Khi lao động chủ động đến “đầu quân”

CSVN – Nếu như những năm trước đây, TCT Cao su Đồng Nai là một “điểm nóng” về thiếu lao động, đặc biệt là lực lượng lao động trực tiếp trên vườn cây bởi những nguyên nhân khách quan thì 2 năm trở lại đây, tình trạng thiếu lao động dường như đã không còn là vấn đề trở ngại trước mùa cạo mới.

Anh Lừu Văn Páo (bên phải) đang hướng dẫn các thao tác thiết kế miệng cạo cho đồng nghiệp Li Seo Kính mới vào làm việc
Nguồn lực dồi dào từ các tỉnh phía Bắc

TCT đã có nhiều giải pháp để giữ chân NLĐ, xây dựng đội ngũ công nhân Cao su Đồng Nai giàu truyền thống và có những chế độ, chính sách hấp dẫn để thu hút lao động tại địa phương và từ các tỉnh thành đến làm việc tại TCT. Tính đến ngày 23/3, TCT có 3.970 lao động, trong đó khai thác 2.334 người. Thu tuyển 3 tháng đầu năm hơn 480 người.

Thời điểm này vào 3 – 4 năm trước, vào mùa chuẩn bị lực lượng lao động cho mùa cạo mới, phòng ban chức năng và các nông trường “căng mình” tìm giải pháp thu tuyển lao động, Ban lãnh đạo TCT đã tổ chức những đoàn tuyển lao động tại các địa phương như miền Tây, thậm chí tại miền Bắc, thì đầu mùa năm nay, lao động mới đã chủ động đến đầu quân cho đơn vị bởi họ tự tìm hiểu qua người thân, bạn bè đã làm công nhân cao su tại đây. Áp lực thu tuyển lao động giảm nhiều so với các năm trước, do vậy năm 2021, TCT cũng đã giao việc tuyển lao động để các nông trường chủ động tuyển mới số còn thiếu hoặc chủ động bố trí sắp xếp nếu có nhiều lao động đến xin vào làm việc.

Lực lượng lao động từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào làm việc tại các nông trường TCT đã tự mình trải nghiệm những lời hứa hẹn khi trở thành công nhân cao su Đồng Nai. Và thực tế đã không làm họ thất vọng khi các nông trường đã sắp xếp nơi ăn chốn ở, các vật dụng cần thiết trong gia đình, thậm chí còn hỗ trợ giữ con nhỏ để họ đi cạo…

Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi trở lại Nông trường An Viễng – nơi đây những năm trước được xếp top đầu trong việc thiếu lao động. Khác với mọi năm, năm nay nông trường có nguồn tuyển dồi dào nhờ những công nhân tỉnh xa làm công nhân ở đây giới thiệu.

Chúng tôi gặp gỡ anh Lừu Văn Páo (người H’Mông) – công nhân khai thác Tổ 8, Nông trường An Viễng khi anh cùng vợ đang trang bị kiềng, chén, máng, thiết kế miệng cạo trên vườn cây, sẵn sàng cho mùa cạo mới. Vợ chồng anh chị đầu quân cho TCT từ đầu năm 2020, mỗi người một phần cây, bản tính người nông dân chất phát, hiền hòa, chịu thương chịu khó đã giúp anh chị tuy là thợ cạo mới cũng có thu nhập ngang hàng với các anh chị khác trong tổ. Tháng 12/2020, cả lương và thưởng hai vợ chồng nhận được hơn 60 triệu đồng. Tròn một năm ngược vào Nam làm ăn, họ đã tích cóp được 185 triệu đồng, một con số theo anh là “khổng lồ”, số tiền mà 26 năm trong đời anh chưa bao giờ được cầm hay sở hữu. Vợ chồng anh đem về quê để mua thêm miếng đất và ăn một cái Tết ấm áp nhất từ trước đến nay.

Vợ chồng anh Páo và nhiều lao động Hà Giang tại TCT là minh chứng chân thật nhất giúp TCT năm nay đón nhận thêm lượng lao động lớn. Từ những chia sẻ của họ, bà con, hàng xóm đã đến tìm hiểu và quyết định khăn gói vào Nam làm công nhân cao su.

