Chuyển đổi xanh là cơ hội lớn, lâu dài cho ngành gỗ

CSVN – Ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Thế nhưng năm 2023 do ảnh hưởng của xung đột thế giới, lạm phát toàn cầu tăng cao, các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam tiếp tục thắt chặt. Kết quả là kim ngạch xuất khẩu đã giảm 15,4% so với 2022, chỉ đạt 14,5 tỷ USD.

Ông Trần Công Kha – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG cùng lãnh đạo VRG thăm nhà máy chế biến gỗ Công ty CP Gỗ MDF VRG Kiên Giang. Ảnh: Vũ Phong

Với 16 công ty chế biến gỗ thuộc VRG, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh gây khó khăn cho hoạt động của các đơn vị. Sản lượng gỗ các loại năm 2023 của Tập đoàn đạt 1.110.657 m3 (bằng 80,9% kế hoạch); doanh thu các công ty gỗ đạt 5.399 tỷ đồng. Trong 5 năm (2019 – 2023) tốc độ tăng trưởng sản lượng sản xuất ngành gỗ ở mức trung bình.

Để vượt qua “cơn bão” khó khăn kinh tế và lạm phát toàn cầu, các công ty gỗ đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp như thay đổi mẫu mã đa dạng, mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ… nhằm biến những bất lợi thành cơ hội, những nguy cơ thành thời cơ. Song song đó, kiện toàn nội lực để có thể sẵn sàng đón đơn hàng khi thị trường phục hồi. Một trong những điều kiện mới mà thị trường đang đòi hỏi cấp thiết là tính bền vững trong sản phẩm – là điều kiện bắt buộc; do đó chuyển đổi xanh chính là con đường để có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh. Cơ chế điều chỉnh biên giới các bon do Ủy ban châu Âu đề xuất có hiệu lực từ tháng 10/2023, hàng hóa nhập khẩu vào thị trường châu Âu sẽ phải chịu thêm chi phí, nếu không chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ các bon. Bên cạnh đó, EU sẽ chính thức áp dụng Quy định chống mất rừng và suy thoái rừng vào tháng 12/2024 trong đó có nhóm ngành cao su, đây sẽ là vấn đề tác động rất lớn đến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tương lai.

Năm 2024, VRG đặt mục tiêu sản lượng sản xuất gỗ các loại 1.247.012 m3, cao hơn 12,3% so năm 2023. Mặc dù có tín hiệu phục hồi tích cực, nhưng ngành gỗ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và đà tăng trưởng của ngành gỗ vẫn còn nhiều cản trở bởi nền kinh tế toàn cầu vẫn yếu và lạm phát kéo dài trong bối cảnh rủi ro khó lường. Để giải quyết thực trạng khó khăn, thách thức hiện nay, các công ty gỗ Tập đoàn cần phải nỗ lực hơn nữa để thích ứng linh hoạt, đồng thời xác định đúng thế mạnh, khắc phục điểm yếu, không ngừng củng cố năng lực và đẩy mạnh chuyển đổi xanh để sớm quay lại đà tăng trưởng.

TUỆ LINH