSVN – Không chỉ là một mà rất nhiều, rất nhiều dòng cảm xúc trong hơn 1.300 bài dự thi gởi về Ban tổ chức Cuộc thi Tìm hiểu 85 năm truyền thống ngành cao su, do VRG tổ chức trong năm 2014. Đến nay, dư âm của cuộc thi với bao cảm xúc ngập tràn vẫn còn nóng hổi, lan tỏa.
Lãnh đạo VRG chụp ảnh lưu niệm với các cá nhân và đại diện tập thể đoạt giải Cuộc thi viết tìm hiểu 85 năm truyền thong nganh CS. Ảnh:  Tùng  Châu
Lãnh đạo VRG chụp ảnh lưu niệm với các cá nhân và đại diện tập thể đoạt giải Cuộc thi viết tìm hiểu 85 năm truyền thống ngành CS. Ảnh: Tùng Châu

Các bài dự thi đã đưa người đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Khi náo nức, tự hào ngày Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập “đêm 28/10/1929, tại làng 3 đồn điền Phú Riềng…”; khi hừng hực vùng lên chống thực dân Pháp “bọn chủ Tây có sự nhượng bộ, cho chúng tôi niềm tin vào Đảng”; lúc lại hân hoan “Tổng cục Cao su được thành lập, những vườn cao su loang lổ bom đạn đang cần lắm những liều thuốc hồi sinh…”.

Cứ thế, cảm xúc tuôn chảy từ những ngày “thiếu tất cả, ta chỉ giàu dũng khí” của một ngành cao su non trẻ với 47.000ha già cỗi cần thanh lý, theo thời gian dưới bàn tay người thợ “một nắng hai sương” đến nay Tập đoàn có một thế đứng vững chắc với hơn 400.000ha ngút ngàn trải rộng khắp từ miền Đông Nam bộ, ngược lên Tây Nguyên, ra miền Trung khô cằn, dọc theo núi rừng hùng vĩ Tây Bắc, xuất ngoại sang Lào, Campuchia anh em với những triền cao su bất tận của niềm tin và hy vọng…

Chính bề dày truyền thống lịch sử ngành là chỗ dựa vững chắc cho niềm tin, tình yêu nghề, thủy chung với công việc mà những người trẻ theo đuổi. Họ đã đến với cây cao su, sống, lao động, học tập từ những ngày đầu gian khó. Để rồi, cao su như có tình níu chân người ở lại: “Cao su xanh long lanh một niềm tin/Mang yêu thương đến muôn phương trăm ngã/Nơi kết nối những con người xa lạ/ Hạnh phúc bên nhau dưới một mái nhà”.

Hạnh phúc. Ảnh: Trương Phát
Hạnh phúc. Ảnh: Trương Phát

Hạnh phúc nảy mầm từ gian khổ, tình yêu kết trái trong lao động, nơi cuộc sống mới hồi sinh: “Mỗi lần đứng trên đồi cao su của Đội Cao su Chăn Nưa 4, lòng tôi thấy khoan thai và nhẹ nhõm biết chừng nào. Lòng lắng lại để chiêm nghiệm về cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc, và có lúc lại miên man suy nghĩ về con người, cuộc sống và có cả vùng đất mà mình đã thề là sẽ cống hiến hết sức trẻ, tuổi thanh xuân cho đến hết cuộc đời này” (Nguyễn Xuân Cảm – Cao su Lai Châu II).

Có thể thấy rằng, chỉ có tình yêu nghề, sống hết mình với cây mới có những cảm xúc mượt mà, đậm sắc màu lãng mạn vút lên từ cuộc sống còn nhiều khó khăn, gian khổ.

Đi dọc vào miền Trung, nơi cơn bão vừa đi qua, những cây cao su bị đốn ngang, ứa mủ lóng lánh dưới nắng trời gay gắt, ta lại bắt gặp những đâu đó nụ cười, ánh mắt lạc quan, bởi tất cả người dân cao su đều tin tưởng vào con đường đã chọn: “Tôi vô cùng vinh dự và tự hào khi đứng trong ngôi nhà chung có bề dày truyền thống lịch sử với những mốc son chói lọi, có ngọn lửa Phú Riềng Đỏ soi đường. Một bề dày mà không phải ngành kinh tế nào cũng có được” (Ngô Thị Vân Anh – Cao su Hiệp Đức, Quảng Nam).

