CSVNO – Đó là yêu cầu của Chủ tịch HĐQT VRG Trần Ngọc Thuận trong cuộc họp với lãnh đạo Công ty CP Thể thao Ngôi sao Geru và Công ty CP Công nghiệp và XNK Cao su, Công ty CP Cao su Bến Thành, Công ty Cp Cơ Khí Cao su và Công ty CP Gỗ Thuận An vào ngày 16/5.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các công ty đã báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021. Đồng thời đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.
Những tháng đầu năm 2021 với nhiều khó khăn đan xen, tình hình sản xuất kinh doanh của các công ty đã bị ảnh hưởng ít nhiều vì dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, kéo dài. Các công ty vừa phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch, vừa phải sắp xếp ổn định sản xuất, đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu kép được đề ra.
Nhìn chung tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của các công ty khá thuận lợi, các chỉ tiêu đều vượt so với với cùng kỳ, đặc biệt như Công ty CP Thể thao Ngôi sao Geru và Công ty CN&XNK cao su doanh thu vượt 70-80% so với cùng kỳ 2020. Về lợi nhuận các công ty đều đạt từ 43 – 69% lợi nhuận kế hoạch năm. Tuy nhiên các công ty cũng gặp phải các thuận lợi, khó khăn riêng. Cụ thể như:
Đối với Công ty CP Thể thao Ngôi sao Geru, thuận lợi của công ty là hiện tại đang có đơn hàng xuất khẩu chiếm khoảng 50% sản lượng hàng tháng cùng với một số đơn hàng quảng cáo. Tuy nhiên tình hình tại Tp. HCM đang thực hiện giãn cách xã hội gây ảnh hưỏng rất lớn đến thị trường nội địa (chiếm khoảng 40% doanh thu). Công ty thực hiện vừa chống dịch, vừa duy trì SXKD do đó sẽ không kịp xây dựng kế hoạch di dời nhà máy trình lãnh đạo Tập đoàn trong năm 2021 như kết luận của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn theo Thông báo số 649/TB-CSVN ngày 17/3/2021.
Với Công ty CP CN& XNK Cao su, ngay từ đầu năm cả 2 nhà máy sản xuất gỗ tinh chế và sản phẩm công nghiệp cao su đã có đủ đơn hàng sản xuất đến quý 3 năm 2021 và hiện vẫn đang tiếp tục nhận đơn hàng sản xuất cho giai đoạn sắp tới. Lực lượng lao động không có biến động lớn.
Do tác động của dịch Covid-19, từ cuối năm 2020, các nhà cung cấp nguyên liệu, vật tư trong và ngoài nước đã thông báo về việc tăng giá từ 10 – 20% trong năm 2021. Do vậy làm tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị. Toàn Công ty phải đảm bảo thực hiện các yêu cầu của địa phương về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại đơn vị, phải sắp xếp sản xuất bố trí lao động phù hợp với yêu cầu giãn cách xã hội, do vậy ảnh hưởng đến năng suất lao động và sản lượng sản xuất, phát sinh tăng các chi phí phòng chống dịch Covid-19 tại Công ty.
Công ty CP Cơ khí Cao su được sự quan tâm của VRG về việc hỗ trợ Công ty trong khâu tìm đơn hàng. Công ty tích cực trong công tác tiếp thị, tìm kiếm việc làm; một số xí nghiệp chủ động tìm kiếm thêm việc làm bên ngoài. Công ty còn gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của các công ty cơ khí ngoài ngành về mặt hàng máy chế biến mủ cao su.
Hàng hóa đã sản xuất nhưng chuyển đi khó khăn do thủ tục nhập khẩu, phương tiện vận chuyển không đáp ứng kịp, hàng nhập khẩu không đúng theo thời gian trong hợp đồng. Khó khăn trong việc nhập vật tư, nguyên liệu từ nước ngoài, không đáp ứng được thời gian và giá tăng không kiểm soát được. Nhân sự đi Lào, Campuchia phải làm thủ tục cách ly, đi qua lại gặp nhiều khó khăn. Về công tác tài chính, công ty gặp nhiều khó khăn về vốn, thu hồi nợ chậm
Riêng Công ty CP chế biến Gỗ Thuận An, với lợi thế nguồn lao động có tay nghề, có tâm huyết, có mối quan hệ tốt, công ty xây dựng được niềm tin với khách hàng và bạn hàng trong ngành. Duy trì được khách hàng truyền thống và có thêm khách hàng mới, thị trường mới.
Đơn hàng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, tính đến nay đơn hàng đã đạt trên 100% kế hoạch năm. Chủ động về nguồn vốn kinh doanh, đảm bảo đủ cho nhu cầu sản xuất. Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cả trong nước và thế giới khiến tình trạng thiếu container rỗng vẫn còn tiếp diễn làm phát sinh chi phí và ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty.
