Bài 2: Nghĩa tình sắt son
CSVN – Những ngày tháng 10 lịch sử, chúng tôi về thăm Khu trưng bày di tích lịch sử làng cao su thời Pháp thuộc Lô 50, Nông trường Trần Văn Lưu, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng. Di tích này được tỉnh Bình Dương công nhận Di tích văn hóa cấp tỉnh ngày 01/04/2009 và được trùng tu xây dựng với diện tích 6,9 ha.
Những cây cao su cổ thụ được trồng từ năm 1960 vẫn còn đó. Đi tham quan nhà ở của công nhân cao su thời Pháp được công ty phục dựng mới thấu hiểu được nỗi cơ cực của công nhân cao su lúc bấy giờ. Càng thấu hiểu càng thêm trân quý những giá trị truyền thống, tình thần tự hào dân tộc, chiến đấu vì độc lập tự do của thế hệ cha anh để củng cố thêm niềm tin với ngành, với nghề.
“Thời nô lệ mấy ai mà được sung sướng”
Dưới hàng cây cao su cổ thụ được trồng từ năm 1960, chúng tôi có những phút giây rất xúc động khi được trò chuyện cùng bà Lê Thị Nuôi – nguyên đại biểu Quốc hội khóa VII, nguyên Chủ tịch Công đoàn Nông trường Đoàn Văn Tiến, Cao su Dầu Tiếng. Năm nay, bà đã gần 80 tuổi nhưng những ký ức về thời điểm ba mẹ làm phu công tra cho đến những tháng ngày tham gia cách mạng bà đều nhớ rõ như in.
Cuộc đời người phụ nữ này có nhiều vất vả, thăng trầm, mẹ mất sớm, ba của bà “gà trống nuôi con”, bà cũng từng bị địch bắt và tra tấn dã man. Bà cũng là người được đại diện cho công nhân Cao su Dầu Tiếng tham gia đại biểu Quốc hội. Ngần ấy năm tháng gắn bó với cây và đất, từ khi còn là cô gái thanh xuân mười tám – đôi mươi cho đến khi nghỉ hưu, cuộc đời bà đã cống hiến, gắn bó với ngành với nghề bằng một niềm tin, nghĩa tình sắt son.
“Nhiều người hỏi tôi sao làm cao su hoài vậy. Tôi thì nghĩ làm cao su tuy không giàu nhưng cũng đủ sống. Nhất là khi đất nước được giải phóng, đời sống của bà con công nhân cao su dần dần tốt hơn, có ăn, có mặc, có nhà, có xe. Tôi nhớ những năm 1980 còn ăn cơm độn bo bo, độn khoai sắn nhưng mình cũng phải nỗ lực, rồi cũng qua cái cực. Tôi không tìm việc khác mà vẫn bám cao su vì tôi nghĩ đây là nơi tôi được sinh ra, là nơi chôn rau cắt rốn, mình phải gắn bó và đặc biệt là cha tôi sao thì tôi cũng vậy, cũng bám cao su. Và con trai út tôi hiện nay cũng vậy, theo nghiệp ba mẹ vào công tác tại Cao su Dầu Tiếng”, bà nói.
Ba mẹ bà là phu công tra được thực dân Pháp mộ phu vào năm 1930, trên mảnh đất miền Nam, họ nên duyên và sinh được 3 người con. Mẹ mất sớm, cha tần tảo nuôi con. Phần việc của phu công tra ngày đó là mỗi người cạo 350 cây vào buổi sáng, buổi trưa được đưa về nhà điểm ăn trưa và chiều cạo tiếp 150 cây, sau đó trút mủ là được về. Thời nô lệ xiềng xích, mấy ai mà được sung sướng, đi làm cũng lo sợ, công nhân cao su trong các đồn điền bị bóc lột, đánh đập đến cùng cực.
