Đảm bảo quyền lợi cho người lao động

CSVN – Để người lao động hiểu rõ thêm về quyền lợi của mình khi 19 nghề, công việc trong ngành cao su được bổ sung vào Danh mục nghề có yếu tố NNĐHNH của Thông tư 11/2020/TT – BLĐTBXH, phóng viên Tạp chí CSVN đã có buổi trao đổi với ông Trần Khắc Chung – Trưởng ban Lao động Tiền lương VRG về những nội dung cụ thể xung quanh vấn đề này.

Ông Trần Khắc Chung – Trưởng ban Lao động tiền lương VRG (ngoài cùng bên phải) trao giải cho các đơn vị tại Hội thi ATVSLĐ khu vực Đông Nam bộ năm 2020. Ảnh: Vũ Phong

– Xin ông cho biết sự cần thiết về việc bổ sung các nghề, công việc của ngành cao su vào Danh mục nghề có yếu tố NNĐHNH trong Thông tư 11/2020/ TT – BLĐTBXH?

Ông Trần Khắc Chung: Nghề, công việc NNĐHNH có liên quan mật thiết đến chế độ an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), thời giờ làm việc, nghỉ ngơi và chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) như nghỉ hưu trước tuổi, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp …

– Tại Điều 169 Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 ghi rõ:

+ Tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam, đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam, 04 tháng đối với lao động nữ.

+ NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt NNĐHNH; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định.

Danh mục nghề, công việc NNĐHNH và đặc biệt NNĐHNH được Bộ LĐTBXH xây dựng và ban hành từ năm 1996, được cập nhật, bổ sung qua nhiều năm cho đến nay. Trải qua nhiều giai đoạn biến động, thay đổi về chế độ chính sách nên có các vấn đề phát sinh liên quan đến Danh mục nghề này, chủ yếu là 2 vấn đề nổi bật như sau:

– Nhóm các nghề, công việc của ngành cao su đã được ban hành từ năm 1996, được lồng ghép vào Chương “Nông – Lâm nghiệp”, trong đó chỉ có một số nghề, công việc chính như khai thác mủ cao su được quy định rõ ràng, còn các nghề, công việc khác thường phải vận dụng từ các nghề, công việc có tên gọi khác, ví dụ công việc “chăm sóc cây cao su” phải vận dụng từ “Khai hoang, làm đất, trồng, chăm sóc cây rừng và cây công nghiệp”… khiến cho cách ghi chức danh nghề, công việc trong sổ bảo hiểm không thống nhất với cách gọi tên trong Danh mục, làm cho việc áp dụng hưởng chế độ nghỉ hưu, bồi dưỡng độc hại tại các đơn vị không được đồng bộ và thống nhất.

Ngoài các nghề, công việc chủ đạo của ngành cao su đã được quy định từ năm 1996 thì hiện nay VRG mở rộng thêm ngành nghề nên phát sinh thêm nhiều nghề, công việc có yếu tố NNĐHNH. Tuy nhiên những nghề, công việc này chưa được bổ sung vào Danh mục nghề khiến cho quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng. Từ các nội dung nêu trên, việc bổ sung các nghề, công việc của ngành cao su vào Danh mục nghề, công việc có yếu tố NNĐHNH rất cần thiết, vừa để đảm bảo chế độ của NLĐ không bị thiệt thòi, vừa giảm bớt số lượng khiếu nại, thắc mắc của NLĐ liên quan đến chế độ chính sách, vừa tăng cường khả năng đồng bộ hóa, thống nhất về chế độ chính sách cho NLĐ trong VRG nói riêng và ngành cao su nói chung.

Việc 19 nghề, công việc được chính thức đưa vào Danh mục nghề trong Thông tư 11/2020/TT – BLĐTBXH sẽ đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, không còn tình trạng cơ quan BHXH tại một số địa phương gây khó khăn, từ chối do không có tên, hoặc đang vận dụng theo tên của 1 nghề, công việc khác gần giống.

– Trong quá trình kiến nghị lên các cấp về việc đưa các nghề, công việc của ngành cao su vào Danh mục này, VRG có gặp khó khăn không, thưa ông?

Ông Trần Khắc Chung: VRG luôn quan tâm đến quyền lợi của NLĐ nói chung, trong đó có nội dung liên quan vấn đề xây dựng Danh mục nghề, công việc NNĐHNH và đặc biệt NNĐHNH cho NLĐ. Khi Bộ luật Lao động 2012 được ban hành, VRG đã theo dõi Danh mục nghề, công việc NNĐHNH và thường xuyên có các đề xuất, kiến nghị lên Bộ LĐTBXH, Bộ NN & PTNT để bổ sung. Trong quá trình này, vấn đề khó khăn nhất là Bộ LĐTBXH chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể nào về quy trình xây dựng, điều chỉnh, bổ sung (cơ quan, đơn vị nào có quyền quan trắc và khảo sát, thủ tục hồ sơ ra sao …) do dự thảo Thông tư hướng dẫn (xây dựng năm 2014) đến thời điểm này chưa được ban hành.