Có thời điểm hàng thành phẩm tồn xưởng tương đương với 50-55 container, chiếm mặt bằng ảnh hưởng tới năng suất của nhà máy. Công ty đã tính tới phương án thuê kho để hàng để giải phóng mặt bằng tiếp tục sản xuất. Hầu hết nguyên vật liệu tăng giá cao, trong đó gỗ nhập khẩu tăng từ 20->30% và khan hiếm, các nguyên vật liệu khác tăng từ 10->25% làm ảnh hưởng đến hiệu quả SXKD của công ty. Lao động tại chi nhánh Bình Phước khó tuyển dụng do cạnh tranh các công ty trong khu công nghiệp.
Đối với Công ty CP Cao su Bến Thành, sản phẩm chủ lực của công ty là sản xuất băng tải và dây courroie. Trong những tháng đầu năm công ty tập trung sản xuất sản phẩm theo phân khúc chất lượng cao, đẩy mạnh tiêu thụ duy trì được các khách hàng hiện hữu nên đã đảm bảo được doanh số.
Đối với sản phẩm cao su kỹ thuật, sản phẩm chủ yếu là tấm chắn bùn xuất khẩu vào thị trường Mỹ, tấm lót sàn xe vào thị trường Nhật Bản, sản phẩm băng tải cao su bida vào thị trường Mỹ, Indonesia…Thời gian tới công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu sản xuất các loại sản phẩm mới theo đơn đạt hàng nhằm ổn định nguồn thu, nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Sau khi nghe báo cáo của các công ty, ý kiến của lãnh đạo tập đoàn, lãnh đạo các ban, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG đã đánh giá rất cao sự nỗ lực phấn đấu của các công ty trong những tháng đầu năm qua. Ông chia sẻ những khó khăn mà các đơn vị đang gặp phải, đồng thời biểu dương sự quyết tâm vượt khó hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao.
Ông Trần Ngọc Thuận cũng lưu ý về các hoạt động chuyên môn của các công ty đã được góp ý kiến từ lãnh đạo phụ trách đơn vị, các ban chuyên môn trong cuộc họp. Các nội dung đã họp cần phải được triển khai thực hiện đúng quy trình. Thực hiện công tác sản xuất kinh doanh đi đôi với công tác phòng chống dịch, tuân thủ 5k, tiếp cận đề xuất nguồn vacxin, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch.
Các đơn vị cần tiếp tục sắp xếp lại công tác cán bộ để tổ chức sản xuất hiệu quả trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Làm sao thực hiện tốt nhất mục tiêu kép VRG đã đề ra.
Tập đoàn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, hỗ trợ về công tác thu hồi công nợ, xử lý nợ, tạo nguồn vốn cho các công ty hoạt động. Tuy nhiên các công ty cần phải có lộ trình phát triển đúng đắn, cần phải có chiến lược phát triển sản phẩm của đơn vị ít nhất là 5 năm tới.
Tăng cường công tác quảng bá sản phẩm thương hiệu trên các phương tiện thông tin, trang tin điện tử, thương mại, bán hàng qua hình thức trực tuyến… VRG sẽ hỗ trợ tối đa về nguồn cung qua các mối quan hệ, ưu tiên, khuyến khích các đơn vị trong ngành sử dụng sản phẩm của nhau.
Trong thời gian tới yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện tái cơ cấu theo lộ trình đề ra theo hướng tinh gọn. Những đơn vị còn vướng mắc về công tác di dời cơ sở sản xuất cần thành lập Tổ công tác để tìm ra ít nhất 2 phương án di dời cơ sở, trình VRG phê duyệt … Tất cả vì mục tiêu ổn định sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, hướng đến phát triển thương hiệu của VRG bền vững.
VŨ PHONG
Related posts:
- Cao su Sơn La ra mắt sản phẩm mủ đầu tiên
- Họp mặt kỷ niệm 5 năm VRG thăm Trường Sa
- Cao su Tây Ninh thu nhập bình quân trên 8,7 triệu đồng/người
- Ưu tiên sử dụng hàng hóa trong khối doanh nghiệp trung ương
- Bình Dương - Điểm hấp dẫn để VRG đẩy mạnh đầu tư khu công nghiệp
- Tuyên dương 40 thanh niên cao su tiêu biểu trong phong trào "Tuổi trẻ sáng tạo"
- Báo chí đã chia sẻ, đồng hành cùng ngành cao su
- Sản xuất máy rửa tay tự động
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng
- Kiên định hoàn thành mục tiêu kép