CSVN – Hưởng ứng chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ LĐVN), Công đoàn (CĐ) cơ sở đã gởi 500 sáng kiến, cải tiến về CĐ CSVN. Tạp chí CSVN xin giới thiệu đến bạn đọc 4 sáng kiến tiêu biểu được chọn gởi TLĐ LĐVN xét chọn tuyên dương.
Hệ thống thiết bị liên hợp 4 trong 1: Thực hiện tái canh đạt hiệu quả cao
Anh Phạm Ánh Phương – Tổ trưởng Tổ cơ giới TCT Cao su Đồng Nai được xem là một “cây sáng kiến” trong lĩnh vực cải tiến, chế tạo máy móc thiết bị cơ giới hóa trên vườn cây. Từ kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành cao su, anh đã có nhiều giải pháp ứng dụng máy móc giúp tiết giảm lao động thủ công, đẩy nhanh tiến độ hoàn tất công việc tái canh, giúp TCT hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tái canh trước thời hạn với vườn cây đạt chất lượng cao. Từ thực tế của TCT, anh cùng các thành viên Tổ cơ giới đã mày mò, nghiên cứu và thiết kế chế tạo hệ thống thiết bị liên hợp 4 trong 1 (phá thành hố khoan, đảo trộn phân, lấp hố và lên luống hàng trồng cây cao su), hệ thống này được ứng dụng trong mùa tái canh năm 2020 của TCT.
Hệ thống liên hợp đã đem lại hiệu quả lớn cả về kỹ thuật và kinh tế. Cụ thể, về mặt kỹ thuật, dàn chảo cày không lật đất nhằm giảm thiểu việc xới xáo ảnh hưởng đến cấu trúc đất. Sử dụng cày ngầm một trụ có thể cày đến độ sâu 40cm tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển. Phương pháp này giúp giảm công đoạn cày phục hoang, thay vào đó là cày ngầm trên hàng trồng, phần diện tích còn lại sẽ được thực hiện khi trồng thảm phủ hoặc cày chăm sóc theo quy định.
Về mặt lao động, công suất thiết bị có thể thực hiện 15 ha/ngày với 4 công đoạn đều được thực hiện 1 lần nhờ vào hệ thống liên hợp này nên có thể thay thế cho khoảng 30 lao động thủ công, giúp TCT chủ động thời vụ trồng kết thúc trước 31/7 hàng năm.
Năm 2020, TCT tái canh hơn 1.226 ha, khi sử dụng thiết bị này trên vườn cây sẽ giúp TCT tiết kiệm được 1.025.573 đồng/ha so với trước đây. Do đó, TCT đã tiết kiệm được gần 1,2 tỷ đồng trong công tác tái canh năm vừa qua. Hiện nay, TCT tiếp tục sử dụng thiết bị liên hợp để đẩy nhanh tiến độ tái canh chất lượng, hiệu quả trong năm 2021.
Lợi ích kép từ “Giúp nhau trở thành thợ giỏi”
Trăn trở với việc làm thế nào để nâng cao tay nghề cho NLĐ, trên cương vị là Chủ tịch CĐ Cao su Chư Prông, anh Trần Văn Tiến đã có sáng kiến phát động, tổ chức phong trào “Giúp nhau trở thành thợ giỏi” trong công nhân khai thác cao su.
Theo đó, trước mùa vụ khai thác, CĐ công ty giao cho CĐ mỗi đơn vị lựa chọn tay nghề kém, trung bình những năm trước và các tháng liền kề sau đó tuyên truyền, vận động cán bộ CĐ cơ sở, cán bộ kỹ thuật nông trường, tổ trưởng, NLĐ có tay nghề khá giỏi xung phong hưởng ứng nhận giúp đỡ các trường hợp có tay nghề kém, trung bình. Phong trào được phát động từ tháng 6 hàng năm, căn cứ vào kết quả 3 tháng cuối năm của người được giúp đỡ nếu tay nghề nâng lên khá, giỏi thì người giúp đỡ sẽ được khen thưởng, mà người phấn đấu cũng được khen thưởng, khích lệ.
Phong trào này góp phần nâng cao tay trình độ tay nghề cho công nhân khai thác năm sau cao hơn năm trước. Bình quân năm 2020, công nhân có tay nghề khá giỏi đạt 78,62%, so với năm 2018 tăng 8,62%, so với năm 2019 tăng 3,66%.
Trong năm 2019, 2020 có 219 công nhân được giúp đỡ tương ứng với sản lượng mủ tăng lên 180.675kg. Với đơn giá bình quân của công ty là 31.500đ/kg thì phong trào đã giúp cho công ty tăng mức tiền lương tương ứng cho NLĐ hơn 5,6 tỷ đồng. Không chỉ giúp cho NLĐ tăng thêm thu nhập, phong trào đã góp phần cho công ty hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2019, công ty về đích trước 20 ngày (vượt hơn 7% kế hoạch), năm 2020 về đích trước 15 ngày (vượt 6,5% kế hoạch được giao).
