Chú Đức Trung kính mến!
Má và ba cháu làm ở một công ty cao su, nên từ hồi học phổ thông cháu đã đọc báo cao su. Cháu biết chú Đức Trung hay tư vấn chuyện tình yêu, hôn nhân và gia đình. Bữa nay cháu nhờ chú tư vấn cho cháu gái một chuyện, cháu cảm ơn chú.
Ba cháu trước khi lấy má cháu đã từng có gia đình và hai con riêng. Má không phải là người thứ ba phá hoại hạnh phúc gia đình của ba. Qua bà ngoại, các cậu các dì và chính má, cháu biết hồi đó ba với vợ ly thân rất lâu, rồi khi gặp má, ba mới quay về làm thủ tục ly dị vợ. Khổ là anh chị cùng ba khác má với cháu cứ nghĩ là do má phá hạnh phúc gia đình ba, nên không tới lui với ba ruột. Mấy anh chị em vì vậy cũng không gắn kết.
Cuộc hôn nhân của má khiến cháu mỏi mệt và thấy ngán lấy chồng. Chuyện đã cũ mèm, cháu cũng kệ, mà lòng vẫn nhói buồn. Yêu ai cũng sợ người ta xét nét con của gia đình lắm ba lắm má, người yêu của mình hiểu nhưng gia tộc của người ta quen dị nghị.
Cháu học xong đại học, rồi ở lại thành phố xin việc, một mình hết, vì ba đã về hưu, má cũng đã về hưu, nên không giúp được.
Bạn bè khuyên cháu, cứ chú ý mấy chàng Tây ấy, họ văn minh, họ không xét nhân thân gia tộc, họ chỉ quan tâm chính người con gái mà họ đang quen thôi, đừng lấy người mình, lằng nhằng, khổ tâm và khổ thân…
Rồi có một anh người nước ngoài. Ưa nhau từ cái nhìn đầu tiên ở phố Tây. Sau này anh ấy bảo nhìn là biết cháu con nhà nề nếp, dễ thương. Cháu dạy tiếng Việt cho anh câu “dễ thương mà thương không dễ”. Bây giờ thì bắt đầu quan hệ hơi nghiêm túc rồi. Anh làm việc ở đây đã 5 năm, hơn cháu 7 tuổi, nguyện vọng là sẽ ở lại đây lâu dài và lập gia đình.
Ba má cháu đều đã già, bị tiểu đường, áp huyết, luôn không khỏe. Nhìn ba má, cháu càng không muốn có gia đình, không muốn có con, thấy nặng nhọc quá. Không biết cháu nghĩ vậy có tiêu cực quá không chú Đức Trung?
CHÁU GÁI
Cháu thân mến!
Cuộc đời của ba má cháu không có vấn đề gì phải dị nghị. Ai nói gì, kệ họ. Đâu đã vào đấy an bài hết bao nhiêu lâu rồi, quan tâm lo nghĩ làm gì. Riêng chuyện các con của ba không đến với ba, với cháu là nỗi buồn, có thể dai dẳng, có lẽ một phần do má ruột của họ chi phối.
Hiện nay, rất nhiều, cả nam và nữ không lập gia đình, không sinh con. Họ có triết lý sống rằng thế gian đã quá đông đúc, sinh ra một con người là gây khổ cho người đó, đẻ một đứa con nuôi nấng từ nhỏ cho đến trưởng thành tiền của như nước nhưng rồi chúng sẽ bay đi như chim… Tuy nhiên đó là những triết lý phiến diện, không mấy phù hợp với quan niệm phương Đông.
Cháu ngán lấy chồng không sai. Tâm lý thế hệ, cộng với gánh nặng con một, với ba má thường ốm đau, bệnh tật như thế, đắn đo ngại ngần trước một cuộc hôn nhân với ai đó, là dễ hiểu.
Khi cháu đã thực sự yêu anh chàng Tây ấy và cảm nhận ở anh ta tình yêu lớn với cháu, cháu phải nói thật, nói hết, lịch sử hôn nhân của ba má, để cậu ta chuẩn bị tinh thần đối diện với gia tộc cháu.
Nên nhớ rằng anh ta chấp nhận nhưng không thể đòi hỏi ở chàng rể này chăm sóc, nuôi nấng ở bệnh viện và chi tiêu tiền bạc phủ phê đâu. Họ rất văn minh nên sòng phẳng, nguyên tắc và rành mạch dù hay cảm động, hay cảm ơn.
Thế nhé, cân nhắc để xem nên đi tiếp hay dừng lại. Không ai nắm tay được cả đời, nghĩa là không ai sống một mình mãi, khi cha mẹ đã theo nhau về với ông bà, cháu sẽ sống ra sao? Hình dung để giữ cuộc tình này hay để nó trượt qua tay, cháu nhé.
CHÚ ĐỨC TRUNG
Related posts:
- Xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch COVID-19
- Ông Lưu Bình Nhưỡng: 'Nông nghiệp vừa là bà đỡ, vừa là chị nuôi, bác sĩ'
- Chồng tránh mặt ba, khục khặc với vợ
- Hãy kiên trì dạy bảo con
- Buồn chán vì chồng ít chuyện trò tâm sự
- Về quê tránh dịch
- Nuôi dê đầu tư ít, hiệu quả cao
- Quản chồng
- TP HCM: Cập nhật mới toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà
- Bị má chồng mắng vì hay chỉnh sửa chồng