Đưa trên 1.200 ha cao su tại Campuchia vào khai thác

CSVN – Sau 9 năm (2007 – 2016) đầu tư trồng cao su tại Campuchia, đến tháng 5/2016, VRG đang quản lý hơn 90.569 ha, trong đó diện tích cao su KTCB là 89.332 ha, diện tích kinh doanh hơn 1.236 ha. Đặc biệt, 2016 là năm thứ hai, VRG đưa vào mở miệng cạo mới trên 869 ha, trước đó năm 2015 đã mở miệng cạo hơn 366 ha.
Cắt băng mmở cạo thí điểm tại Công ty CPCS Đồng Nai - Kratie. Ảnh: Vũ Phong.
Cắt băng mở cạo thí điểm tại Công ty CPCS Đồng Nai – Kratie. Ảnh: Vũ Phong.
Nhiều vườn cây vượt quy trình kỹ thuật

Đơn vị thành viên VRG đầu tiên mở miệng khai thác cao su tại Campuchia là Công ty TNHH Phát triển Cao su Tân Biên – Kampong Thom vào năm 2015 với 271 ha, tiếp đến là Công ty Hoàng Anh Mang Yang K với hơn 95 ha. Năm 2016, các đơn vị thành viên Tập đoàn đưa hơn 1.236 ha cao su vào kinh doanh. Ngoài diện tích trên, còn có 3 đơn vị tổ chức mở cạo thí điểm là Đồng Nai – Kratie, Đồng Phú – Kratie và Chư Sê – Kampong Thom.

Hiện nay, VRG có 15 đơn vị thành viên đang triển khai thực hiện 18 dự án trồng cao su tại Campuchia. Đến nay, các công ty đã cơ bản hoàn thành công tác trồng mới (năm 2016 có trồng mới 50 ha), thời gian tới sẽ tập trung đầu tư cho công tác chăm sóc vườn cây KTCB, chuẩn bị cho công tác mở miệng cạo khai thác và xây dựng nhà máy chế biến.

Theo nhận định của Ban chuyên môn Tập đoàn, tốc độ tăng trưởng sản lượng cao su khai thác mỗi năm tại Campuchia trong thời gian sắp tới là rất nhanh. Vì vậy, bên cạnh việc chú trọng xây dựng nhà máy chế biến, các công ty cần chú trọng đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cao su để công tác tiêu thụ được tốt hơn. Đối với 90.268 ha cao su đang trong thời kỳ KTCB, theo đánh giá của Ban chuyên môn VRG, vườn cây sinh trưởng rất tốt.

Theo thống kê có đến hơn 64.502 ha, chiếm trên 71% tổng diện tích, chất lượng vườn cây đạt nhóm A và nhóm B. “Nhiều vườn cây có tốc độ sinh trưởng vượt quy trình kỹ thuật”, Phó TGĐ VRG Nguyễn Tiến Đức – người phụ trách kỹ thuật nông nghiệp, cho hay.

 Cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp

Tại một buổi làm việc gần đây với các doanh nghiệp đầu tư phát triển cao su tại Campuchia, ông Đỗ Hữu Phước – Trưởng ban Xây dựng Cơ bản VRG cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất của các công ty hiện nay là nguồn vốn để đầu tư phát triển.

Kiểm tra vanh thân chuẩn bị đưa vườn cây vào khai thác tại Công ty Chư Sê Kampong Thom. Ảnh: N.K
Kiểm tra vanh thân chuẩn bị đưa vườn cây vào khai thác tại Công ty Chư Sê Kampong Thom. Ảnh: N.K

“Việc vay vốn tại Campuchia của các đơn vị đang gặp nhiều khó khăn do thiếu các giấy tờ có giá và các quyền tài sản để làm thủ tục đảm bảo theo yêu cầu của các tổ chức tín dụng. Ngay cả một số đơn vị đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tô nhượng kinh tế nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay”, ông Phước cho hay.

Hơn nữa, các dự án phát triển cao su của VRG tại Campuchia chưa có sự hỗ trợ vay vốn từ Chính phủ trong việc thực hiện đầu tư. Đặc biệt là cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài như cơ chế hỗ trợ lãi suất vay vốn. Ngoài khó khăn về vốn, các doanh nghiệp còn gặp phải một khó khăn khác.

Hiện nay, chưa có đơn vị nào tại Campuchia được cấp có thẩm quyền nước sở tại thông qua báo cáo Đánh giá tác động môi trường tự nhiên và xã hội hoàn chỉnh, mặc dù đã có 12 đơn vị nộp báo cáo. Đây là thủ tục phải có để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tô nhượng kinh tế.

Lý giải về sự chậm trễ này, theo ông Đỗ Hữu Phước, ngoài nguyên nhân khách quan do một số đơn vị vướng tranh chấp đất đai, chưa xác định được diện tích còn lại, còn có nguyên nhân thiếu kinh phí thực hiện thủ tục. Ngoài ra, có một số đơn vị đã xong thủ tục này nhưng lại vướng phải dừng do Bộ Môi trường Campuchia yêu cầu trong quá trình thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường và xã hội hoàn chỉnh của các dự án tô nhượng phát triển cao su, phải triển khai thủ tục ký kết Hợp đồng bảo vệ môi trường với mức phí trung bình hàng năm từ 30.000 – 40.000 USD/ dự án.

Về vấn đề này, VRG đã có văn bản gửi Bộ Môi trường Campuchia đề nghị xem xét tiết giảm chi phí và lùi thời điểm đóng góp để hỗ trợ các công ty hiện đang gặp khó khăn do giá mủ thấp. Hiện nay, Bộ Môi trường Campuchia đang xem xét có văn bản hướng dẫn cụ thể. Theo dự kiến, đồng ý từ nay đến năm 2018 được miễn đóng, nhưng từ năm 2019 – 2022 đóng 50% số phí trên…

 Bài, ảnh: Phan Thắng