Cần quy định cụ thể, phù hợp về tuổi nghỉ hưu của lao động đặc thù

CSVN – Trước việc Bộ Luật Lao động (sửa đổi năm 2019) tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động liệu có ảnh hưởng đến tuổi nghỉ hưu của công nhân cao su hiện tại hay không, Tạp chí CSVN ghi nhận ý kiến của Ban Lao động Tiền lương VRG và Công đoàn Cao su VN.
Ông Trần Khắc Chung – Trưởng Ban Lao động Tiền lương VRG
Ông Trần Khắc Chung – Trưởng Ban Lao động Tiền lương VRG

Ông Trần Khắc Chung – Trưởng Ban Lao động Tiền lương VRG: “Cần nghiên cứu ban hành các văn bản dưới luật cụ thể hơn để áp dụng phù hợp với từng ngành, nghề”

Theo tôi ngoài những tác động tích cực đến NLĐ nói chung thì Bộ Luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 vẫn có điều khoản chưa phù hợp với công nhân lao động ngành cao su, cụ thể là tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ:

Tại Điều 169 Bộ Luật Lao động 2019 nêu rõ: Tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam; đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi mỗi năm tăng thêm 3 tháng với lao động nam; 4 tháng với lao động nữ.

So với hiện nay theo Bộ Luật Lao động 2012 thì tuổi nghỉ hưu của NLĐ đã tăng lên đáng kể. Theo ý kiến của các chuyên gia thì khi tăng tuổi nghỉ hưu cũng là một giải pháp về lực lượng lao động trong điều kiện tốc độ già hóa cao để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ đem lại lợi ích trước hết cho sự bền vững của Quỹ hưu trí. Thứ hai, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ cho phép có thêm thời gian đóng góp bảo hiểm xã hội, nghĩa là NLĐ có thể được nhận lương hưu cao hơn và do vậy cuộc sống khi về già sẽ tốt hơn.

Đối với ngành nghề có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì tại nội dung của Luật Lao động mới  có quy định: “Riêng người bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể nghỉ hưu trước không quá 5 tuổi”. Như vậy so với Luật Lao động 2012 và Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì thời gian nghỉ hưu của NLĐ sẽ kéo dài thêm.

Trước đây tại khoản b Điều 54 Luật BHXH 2014 có quy định: “NLĐ làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 55 tuổi đối với nam và đủ 50 tuổi đối với nữ”.

Tuy nhiên đối với công nhân ngành cao su là ngành sản xuất nông nghiệp, ngành nghề có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm việc kéo dài tuổi nghỉ hưu có những điểm không phù hợp như sau:

NLĐ không đủ sức khỏe để lao động đến tuổi nghỉ hưu theo quy định vì môi trường lao động chủ yếu là ngoài trời, sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, thao tác cạo và trút mủ hao tốn nhiều sức lao động nên sức khỏe mau giảm sút. Năng suất lao động sẽ giảm dần theo độ tuổi do thao tác lao động thủ công là chủ yếu dẫn đến tiền lương và thu nhập giảm (Người lớn tuổi không thể lấy kinh nghiệm để bù đắp năng suất như các ngành áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thay thế lao động thủ công). Thêm vào đó, nếu vì lý do sức khỏe phải nghỉ hưu sớm thì tỷ lệ giảm trừ tiền lương khi nghỉ hưu sẽ nhiều hơn.

Cho nên việc kéo dài tuổi nghỉ hưu theo Luật Lao động mới thì Chính phủ và các Bộ ngành liên quan cần nghiên cứu ban hành các văn bản dưới luật cụ thể hơn để áp dụng theo tính chất của từng ngành, nghề trong xã hội nhằm đáp ứng được mục đích: Đảm bảo quyền lợi người lao động, đảm bảo lực lượng lao động (vì dân số nước ta đang chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang giai đoạn già hóa dân số); đảm bảo quỹ hưu trí, tử tuất không bị vỡ trong dài hạn; bảo đảm sự không phân biệt đối xử về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như Công ước Cedaw, công ước của ILO và tận dụng được nguồn nhân lực lao động có trình độ, kỹ thuật cao và có kinh nghiệm.

Ông Võ Việt Ngân – Phó Chủ tịch Công đoàn CSVN
Ông Võ Việt Ngân – Phó Chủ tịch Công đoàn CSVN

Ông Võ Việt Ngân – Phó Chủ tịch Công đoàn CSVN: ” Tin tưởng rằng sẽ có quy định cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho người lao động ngành nghề đặc thù”

Bộ Luật Lao động (sửa đổi năm 2019) Quốc hội vừa thông qua có 222 điều, 17 chương. Trong đó, có 10 điểm mới đối với NLĐ và 6 điểm mới đối với người sử dụng lao động.

Hiện nay, xu thế chung của thế giới quy định về độ tuổi nghỉ hưu là mong muốn có sự đóng góp về trí tuệ, kỹ năng của những lao động có nhiều năm kinh nghiệm. Đưa vào xu thế, bối cảnh chung của thế giới thì việc thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2019 là điều cần thiết. Trong Bộ luật có nhiều quy mới có lợi cho NLĐ như lễ Quốc khánh được nghỉ 2 ngày (trong những ngày này, người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương); NLĐ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do mà chỉ cần báo trước theo thời hạn quy định tương ứng với các loại hợp đồng… Tuy nhiên, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu được NLĐ cả nước đặc biệt quan tâm. Xét về nhiều yếu tố thì việc bổ sung, sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2012 trong đó có việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo quy định là điều cần thiết. Bởi vì hiện nay Việt Nam chính thức gia nhập CPTPP, thì cần phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Bộ Luật lao động để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Thứ hai là có thể phát huy tối đa kinh nghiệm, khả năng, chất xám của lực lượng lao động lớn tuổi. Tiếp đến là yếu tố này góp phần cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội của đất nước. Đó là về mặt bằng quy định chung.

Tôi tin tưởng rằng, đối với lao động các ngành, nghề, công việc nặng nhọc độc hại như ngành than, cao su, dệt may… thì Chính phủ, các Bộ ngành sẽ nghiên cứu, ban hành những hướng dẫn, quy định cụ thể về việc tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp để đảm bảo quyền lợi, chính sách cho NLĐ trong lộ trình chung của đất nước.

QUỲNH MAI (GHI)