Tiết kiệm 290 triệu đồng/tháng nhờ sử dụng tràm bông vàng
Sáng kiến “Sử dụng nguyên liệu 100% tràm bông vàng cho sản xuất ván MDF Carb, E1” của anh Dương Tấn Thanh – Phó TGĐ Công ty CP gỗ MDF VRG Kiên Giang đã giúp cho công ty tiết kiệm 290 triệu đồng/ tháng so với việc sử dụng nguyên liệu bạch đàn.
Trước đây khi sản xuất gỗ Carb, E1, công ty sử dụng 100% gỗ bạch đàn, tuy nhiên những tháng cuối năm 2020, nguồn gỗ bạch đàn khan hiếm không đủ sử dụng cho sản xuất. Trong khi đó nguồn gỗ tràm bông vàng nhiều, sử dụng ít gây tồn kho bãi. Việc sử dụng phối trộn tràm bông vàng với các nguyên liệu khác để sản xuất gỗ Carb, E1 như keo lai, bạch đàn, tràm nước gây nên tình trạng chất lượng ván thiếu ổn định, sợi thô nhiều trên mặt ván thành phẩm, độ trương nở của ván tăng cao gây tốn sơn, tốn keo để duy trì liên kết nội của ván do gỗ tràm bông vàng có tỷ trọng, PH khác với nhóm nguyên liệu còn lại.
Để giải quyết vấn đề mất cân đối nguồn nguyên liệu gỗ, anh đã thay thế công thức gỗ ván Carb và E1 từ gỗ bạch đàn thành 100% gỗ tràm bông vàng. Đồng thời điều chỉnh lại bộ thông số sản xuất phù hợp với sự thay đổi nguyên liệu nhưng vẫn giữ được sản xuất, chất lượng. Kết hợp điều chỉnh tăng áp nấu và thời gian nấu dăm đã hỗ trợ giảm tỷ lệ sợi thô, tăng tỷ lệ có kích thước đạt tương đương như sử dụng gỗ bạch đàn.
Việc sử dụng 100% tràm bông vàng cho dòng Carb, E1 giúp hạn chế thay đổi tỷ trọng sợi, PH sợi, tạo sự ổn định trong quá trình sản xuất ván, chỉ tiêu liên kết nội, độ trương đạt tiêu chuẩn công bố. Gỗ có bề mặt bóng, sáng tương đương công thức 50% KL + 50% BD.
“Tình ca Dòng nhựa trắng” – Ngợi ca vẻ đẹp của đất và người cao su
“Tình ca Dòng nhựa trắng” là 14 bài thơ do nhà thơ Thanh Hiếu (tên thật là Phan Mạnh Hùng) sáng tác và được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc, được viết từ năm 2013 đến năm 2021. Là tác phẩm thơ, nhạc ca ngợi đất nước, người, rừng cao su trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, ca ngợi truyền thống ngành cao su, tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, ca ngợi các thế hệ NLĐ VRG đã cống hiến dựng xây VRG phát triển.
3/14 tác phẩm trong “Tình ca Dòng nhựa trắng” đã đạt giải thưởng cao tại các cuộc vận động sáng tác âm nhạc chào mừng 90 năm truyền thống ngành, nhiều tác phẩm được dàn dựng hát múa hoành tráng trong các chương trình lễ kỷ niệm, hội nghị lớn của VRG và các đơn vị.
“Tình ca Dòng nhựa trắng” tập hợp các ca khúc có bố cục gọn gàng, vẻ đẹp trong trẻo, trữ tình, giai điệu đẹp dễ đi vào cuộc sống, nuôi dưỡng tình yêu của NLĐ với ngành với đời, mang đến cho người nghe những xúc cảm mới mà vẫn giữ được vẻ đẹp, nét tươi tắn và nồng hậu.
Trong báo cáo đề tài sáng kiến, tác giả Thanh Hiếu viết: “Văn nghệ là một nhu cầu cần thiết đối với công nhân cao su, nếu chúng ta tạo những sân chơi lành mạnh để “khơi thông dòng chảy”, nếu được động viên khích lệ đúng mức thì NLĐ sẽ sáng tạo hơn nữa và góp phần làm cho phong trào văn hóa văn nghệ trong ngành được lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy thi đua lao động sản xuất tốt hơn, mang lại hiệu quả hơn”.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Tất cả vì người lao động
- Cao su Kon Tum: Sản xuất kinh doanh thuận lợi, chăm lo chu đáo người lao động
- “Cây cao su không phải là cây có hại với môi trường”
- MDF VRG Kiên Giang: lợi nhuận trước thuế đạt 104% kế hoạch
- Hạnh phúc khi được quan tâm và yêu thương!
- Sáng kiến đơn giản, hiệu quả của July
- Vinh danh 112 tập thể có vườn cây năng suất, chất lượng
- Phòng trị bệnh phấn trắng tốt là cơ sở để giữ vững và nâng cao năng suất vườn cây
- "Các công ty cao su tại Lào tăng cường mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào"
- Công ty TNHH cao su Việt Lào được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới