Chuyện làm dân vận ở Nông trường K’dang

CSVN – Diện tích Nông trường K’dang (Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang) trải rộng trên 16 thôn, làng nên công tác sản xuất, quản lý gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chú trọng thực hiện tốt công tác dân vận đã góp phần cho nông trường hoàn thành sản lượng sớm những năm gần đây.

Quang cảnh hội nghị già làng thôn trưởng ở Nông trường K’dang.
Tích cực bám làng

Dẫn chúng tôi đi vòng quanh làng H’náp, làng T’leo, vừa đi anh Trần Thanh Trung – Giám đốc Nông trường K’dang vừa cho biết: “Nông trường đang quản lý cao su ở 16 thôn, làng, trong đó 12 làng có đến hơn 90% là đồng bào các dân tộc Bana, Jarai, diện tích trải rộng trên 6 xã của 2 huyện Đăk Đoa và Mang Yang. Địa bàn rộng nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý cả trên vườn cây lẫn con người trong nhiều năm qua”.

Đó là bất đồng về ngôn ngữ, trình độ dân trí thấp, tập quán sinh hoạt và chăn thả gia súc tự do, an ninh trật tự còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, trộm cắp mủ, tình trạng lấn chiếm đất xảy ra liên miên. Trước thực trạng đó, ban lãnh đạo nông trường xác định cần tập trung thực hiện tốt công tác dân vận trong các bản làng có ít người làm công nhân cao su.

Anh Trung nhấn mạnh: “Nhìn thấy được vấn đề, chúng tôi đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục, trong đó xác định công tác dân vận là yếu tố quyết định thành bại trong việc tổ chức sản xuất của nông trường”.

Rồi anh chia sẻ “chiêu” khi đi làm dân vận: “Chúng tôi xác định phải ăn, ở cùng với bà con. Nhiều khi chỉ có đĩa lòng lợn với lít rượu đế vẫn phải ngồi tới cùng với già làng, với bà con để nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân trong làng. Hàng tuần, hàng tháng cũng cố gắng kiếm chút mồi, lít rượu vào nhậu với già làng, thông qua đó tác động đến già làng tích cực tuyên truyền, vận động bà con, nhất là thanh niên trong làng chịu khó làm ăn, hạn chế tụ tập đông người uống rượu quá chén gây mất an ninh trật tự”.

Cùng với đó, nông trường cũng thường xuyên tổ chức giao lưu VHVN – TDTT vào các dịp lễ, Tết, tặng bóng lưới và chơi bóng với thanh niên trong làng, hỗ trợ bà con làm nhà, giúp bà con làm kinh tế để từng bước thay đổi cách nghĩ, cải thiện tình đoàn kết. Công việc này được giao cho các tổ trưởng và xem đây là việc làm thường xuyên, luôn bám sát già làng, chức sách trong làng.

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện 3 cùng là “cùng ăn – cùng ở – cùng làm”, nông trường cũng gặp khá nhiều khó khăn, đó là sự thiếu hợp tác của một số thanh niên, sự bất đồng ngôn ngữ tạo rào cản để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nội quy của đơn vị cũng như những quyền lợi khi làm công nhân cao su…

Biết đó là khó khăn, nhưng vì mục tiêu là ổn định sản xuất, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, thuyết phục bà con đi làm công nhân, từng bước thoát nghèo nên dù vất vả, khó nhọc đến đâu, ngày hay đêm mỗi khi trong làng có việc nông trường đều cử người đến tận nơi thăm hỏi ân cần. Đồng thời tìm cách tháo gỡ khó khăn, giúp đỡ bà con nhanh chóng khắc phục sự cố, sớm vượt qua khó khăn. Chính những điều đơn giản ấy, các anh đã tạo và củng cố được niềm tin với bà con trong từng thôn làng.

Ông Ngơp (đứng) – Già làng Làng H’náp, xã K’dang hướng dẫn 2 người già trong làng chẻ tiêu phục vụ cho công tác tái canh năm 2021 của Nông trường K’dang.
Nơi gửi gắm niềm tin

Trong không khí vui tươi, hồ hởi tại hội nghị già làng, thôn trưởng được tổ chức tại nông trường vào đầu tháng 4/2021, chúng tôi có dịp hỏi chuyện 12 già làng cùng 4 trưởng thôn, chia sẻ những tâm tư, tình cảm của bà con dân làng với nông trường cao su, với chính quyền địa phương.

Ông Bơih, già làng của làng Đak Pơ Nan, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, cho biết: “Lúc trước thanh niên trong làng mình cũng đi làm công nhân nhiều, nhưng vài năm gần đây giá mủ cao su thấp, lương cũng thấp nên không ít người bỏ đi mấy tỉnh xa xa tìm việc ở khu công nghiệp, trong làng giờ còn người lớn tuổi làm là chủ yếu, bà con khổ lắm, thanh niên quay về làng muốn xin làm công nhân lắm, nhưng xấu hổ”.

Còn ông Duch, già làng của làng Aluk, xã K’dang, huyện Đăk Đoa thì cho hay: “Mấy năm trước nông trường thanh lý vườn cây, trồng lại nhiều diện tích cao su nên không đủ vườn cây cho dân làng đi làm. Bà con chuyển sang chăm sóc cao su thì thu nhập không đủ ăn trong khi nương rẫy thì bà con không có nên đi chỗ khác tìm việc làm, nhưng không được ổn định lại quay về làng, mong muốn có được công việc như lúc trước lắm”.

Trong hội nghị ấy rất nhiều già làng đều phát biểu ý kiến ghi nhận và cảm ơn công ty cao su, Nông trường K’dang đã có nhiều sự hỗ trợ, đóng góp giúp bà con dân làng làm đường đi, xây lại cái nhà, chỉ cách làm nương rẫy, ruộng lúa đạt năng suất cao… Và mong muốn công ty, nông trường tiếp tục ưu tiên giải quyết việc làm cho thanh niên trong làng để tránh tình trạng theo lời kẻ xấu xúi giục, làm việc phạm pháp gây mất an ninh trật tự.

VĂN VĨNH