Ông Nguyễn Chánh Phương – Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA): “Ngành gỗ tái cấu trúc để vượt qua khó khăn”

Ông Nguyễn Chánh Phương – Phó Chủ tịch HAWA

CSVNO – “Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, xuất khẩu gỗ và lâm sản hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Từ đầu năm 2023 đến nay, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến đến hết năm 2023 ngành gỗ sẽ không có nhiều biến động, xuất khẩu sẽ tiếp tục đối mặt với sự co giảm của thị trường.

Hiện tại, số đơn hàng giảm mạnh, doanh nghiệp (DN) phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến SXKD, đời sống của NLĐ. Những DN có đơn hàng thì chủ yếu là những đơn hàng nhỏ lẻ. Thông thường, thời điểm này các DN đã có nhiều đơn hàng gỗ ngoài trời và chuẩn bị nguyên liệu để chế biến, đến tháng 11 và tháng 12 xuất đi châu Âu để vào mùa hè nhà nhập khẩu bán ra, nhưng đến nay DN vẫn chưa có đơn hàng. Hàng tồn kho còn nhiều nên cũng ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất.

Trước những khó khăn, DN trong ngành cũng đã chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, tập trung vào tiêu chí là sản phẩm chất lượng nhưng giá tốt, phù hợp với thị hiếu và chú trọng chính sách hậu mãi. Tích cực xúc tiến thương mại thông qua việc tổ chức, tham gia các triển lãm, hội chợ thương mại, giới thiệu sản phẩm đến các DN đối tác và người tiêu dùng để tạo thêm các mối quan hệ, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Mặt khác, việc tìm tòi, sản xuất các sản phẩm theo các xu hướng, thị hiếu của người tiêu dùng trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu hiện nay cũng được các DN đặc biệt quan tâm, nghiên cứu để có những sản phẩm vừa hợp túi tiền, vừa tiện lợi cho người tiêu dùng, thay vì những phân khúc sản phẩm đắt tiền hơn so với trước.

Bên cạnh đó, các DN cũng đẩy mạnh tái cấu trúc sản xuất, chuyển đổi công nghệ, hoàn thiện hệ thống quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, tăng sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh…

Đồng hành với các DN ngành gỗ, các bộ/ngành và địa phương cũng rất ưu tiên hỗ trợ các DN gỗ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thông qua việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại. Tuy nhiên, ngành gỗ cũng kiến nghị có phương án giải quyết, tạo điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho các DN làm ăn chân chính; có chính sách cho DN ngành gỗ giãn nợ đến hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; có gói tín dụng đặc thù từ ngân hàng chính sách xã hội để DN trả lương cho công nhân trong năm 2023…

Trong bối cảnh ngày càng khó khăn, đòi hỏi các DN ngành gỗ phải có rất nhiều nỗ lực, quyết tâm, kiên trì, vượt khó, luôn luôn đổi mới, tìm tòi, sáng tạo, để tìm ra được “ánh sáng” trong những lúc “tối tăm”.

MINH TRÍ (ghi)