Bà nói: “Ba tôi kể lại, bọn chủ Pháp phát lương bằng khô mục, gạo mốc. Hở làm việc không vừa ý hoặc cạo phạm là bị chúng đánh đập, phụ nữ có bầu vẫn bị đánh, nhiều người bị đánh chết bị chúng đào hầm chôn trong mé rừng. Những người bị tình nghi là Việt Cộng còn bị bắt bớ, đánh đập dã man hơn, phát hiện ra là chúng giết và kéo lê khắp chợ để răn đe”.
“Nếu không giải phóng thì không ngóc đầu lên được”
Dưới ách áp bức thống trị, ba của bà cùng bà con tham gia cơ sở mật, dò la tin tức để thông báo cho cách mạng. Bà cũng vậy, ngày đầu nghe hai từ “cách mạng”, nghe đến cơ sở mật, bà cũng không biết phải làm sao nhưng được sự hướng dẫn của mọi người, bà cứ vậy làm theo. Khi ba phát hiện con gái làm cơ sở mật, ông nói: “Con còn nhỏ, trí chưa có, lỡ bị phát hiện ra là khổ”. Bà đáp: “Kệ, người ta làm được con cũng làm được”. Rồi cứ vậy, bà “hóng” tin tức từ lính Pháp, từ những lần ghé qua quán xá vào ngày Chủ nhật, từ những lần giả vờ đi quơ củi để nắm bắt thông tin đi báo cho các chiến sĩ cách mạng.
Thời điểm này bà gặp những chiến sĩ cách mạng như ông Tư Cao; ông Hai Đức, ông Tám Núi, chị Ba Diễn. Cuối năm 1962, bà bị địch tình nghi và bắt vào nhà lao. Bị đưa vào phòng điều tra, khi thực dân chỉ những dụng cụ tra tấn và hỏi bà: “Mày muốn cái nào?”, bà vẫn kiên trung, nhất quyết không khai và dõng dạc đáp: “Tôi không biết gì hết, tôi chỉ muốn về nhà, các anh muốn xài cái nào tra tấn thì xài”. Vậy là chúng dùng kẹp siết những ngón chân của bà, đánh bà bằng roi da… Khi không khai thác được thông tin, chúng giam bà mấy tháng rồi cho về. Sau đó, bà vẫn tiếp tục tham gia cách mạng. Bà chia sẻ: “Nhiệm vụ chính của tôi là báo cáo tin tức ngoài vùng giải phóng, nhận tài liệu, rải truyền đơn theo ấp, làng từ ấp 3 đến sân bay.
Rải xong thì về quảy thùng lên đi cạo. Cuối tuần là tôi la cà khắp hàng quán, chỗ bọn Tây hay lui tới, la cà để nắm tình hình. Làm cơ sở mật nên phải kín kẽ, có khi trong tổ với nhau, cùng là người quen nhưng không ai biết ai tham gia cách mạng. Thấy mấy lần các anh chị khác bị bắt, rồi bị giết thì tôi cũng sợ nhưng nếu không vùng lên thì cả cuộc đời làm nô lệ nên tôi cứ kệ, liều chết luôn”.
Năm 1966, bà lập gia đình và xin thôi tham gia cơ sở mật để chăm lo cho con cái, nhưng nói thôi là thôi như vậy nhưng bà đi cạo và có tin tức gì đều báo các anh bộ đội. Chồng bà thoát ly làm cách mạng. Đằng đẵng xa nhà, lâu lâu chồng mới về, đến khi bà mang bầu người con út được 2 tháng thì chồng hi sinh. Bà tiếp tục làm cao su và nuôi 2 con khôn lớn. Rồi đến ngày đất nước thống nhất, công nhân cao su được làm chủ cuộc đời. Lao động sản xuất trong vị thế của người làm chủ, bà và anh chị em hăng say lao động. Được sự tín nhiệm của đơn vị, bà được bầu làm Tổ trưởng sản xuất. Bà nói: “Hồi đó, tôi chỉ được học hết lớp 3, cầm bút tay còn cứng, tôi không chịu làm nhưng được sự động viên của lãnh đạo nên cố gắng làm”.
