“Dân làng mình đã no cái bụng”

CSVN – Từng là xã giàu thứ 2 sau thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai nhưng người dân xã Al Bá cũng có giai đoạn “điêu đứng” vì nông sản mất mùa, do đó nhiều thanh niên phải đi làm ăn xa. Dẫu vậy, những người ở lại đã nhanh chóng giúp bản làng hồi sinh, người dân nơi đây đã nỗ lực “vượt khó, vượt nghèo” để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống, chủ yếu là nhờ làm công nhân cao su.

Tích cóp được từ thu nhập CN cao su giúp vợ chồng anh Kpuih Khăm xây được nhà mới khang trang.
Nếp nghĩ, cách làm chưa phù hợp

Những vườn cà phê xanh tốt và trĩu quả, đường nhựa ô tô bon bon chạy quanh làng, đây là hình ảnh mà người dân thôn (làng) Blut Roh rất vui mừng khi thôn làng mình đã có cuộc “lột xác” ngoạn mục, thoát khỏi “danh hiệu” vùng đặc biệt khó khăn năm 2020.

Thôn Blút Roh có 320 hộ với 1.088 nhân khẩu, chủ yếu là bà con người Jarai sinh sống. Theo những người lớn tuổi trong thôn, hơn 20 năm trước đất đai của người dân rộng rãi. Nhưng rồi, dân số tăng nhanh, nhà ít cũng 4 người, nhiều thì hơn 10 người, đất đai chia nhỏ cho con cái hết. Họ tập trung canh tác trên diện tích này mà thiếu công tác đầu tư thâm canh, chưa biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên năng suất thấp.

Anh Kpuih Tuân – Trưởng thôn Blut Roh cho biết: “Từ năm 2015 trở về trước kinh tế của bà con trong thôn cũng khá, thu nhập chính từ trồng tiêu và cà phê, lúa nước. Nhưng vài năm gần đây giá tiêu, cà phê thấp, mùa màng thất bát, tiêu chết hàng loạt dẫn đến tình trạng nhiều người không có việc làm ổn định nên bà con gặp rất nhiều khó khăn”.

Cũng theo anh Tuân: “Thời điểm giá tiêu và cà phê lập đỉnh, bà con có cuộc sống sung túc, nhưng lại thiếu suy tính, không tiết kiệm để tái đầu tư hay mở rộng diện tích, thâm canh vườn cây để tăng năng suất mà dùng tiền thu được chi tiêu vào việc khác, vì thế khi giá tiêu xuống thấp, nguồn tài chính không có để tái đầu tư. Không trụ được với nương rẫy, hàng trăm thanh niên đã vào Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai để làm công nhân (CN) ở các khu công nghiệp, trong làng cũng có 5 người đi xuất khẩu lao động bên Ả Rập Xê Út, cũng có người thành công, người không”.

Sau những giờ trên lô, anh Kpuih Khăm về giúp vợ chăm sóc vườn cà phê của gia đình
Làm công nhân cao su giúp thay đổi cuộc sống

Thôn Blút Roh có 30 lao động đang làm công nhân cho Nông trường (NT) Bờ Ngoong, Cao su Mang Yang. Trong những năm gần đây đời sống của các hộ gia đình này đã cải thiện đáng kể. Anh Nguyễn Văn Công – Chủ tịch xã Al Bá cho biết: “Tất cả các hộ gia đình được NT nhận vào làm CN đều có cuộc sống khá giả, nhà xây kiên cố, con cái đến trường đầy đủ, kinh tế vững vàng từ lương CN và kinh tế gia đình”.

Để chứng minh đánh giá này của anh Công, anh Lê Văn Thọ – Giám đốc NT Bờ Ngoong dẫn chúng tôi đến nhà Kpuih Khăm đang là CN của Tổ 7. Căn nhà mới khang trang, nổi bật so với các nhà bên cạnh. Anh Khăm năm nay 32 tuổi, vào làm CN Tổ 7 được 3 năm. Trước đây, anh và vợ ngoài đi làm rẫy, lúa nước còn đi làm công cho người ta, cuộc sống cũng khá vất vả.

Anh cho hay: “Nhà này vợ chồng mình làm được 2 năm rồi, chi phí xây dựng hơn 125 triệu đồng được tích cóp từ tiền lương làm CN cao su, tiền tiết kiệm bán cà phê. Vài năm trước cuộc sống của vợ chồng mình và 2 con nhỏ khó khăn lắm, phải chạy ăn từng bữa. Nay đi làm CN đỡ khó rồi, năm nay lương cao hơn năm trước, mình vui lắm và sẽ vận động thanh niên trong làng xin đi làm CN, chứ đi làm xa làng bà con mình không quen”.

Còn anh Kpuih Hyôn cũng là CN của Tổ 7 – NT Bờ Ngoong cho biết: “Nhiều năm trước, cuộc sống nhà mình cũng khổ lắm. Nhưng nhờ đi làm công nhân và trồng thêm lúa nước, vài trăm cây cà phê nên giờ cuộc sống cũng ổn định rồi. Cạo xong mình tranh thủ chạy về phơi ít lúa mới gặt, không nhiều nhưng cũng đủ ăn”.

Theo số liệu thống kê của xã Al Bá thì hầu hết những gia đình CN cao su đều có cuộc sống ổn định, điều kiện kinh tế vững chắc, là những nhân tố điển hình trong phát triển kinh tế. Ông Kpă Hầu – Già làng của thôn Blút Roh chia sẻ: “Giờ đây, bà con dân làng mình đã no cái bụng rồi, không còn cảnh thiếu ăn như mấy năm trước nữa. Già mong có nhiều lũ trẻ trong làng được nhận vào làm CN cao su lắm”.

Anh Lê Văn Thọ cho biết thêm: “Hiện NT đang giải quyết việc làm cho 79% đồng bào dân tộc tại địa phương. Chủ trương của công ty vẫn luôn ưu tiên cho đối tượng lao động này, vì thế thanh niên trong các thôn của xã có nguyện vọng xin làm CN chúng tôi đều xem xét giải quyết ngay”.

Không chỉ có thu nhập ổn định từ làm CN cao su, hiện nay nhiều hộ gia đình CN đã biết tận dụng nguồn đất nhàn rỗi khi cao su của NT tái canh để trồng xen thêm một số cây hoa màu và biết cách chăn nuôi gia súc để cải thiện kinh tế gia đình.

VĂN VĨNH