Cái lạnh trên lô mùa cuối năm

CSVN – Ra lô cạo mủ cao su mùa cuối năm, người công nhân phải đối mặt với cái lạnh thấu xương. Trong lúc mọi người còn say giấc, thì họ phải lục đục dậy, chuẩn bị dụng cụ lên đường…
Ảnh: Bùi Thái Dũng
Ảnh: Bùi Thái Dũng

Công việc đặc thù của công nhân cao su là phải ra vườn cây từ 5h sáng, nhưng vào mùa cuối năm, để có sản lượng mủ nhiều, họ phải đi cạo sớm hơn, có khi từ 3 – 4h sáng. Thời tiết cuối năm nhiệt độ xuống thấp, ở vùng nông thôn với vườn cây cao su trải dài thì càng lạnh hơn. Nhưng vì công việc, người công nhân cao su xem đây là chuyện bình thường, cái lạnh đối với họ không hề trở ngại.

Chị Trần Thu Tâm, công nhân cao su ở huyện Phú Giáo, Bình Dương chia sẻ: “Lạnh ư, thì cũng lạnh nhưng quen rồi. Cuối năm có lạnh hơn những tháng khác và phải ra lô sớm hơn, nhưng vì công việc nên cũng phải dậy đi làm thôi”. Chúng tôi có dịp theo chân chị Tâm trên đường ra lô vào mùa cuối năm này.

Sau khi chuẩn bị xong, chị hôn tạm biệt con gái đang ngủ say rồi nhẹ nhàng mở cửa. Khóa cửa cẩn thận, chị nói: “Đi làm sớm, nhất là ở vùng nông thôn heo hút này, nhiều hiểm nguy rình rập. Có bận đồng nghiệp của tôi đi sớm quên khóa cửa đã bị ăn trộm lẻn vào nhà khoắng hết đồ đạc”.

Cái lạnh ùa vào cửa nhà, chị Tâm khoác vội chiếc áo, dắt xe, nổ máy tiến thẳng ra màn đêm tĩnh mịch. Để đối phó với cái lạnh trên đường đi, chị Tâm mặc áo choàng dày. Nhưng khi ra đến lô thì phải cởi bỏ, bởi cạo mủ thì không thể mặc do vướng víu khi đi cạo. Bên ngoài bộ đồng phục công nhân thì chị chỉ mặc thêm áo len sát người cho gọn. “Mặc vậy thôi chứ sau vài hàng cạo thì đổ mồ hôi luôn đó”, chị cười nói.

Hai bên đường trong làng công nhân, lúc 4h sáng, cùng với nhà chị Tâm, nhà nào cũng lục tục mở đèn, tiếng cửa lách cách, tiếng xe máy nổ. Cũng có tiếng   í ới gọi nhau của các anh nam công nhân: “Đêm qua có làm ly nào không, sao dậy sớm thế?”. Chộn rộn khoảng chừng mươi phút, tất cả lại trở về yên lặng. Băng qua một vài khu dân cư là đến lô cao su. Chị Tâm đến thẳng tổ điểm danh, làm các công tác đầu ngày cạo rồi đến phần cây của mình. Chúng tôi phải rất vất vả mới theo kịp bước chân thoăn thoắt của chị. Chị như thuộc từng ổ gà, từng đoạn đường gồ ghề trên đường đi.

Giữa rừng cao su, cái lạnh mới thực sự thấm vào da thịt, chúng tôi phải khoác đến 2 chiếc áo dày mà còn chưa ấm. Chúng tôi tự hỏi, ở miền Đông Nam bộ là vậy, chứ mùa này khu vực Tây nguyên, miền Trung và đặc biệt là miền núi phía Bắc thì người công nhân cao su phải vất vả trong cái lạnh đến nhường nào. Chợt nhớ đến chia sẻ của một anh công nhân người đồng bào dân tộc phía Bắc trong một lần trò chuyện: “Rét vậy chứ bò lên đến ngọn đồi để cạo là đổ mồ hôi liền đó cán bộ ơi”.

Có lẽ, không hẳn là vì công việc, vì quen tay mà ở họ phải có tình yêu với cây cao su, với nghề với ngành để có thể vượt qua được trở ngại trên đường đi cạo.

“Năm nay lạnh bình thường. Có năm thời tiết thay đổi lạnh đến mười mấy độ. Lúc đó chúng tôi phải nhóm lửa để sưởi ấm”, anh Hùng, một đồng nghiệp chị Tâm kể. Theo anh Hùng, nhóm lửa trong lô cũng bị cán bộ tổ, đội nhắc nhở do lo ngại bất cẩn xảy ra cháy vườn cây. Tuy nhiên lúc đó cũng phải du di vì thời tiết và các cán bộ đã khuyến cáo anh chị em công nhân phải tuyệt đối cẩn thận, sưởi ấm xong phải dập tắt ngay, không để tàn lửa lan.

Có dịp quan sát những công nhân cạo mủ trong cái lạnh, chúng tôi mới hiểu được câu nói của chị Tâm: “Cái lạnh chẳng là gì”. Dáng người thoăn thoắt, bước đi nhanh gọn, thao tác chuẩn mực như một cái máy. Trong đêm tối, tiếng sột soạt của đường dao trên thân cây như mang đến hơi ấm cho vườn cây.

Sau vài hàng cạo, trời hửng sáng, bắt đầu một ngày mới, cũng là lúc người công nhân đã hoàn thành hai phần ba phần việc cạo. Mủ bắt đầu chảy tý tách. Cái lạnh trong đêm dần tan biến, nhường chỗ cho tia nắng mặt trời len lỏi qua kẽ lá. Cũng là lúc người công nhân chào đón ngày mới bằng việc nghỉ ngơi, ăn giữa ca, chuẩn bị trút mủ – đón nhận thành quả của mình.

Nguyễn Huy Thuấn