Với những đóng góp tích cực cho đơn vị, bà được vinh dự tham gia đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh Sông Bé, đại diện cho hàng ngàn công nhân cao su của các đơn vị trong tỉnh để đề đạt, trình bày ý kiến nguyện vọng của công nhân trong các kỳ hợp Quốc hội. Bà chia sẻ: “Phải nói là tôi vinh dự lắm chứ, và rất xúc động, biết ơn trước tình cảm của lãnh đạo đơn vị, anh chị em công nhân đã tín nhiệm và giới thiệu để tôi tham gia đoàn đại biểu Quốc hội”.
Bà công tác tại đơn vị đến năm 2000 thì nghỉ hưu, 38 năm gắn bó với cây cao su, trong đó có 25 năm công tác tại Cao su Dầu Tiếng, nhìn lại chặng đường đã qua, bà tự hào vì đã đóng góp được công sức trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH. Bà khẳng định: “Nếu làm nô lệ, nếu không có giải phóng thì suốt đời công nhân cao su không ngóc đầu lên nổi”.
Phát huy truyền thống gia đình, nỗ lực vươn lên
Thời điểm này, trên các nông trường nhà máy đang thi đua sôi nổi để phấn đấu về đích trước kế hoạch. Chúng tôi cảm nhận được không khí đó rộn ràng hơn khi đến Tổ 5, Nông trường Đoàn Văn Tiến.
Đây cũng là nơi chị Trần Vũ Ngọc Giàu – Tổ trưởng Tổ 5 đang công tác. Chị là thế hệ thứ 4 trong gia đình có truyền thống 4 đời làm công nhân cao su.
Ông bà cố của chị làm phu công tra tại đồn điền Mít-xơ-lanh, sau đó đến đời ông bà ngoại, rồi bà mẹ chị tiếp tục nối nghiệp gia đình vào làm ở Nông trường Đoàn Văn Tiến, Cao su Dầu Tiếng. Chị là chị cả trong gia đình đông anh chị em, cuộc sống khó khăn nên chị được ba mẹ gởi cho bà ngoại nuôi. Hồi đó chị mới 6 tuổi, sáng sớm chị được bà ngoại đèo trên chiếc xe đạp chở lên trường học xong mới đi cạo. Trưa xong việc, bà ngoại đến rước về. Gia đình không có điều kiện nên chị chỉ được học đến lớp 8 rồi nghỉ học đi theo phụ ba mẹ ra lô úp tô, úp chén và giữ em. Đến 18 tuổi, chị xin đi làm công nhân cao su. Tiền lương hàng tháng chị gởi ba mẹ để trang trải cuộc sống trong gia đình và phụ nuôi các em ăn học, phần còn lại chị dành để đi học bổ túc.
Chị nói: “Hồi xưa không có điều kiện đi học nên đến khi đi làm rồi tôi cũng may mắn được cấp trên tạo điều kiện cho đi học bổ túc. Tôi nghĩ rằng cuộc sống có khó khăn vất vả gì đi chăng nữa bản thân mình phải biết cố gắng vươn lên. Tôi cứ bước từng bước một, học bổ túc cấp 2 xong tôi tiếp tục học hoàn thành chương trình bổ túc cấp 3 và lớp Trung cấp Nông lâm. Vừa làm công nhân cao su vừa đi học rất cực vì là phụ nữ. Ban ngày đi làm, buổi tối từ 18h30 đến22h00 đêm là đi học, nhà xa trường 9km nên về đến nhà là tôi ngủ chút xíu thì đi cạo”.