Quá trình VRG kiến nghị bổ sung nghề, công việc của ngành cao su vào danh mục này được tiến hành từ năm 2014.

Tập đoàn đã có Công văn số 2108, ngày 21/7/2014, đề nghị bổ sung nghề, công việc vào Danh mục nghề, công việc NNĐHNH gửi Bộ LĐTBXH và Bộ NN & PTNT.

Ngày 1/8/2014, Bộ NN & PTNT đã có Công văn số 6146 trả lời đề nghị bổ sung nghề, công việc NNĐHNH. Nội dung ghi rõ: “Ngày 6/6/2014, Bộ LĐTBXH đã có dự thảo Thông tư hướng dẫn phương pháp xây dựng Danh mục nghề NNĐHNH”. Tuy nhiên đến nay, Thông tư vẫn chưa được ban hành, do vậy Bộ NN & PTNT chưa có cơ sở để xem xét, đề nghị bổ sung nghề, công việc vào Danh mục nghề NNĐHNH cho VRG”.

  • Tập đoàn tiếp tục gửi Công văn số 661, ngày 22/3/2016 để góp ý dự thảo Danh mục nghề, công việc NNĐHNH.
  • Trong cuộc đối thoại năm 2017 về công tác ATVSLĐ, Bộ LĐTBXH đã tiếp thu 2 ý kiến của VRG.

+ Bổ sung phương pháp mới để xác định nghề, công việc NNĐHNH.

+ Ban hành 1 văn bản hợp nhất Danh mục nghề NNĐHNH (là tiền đề cho Thông tư 11/2020/TT- BLĐTBXH sau này). Ngày 10/7/2019, VRG có Công văn số 2056/CSVN – LĐTL đề xuất xây dựng riêng chương cho ngành cao su và đưa vào chương này 19 nghề, công việc. Đây cũng là tiền đề cho việc triển khai thực hiện công tác bổ sung nghề, công việc vào Danh mục nghề NNĐHNH vào năm 2020.

VRG đã thống nhất với Cục An toàn lao động giao cho Ban Lao động Tiền lương VRG phối hợp trung tâm Huấn luyện ATVSLĐ triển khai các phương pháp xác định nghề, công việc NNĐHNH. Từ đó các nghề, công việc thuộc ngành cao su có chương riêng trong Thông tư 11/2020/TT – BLĐTBXH nhằm đáp ứng được quyền lợi NLĐ khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực.

Phun thuốc bảo vệ thực vật vườn cây cao su là một trong 19 nghề, công việc của ngành cao su có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trong ảnh: Công nhân đang pha chế thuốc phun phòng bệnh phấn trắng. Ảnh: Văn Vĩnh

– NLĐ trong Danh mục nghề có yếu tố NNĐHNH sẽ có quyền lợi, chế độ như thế nào?

Ông Trần Khắc Chung: NLĐ làm nghề, công việc NNĐHNH và đặc biệt NNĐHNH sẽ được hưởng những chế độ chính gồm:

  • Giảm tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 Bộ Luật lao động năm 2019
  • Hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật.
  • Giảm thời giờ làm việc.
  • Được tăng số lần khám sức khỏe và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
  • Giải quyết được tình trạng không còn cơ quan BHXH tại một số địa phương gây khó khăn, từ chối giải quyết chế độ cho NLĐ do không có tên, hoặc đang vận dụng theo tên của 1 nghề, công việc khác gần giống.
  • VRG đã hướng dẫn các đơn vị thực hiện Thông tư này như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, thưa ông?

Ông Trần Khắc Chung: Do tình hình dịch bệnh Covid – 19 phức tạp, VRG không tổ chức tập huấn Bộ Luật lao động và các Nghị định, Thông tư liên quan đến quyền lợi, chế độ chính sách của NLĐ, vì vậy ngày 23/2/2021 VRG đã ban hành công văn số 376/ CSVN – LĐTL về việc triển khai các nội dung liên quan đến Nghị định 145/2020/NĐCP, thông tư số 10/TT- BLĐTBXH và thông tư số 11/TT – BLĐTBXH một cách chi tiết.

VRG yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, bổ sung các nghề, công việc có yếu tố NNĐHNH còn thiếu để đề xuất Bộ LĐTBXH cập nhật, bổ sung vào Danh mục nghề NNĐHNH định kỳ hàng năm nhằm đảm bảo quyền lợi và chế độ cho NLĐ.

  • Xin trân trọng cảm ơn những trao đổi của ông về vấn đề này!

QUỲNH MAI (thực hiện)