Vợ chồng cậu của anh Páo là anh Li Seo Kính và chị Hầu Thị Minh cũng gởi 3 con nhỏ cho ông bà nội trông nom. Vào “nhập môn”, anh chị được học kỹ thuật cạo, trang thiết bị vật tư trên vườn cây. Khi đến để trao đổi và chia sẻ về câu chuyện đi hai chặng xe và một chặng máy bay mới đến được Đồng Nai, anh nói: “Hồi Tết, vợ chồng Páo về quê ăn Tết, mới vào làm một năm mà có nhiều tiền tiết kiệm để mang về quê như vậy, thế là tôi cũng dò hỏi coi trong này có cần tuyển người nữa không. Khi biết được rằng vẫn còn suất, ăn Tết xong cả hai vợ chồng tôi vào luôn. Cũng mong là đồng vợ đồng chồng, công việc ổn định có thu nhập tốt để còn nuôi các con và thực hiện những dự định tốt đẹp trong tương lai”.

NT Trần Văn Lưu (Cao su Dầu Tiếng) tổ chức lễ ra quân thu hoạch mủ
Chuẩn bị nguồn lao động cho cả năm

Là đơn vị có truyền thống hơn 45 năm xây dựng và phát triển, Cao su Dầu Tiếng đã xây dựng được đội ngũ công nhân cao su giàu truyền thống, gắn bó lâu dài, đoàn kết và nghĩa tình với đơn vị. Hầu hết, lao động của công ty chủ yếu là người dân địa phương đã gắn bó nhiều năm với đơn vị. Họ đa số là hậu duệ của các gia đình 3, 4 thế hệ công nhân cao su.

Năm 2020, công ty có tổng số lao động hơn 5.000 người, dù năm qua là một năm rất khó khăn của toàn ngành, song công ty đã phát huy giá trị truyền thống, nỗ lực trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ và đạt kết quả khả quan. Nhờ đó, thu nhập bình quân toàn công ty đạt hơn 9,3 triệu đồng/người/tháng. Tiền truy lương, thưởng cuối năm bình quân đạt trên 12 triệu đồng/người.

Số lao động thôi việc năm 2020 chiếm 15% nhưng chủ yếu do đủ điều kiện nghỉ hưu. Đầu mùa cạo mới năm nay, công ty cũng đã thu tuyển lực lượng lao động mới để bù đắp cho số lao động đã nghỉ việc và chuẩn bị nguồn lao động dồi dào trong cả năm 2021. Tình trạng lao động của các nông trường trực thuộc không thiếu nhiều, có đơn vị thiếu 6 – 7 người, có đơn vị dư một vài người do lao động xin vào nhiều. Từ tình hình thực tế, các đơn vị đã chủ động sắp xếp phần cây, chế độ cạo cho hợp lý.

Từ Bình Phước, chị Lưu Thị Huyên theo chồng về Bình Dương và xin vào làm công nhân tại Cao su Dầu Tiếng. Ông xã chị làm bảo vệ Nông trường Minh Hòa và chị cũng làm công nhân khai thác của nông trường được 12 năm. Nguồn thu nhập của hai vợ chồng chỉ từ tiền lương của nông trường chi trả. Ấy vậy mà, trong những năm giá mủ xuống thấp, vợ chồng anh chị chưa một lần có suy nghĩ thoáng qua về việc một người ở lại – một người rời cao su đi để xin việc khác. Chị chia sẻ: “Nói gì thì nói, ông xã làm lâu hơn, còn tôi làm được 12 năm rồi. Ngần ấy năm, dù trong hoàn cảnh như thế nào thì vợ chồng tôi cũng cố gắng, bảo ban nhau bám trụ với công việc này, bởi ở đây chúng tôi có nhiều cái “được”. “Được” về chế độ chính sách tốt, “được” về nghĩa tình mà có lẽ khi xa cao su thì không nơi nào có”.

Chị tiếp lời: “Vừa rồi mùa nghỉ cạo, công ty còn tổ chức cho NLĐ tiêu biểu đi tham quan, học tập. Dù năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, công ty không tổ chức đi xa và dài ngày như nhiều năm trước, chỉ đi những nơi gần nhưng đó là niềm động viên, khích lệ tinh thần trước mùa cạo mới cho NLĐ. Và đó cũng là phần thưởng xứng đáng cho NLĐ phấn đấu đạt thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong lao động sản xuất và phong trào”.           

HUỆ LINH – NG.CƯỜNG