Với sự nỗ lực và kiên trì bền bỉ, chị được đề bạt làm Tổ trưởng Tổ 5 vào năm 2011. Đến đến nay, chị đã có 25 năm tuổi nghề, 19 năm tuổi Đảng. Chừng đó năm, những giai đoạn thăng trầm của ngành cao su, chị đều chứng kiến và đồng hành cùng anh chị em công nhân, cùng đơn vị vững vàng vượt qua khó khăn. Ở vị trí của người Tổ trưởng tổ sản xuất, người trực tiếp gần gũi với công nhân lao động, chị kịp thời nắm bắt được tình hình vườn cây để hướng dẫn, động viên NLĐ. Chị nói: “Đối với tôi, chỉ cần mình tâm huyết, yêu ngành, yêu nghề thì khó khăn, trở ngại nào mình cũng sẽ vượt qua được”.
Chúng tôi đến vườn cây nơi anh Bùi Hữu Tài – Công nhân khai thác khu vực 2 của Nông trường Đoàn Văn Tiến đang làm việc. Tác phong nhanh nhẹn, thoăn thoắt trên vườn cây, anh đang chạy đua với thời gian để hoàn thành tốt sản lượng năm 2022 được nông trường giao.
Ông bà nội của anh từ Thái Bình vào làm phu công tra ở đồn điền Mít-xơ-lanh và được bố trí ở tại Làng 5, nay là ấp Định Phước. Gia đình anh là gia đình có truyền thống cách mạng khi ông bà nội, bác và cô đều tham gia cách mạng. Bà nội anh được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.
Gia đình anh có 5 anh em thì 4 người đều làm trong đơn vị. Ba anh mất khi anh 14 tuổi. Anh nói: “Lúc ba tôi mất, anh hai tròn 18 tuổi và được vào thế chỗ làm việc của ba. Thời đó, ngoài giờ học, tôi đi phụ mẹ với anh hai. Học hết lớp 12, tôi xin vào làm công nhân cao su. Dù có nhiều sự lựa chọn giữa bao ngành nghề khác nhưng tôi nghĩ đời ông bà, cha mẹ rồi anh em đều làm với ngành cao su, tôi cũng mong muốn giữ gìn truyền thống gia đình cách mạng, truyền thống gắn bó với ngành. Cũng chính giá trị truyền thống tốt đẹp đó là niềm động viên to lớn cho tôi trong những lúc khó khăn”.
Không chỉ có chị Giàu, anh Tài mà chắc hẳn rằng có rất nhiều NLĐ là thế hệ thứ 3, thứ 4 trong gia đình có truyền thống gắn bó với ngành, với nghề đang hăng say lao động, góp phần vào thành quả chung của đơn vị và VRG. Tình yêu ngành, tâm huyết với công việc, mong muốn cống hiến như thế hệ cha anh đi trước là sợi dây liên kết bền bỉ giữa các thế hệ. Và nghĩa tình gắn bó, keo sơn đó là giá trị quý báu, thiêng liêng cần được gìn giữ, phát huy trong quá trình xây dựng VRG phát triển bền vững.
QUỲNH MAI – HỒNG LÝ. ẢNH: ĐÀO PHONG
Related posts:
- Tăng tốc thi đua hoàn thành kế hoạch
- Đảng bộ Công ty CP Cao su Sơn La: Hiệu quả thiết thực học và làm theo Bác
- Khi bóng đá được đưa vào đề thi văn
- Khu Công nghiệp Bắc Đồng Phú: Nơi đầu tư phát triển bền vững
- Thợ giỏi Tây Nguyên quyết giành giải "Bàn tay vàng"
- Ngỡ ngàng cao su Tây Bắc đón những giọt 'vàng trắng' đầu tiên
- Ấm lòng Tết xa nhà
- Cao su miền núi phía Bắc: Ngày vui đã đến...
- Các công ty thủy điện hoạt động hiệu quả, đóng góp vào doanh thu của VRG
- Cao su Chư Mom Ray tổng kết công tác Đảng năm 2022