Tăng cường công tác giám sát, đánh giá người đại diện vốn của VRG tại doanh nghiệp

CSVN – Người đại diện vốn (ĐDV) tại doanh nghiệp (DN) đại diện thực hiện các quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu, vừa là người quản lý doanh nghiệp. Tại Hội nghị Người lao động Công ty mẹ Tập đoàn, TGĐ VRG Lê Thanh Hưng đã đánh giá cao vai trò của người ĐDV VRG tại các đơn vị, góp phần vào kết quả và thắng lợi chung trong hoạt động của VRG trong những năm qua.

Ông Đỗ Hữu Phước – Phó TGĐ VRG, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy điện VRG Bảo Lộc, người đại diện vốn VRG tại công ty phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022

Ban Tài chính Kế toán VRG đã đưa ra một số giải pháp để tăng cường công tác giám sát, đánh giá người ĐDV của VRG tại các DN và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Trước hết, phải luôn rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của người ĐDV của VRG, của các đơn vị thành viên để phù hợp tại từng thời điểm. Phân định rõ ràng về chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của từng người ĐDV trong cùng một đơn vị, cụ thể nội dung và thời hạn mà người ĐDV phải báo cáo VRG, đơn vị.

Đặc biệt là cần nâng cao công tác đánh giá, nhận xét việc tham mưu và đề xuất của người ĐDV, nâng cao việc xây dựng cơ chế giám sát và hiệu quả giám sát theo các phương thức: Đánh giá hiệu quả hoạt động theo chỉ tiêu tài chính tổng thể toàn bộ, không đi theo từng dự án, hoạt động riêng lẻ, cụ thể; đồng thời hàng năm thực hiện tổ chức Hội nghị người ĐDV để tổng kết, đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho người ĐDV tại doanh nghiệp. Người ĐDV cần có ý thức pháp luật nghề nghiệp cao, có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tính kỷ luật. Đồng thời tăng cường triển khai các khoá tập huấn, trao đổi kinh nghiệm để cập nhật thông tin tới người ĐDV, lãnh đạo doanh nghiệp và đào tạo các cán bộ trong quy hoạch để xây dựng đội ngũ kế cận.

Thực tiễn đang đặt ra những vấn đề về trách nhiệm pháp lý của người ĐDV tại doanh nghiệp, đặc biệt là trách nhiệm kỷ luật đối với người ĐDV khi có hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến lợi ích của chủ sở hữu. Vì vậy cần xác định rõ trách nhiệm của người ĐDV đang giữ các chức vụ quản lý trong DN để bảo đảm lợi ích hợp pháp của VRG, đơn vị mà người đó làm đại diện. Thường xuyên và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với người ĐDV tại DN. Khi phát hiện hành vi vi phạm cần kết luận rõ ràng và xử lý kịp thời, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm, hạn chế thiệt hại, nâng cao hiệu quả quản lý vốn tại doanh nghiệp, giúp DN phát triển lành mạnh, đảm bảo lợi ích hợp pháp của VRG.

Định kỳ và hàng năm, người ĐDV báo cáo kết quả giám sát và hoạt động của DN mà mình được cử làm người đại diện, viết bản tự nhận xét, đánh giá theo nội dung, tiêu chí đánh giá và tự nhận mức độ xếp loại chất lượng báo cáo cho chủ sở hữu để thực hiện đánh giá làm cơ sở xem xét khen thưởng, tiếp tục cử hoặc thôi cử làm người ĐDV, thực hiện các chính sách khác. Khi kết thúc cần có sự xem xét, đánh giá về kết quả đạt được nhằm khen thưởng hoặc xử lý kịp thời.

Trong thời gian tới, để phù hợp với các quy định mới của pháp luật về người ĐDV, nâng cao hiệu quả hoạt động, VRG, các đơn vị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống quy định, quy chế nội bộ về công tác quản lý người ĐDV theo hướng phân cấp phân quyền một cách rõ ràng, đầy đủ hơn và phù hợp yêu cầu quản lý tại từng thời điểm nhằm tạo điều kiện cho người ĐDV được chủ động hơn nữa trong việc chỉ đạo, giải quyết công việc của đơn vị. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa việc xem xét, giải quyết các kiến nghị, tiếp tục quan tâm đến chính sách, đồng hành với người ĐDV để họ yên tâm công tác.

Xem xét đổi mới cơ chế lương, thưởng, phạt đối với người ĐDV theo hướng gắn công sức, trách nhiệm với kết quả kinh doanh tại đơn vị. Có như vậy mới tạo được động lực cho người ĐDV phát huy sáng tạo và cống hiến hết sức mình, đồng thời cũng gắn liền trách nhiệm với hiệu quả kinh doanh tại đơn vị được cử làm người ĐDV.

ĐÀO PHONG