Cao su Tây Ninh dẫn đầu tiến độ sản lượng

Tính đến cuối tháng 8/2014 tiến độ khai thác bình quân của các CTCS khu vực Đông Nam bộ đạt hơn 52% kế hoạch (KH) năm. Trong đó, dẫn đầu về tiến độ thực hiện KH sản lượng là Công ty CPCS Tây Ninh với hơn 60% KH.
Sản lượng cao nhờ áp dụng nhiều giải pháp

Lũy kế đến ngày 30/8, Công ty CPCS Tây Ninh khai thác được 6.300 tấn mủ/10.350 tấn KH, đạt 60,8% KH năm. Tại thời điểm này, Tây Ninh là đơn vị dẫn đầu trong VRG thực hiện KH sản lượng năm. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, bởi công ty gặp khó khăn, trong 7 tháng qua có đến 5.313 cây cao su khai thác bị gãy đổ do gió lốc. Đến 29/8, công ty cũng đã chế biến được 6.782 tấn/14.950 tấn KH, đạt 45% KH năm, tiêu thụ 6.689 tấn, doanh thu cao su 291 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hạnh – Phó TGĐ công ty, cho biết để đạt KH sản lượng cao, công ty đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng công tác quản lý, kiểm tra quy trình kỹ thuật, trang bị máng chắn mưa, bôi thuốc kích thích… Đồng thời, kết hợp với địa phương, lực lượng bảo vệ, thanh niên xung kích và tổ công nhân tự quản tăng cường công tác bảo vệ, hạn chế các vụ việc tiêu cực lấy cắp mủ.

“Công ty đã chủ động phòng trị bệnh phấn trắng, bệnh nấm hồng, bón phân và sử dụng thuốc kích thích hợp lý cho từng đối tượng vườn cây. Ngoài ra, chúng tôi vẫn tổ chức khai thác cây thanh lý tái canh trong mùa thay lá, cạo tận thu tối đa vườn cây thanh lý năm 2015. Đồng thời, trang bị vật tư thích hợp cho công tác khai thác trên miệng cạo cao và có chế độ ưu đãi cho công nhân cạo trên đối tượng vườn cây này, ông Hạnh trình bày giải pháp.

Công ty áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong cạo tận thu góp phần mang lại sản lượng cao
Công ty áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong cạo tận thu góp phần mang lại sản lượng cao

Còn ông Nguyễn Văn Tài – Giám đốc NT Bến Củi – đơn vị có tiến độ khai thác cao nhất công ty trong 8 tháng đầu năm, cho biết biện pháp duy trì mật độ, quản lý cây cạo, cải tiến dụng cụ và vật tư trang bị là những yếu tố quan trọng, góp phần đảm bảo năng suất, sản lượng cao. “Duy trì mật độ cây cạo cho đến hết chu kỳ khai thác là duy trì tiềm năng, sản lượng. Do đó, nông trường đã chủ động cắt tỉa bớt tán lá để hạn chế gãy đổ, hao hụt mật độ cây. Bên cạnh đó, cây mở cạo phải đạt tiêu chuẩn qui định để đảm bảo đủ độ dày vỏ, hệ thống ống mủ phát triển hoàn chỉnh. Vấn đề quản lý qui hoạch vỏ cạo thực hiện đúng quy trình. Ngoài ra, phải bố trí công nhân theo trình độ tay nghề phù hợp cho từng nhóm cây để đảm bảo cạo đúng kỹ thuật theo yêu cầu. Kiểm soát công nhân bôi thuốc kích thích, tuyệt đối không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc”, ông Tài cho biết.

Chế độ ưu đãi cho công nhân cạo tận thu

Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, năng suất, sản lượng của công ty cao và duy trì trong thời gian dài, có yếu tố áp dụng các biện pháp khai thác hết tiềm năng trên vườn cây nhóm III và cạo tận thu. “Từ năm 2011 đến nay, công ty đã cải tiến công cụ và phương thức khai thác, kết quả cạo tận thu khá cao, bình quân mỗi năm trên 2,1 tấn/ha”, ông Hạnh nói.

Để tận thu hết tiềm năng sản lượng trên vườn cây nhóm III và vườn cây thanh lý, công ty chọn những công nhân có sức khỏe tốt, lành nghề và có kinh nghiệm. Số công nhân này còn được huấn luyện kỹ thuật, kỹ năng khai thác miệng cạo cao, tận thu hết mủ, tránh lãng phí vỏ cạo, thất thu sản lượng trước khi thanh lý.

Tùy theo mật độ cây cạo còn lại và độ cao miệng cạo, công ty phân chia số cây trên phần cạo không quá 250 cây đối với vườn cây nhóm III và không quá 200 cây đối với vườn cây cạo tận thu.

“Bên cạnh việc cải tiến phương pháp và dụng cụ làm việc, trên vườn cây thanh lý, để khai thác tối đa sản lượng nhất thiết phải có chế độ ưu đãi về đơn giá tiền lương cho công nhân. Công ty thực hiện đơn giá tiền lương cho công nhân cạo tận thu, làm việc trong điều kiện lao động khó khăn, nặng nhọc cao hơn 30% so với đơn giá tiền lương cạo vườn cây nhóm I, nhóm II. Vì để thu được 1 kg mủ qui khô vườn cây tận thu, công nhân phải hao tốn công sức gấp đôi so với cạo cây nhóm I và II. Đó còn chưa kể, ngoài việc cạo mủ, công nhân còn phải thực hiện bôi thuốc kích thích, thay dây dẫn mủ…”, ông Tài cho hay.

Bài, ảnh: Phan Thắng