Khi tôi viết những dòng này, thì một thực tế không vui là mủ cao su rớt giá…Tôi hiểu và tin nhất định ngành sẽ vượt qua khó khăn này, không chỉ có tôi mà rất nhiều người có chung niềm tin ấy… Tất cả những ai mang trên mình màu áo CBCN cao su luôn vững tin vào tương lai tươi sáng của ngành

 Cảm xúc rất thật của anh Nguyễn Quang Minh (nguyên phóng viên Tạp chí Cao su Việt Nam) 

Về miền Đông gian lao mà anh dũng, khám phá những “chất ngọc” đã được tôi luyện, mài giũa qua thời gian, thử thách. Người vùng đất này kết dính với cây, với đất bằng thứ tình cảm máu thịt thiêng liêng, họ tự hào về chiếc nôi truyền thống “Phú Riềng Đỏ” soi đường. Để thấy rằng sự hy sinh, cống hiến vì sự nghiệp phát triển ngành vừa là trách nhiệm, vừa là sự thôi thúc của con tim: “Mỗi người đều có tâm trạng chung đó là tự hào, vinh dự vì được sống và làm việc trong một gia đình lớn – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Thành quả hôm nay được xây dựng trên nền móng của ngày hôm qua, chúng ta có quyền tự hào về lịch sử hào hùng nhưng không nên mộng mị mãi với quá khứ mà cần phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, vượt qua khó khăn hiện tại, năng động, vững vàng hội nhập thế giới” (Bùi Thiện Hậu – Cao su Phú Riềng).

Rồi như được mở lòng với những tình cảm sâu lắng về tình đất, tình người của người công nhân xa quê: “Tôi yêu sao vùng đất Bachiang nhiều nắng gió, nơi cho tôi cơ hội để cống hiến, nơi cho tôi tình yêu với mái ấm gia đình… tôi yêu cây cao su, yêu mảnh đất này, yêu cái nắng cháy và tất cả mọi thứ thành chất keo gắn kết những con người xa lạ xích lại với nhau chung tay vì sự nghiệp cao su” (Hoàng Đỗ Phương Hồng Hạnh – NT Bachiang II – Cao su Việt – Lào)…

Còn biết bao những dòng văn đẹp, những cảm xúc chân thành – tất cả là khúc hát tự hào về bề dày truyền thống 85 năm nở hoa kết trái, là sự lạc quan phơi phới, là tình yêu nghề không toan tính, vụ lợi. Bởi họ có lòng tin vào “cao su đổi phận nghèo” cho bao gia đình, “cao su đã nuôi sống gia đình tôi sung túc từ gần 50 năm nay, cho dù có thăng trầm, chúng tôi quyết chung thủy trọn đời với nó” (Nguyễn Thị Bạch Huệ – Thống Nhất, Đồng Nai).

Không vui sao được, khi Việt Nam là nước đứng thứ ba thế giới về sản xuất cao su thiên nhiên, khi mà thương hiệu Việt Nam Rubber Group đứng vào top 10 Thương hiệu nổi tiếng ASEAN. Không tự hào sao được, khi “người công nhân cao su như Phan Thị Liên là con người đẹp nhất…” và VRG vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương cao quý nhất – Huân chương Sao Vàng năm 2012. Ngành cao su Việt Nam đang khẳng định vị thế một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, vững vàng đi lên và vững tin hội nhập thế giới.

Qua cuộc thi mới thấy rằng người cao su đến với ngành không phải vì “những giá trị vật chất hay những gì cao siêu” mà bắt đầu từ “những giọt nhựa trắng tinh khôi dâng đời”. Để “Cao su- dòng chảy cuộc sống” mãi là lẽ sống, là niềm tin, hy vọng, là nơi hội tụ và kết nối những trái tim, để lý tưởng sống thăng hoa. Bất chợt đâu đây tiếng hát từ Phú Riềng Đỏ vọng về: “Vì truyền thống hào hùng, hãy đoàn kết, gắn bó vượt qua khó khăn… mai đây trời lại sáng”.

Nguyễn Lý