CSVNO – Ngày 17/3, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã tổ chức Lễ trao Quyết định niêm yết và đưa 4 tỷ cổ phiếu của Tập đoàn CN Cao su VN – Công ty Cổ phần (mã CK: GVR) vào giao dịch. Tổng giá trị chứng khoán niêm yết của cổ phiếu GVR đạt bốn mươi nghìn tỷ đồng, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 11.570 đồng/cổ phiếu, biên độ giao động giá +/-20%.
[wide]youtu.be/JyahGrKsKkM[/wide]Tại buổi lễ, ông Nguyễn Vũ Quang Trung – Phó TGĐ phụ trách Ban Điều hành HOSE, đã trao quyết định niêm yết và chúc mừng phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu GVR. Ông Trung khẳng định HOSE sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ VRG niêm yết trong việc cập nhật các chính sách, quy định dành cho các doanh nghiệp niêm yết và kỳ vọng Tập đoàn sẽ luôn thực hiện nghiêm túc các quy định về chứng khoán và TTCK, đặc biệt là các quy định về công bố thông tin và quản trị doanh nghiệp.
Để mở đầu thời khắc lịch sử của cổ phiếu GVR trước phiên giao đầu tiên, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG cùng đại diện các khách quý đã cùng tham gia Lễ đánh tiếng cồng và thực hiện nghi lễ ghi sổ lưu niệm lưu lại những cảm xúc về sự kiện đầy ý nghĩa ngay trước đại sảnh của HOSE, chính thức thông báo sự xuất hiện của cổ phiếu GVR trên sàn giao dịch HOSE.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG, cho biết: “Sau đúng 2 năm đăng ký giao dịch trên sàn UpCom, đến nay, cổ phiếu GVR chính thức niêm yết trên HOSE, đánh dấu một bước ngoặt trong việc tham gia thị trường chứng khoán, từng bước hướng đến công tác quản trị hiệu quả, tăng cường minh bạch thông tin với các nhà đầu tư và luôn tuân thủ các quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Việc niêm yết cổ phiếu GVR trên HOSE sẽ mang lại nhiều lợi thế cho Tập đoàn, tạo điều kiện tăng tính thanh khoản và thu hút các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn, góp phần nâng cao hình ảnh, thương hiệu và uy tín trên thị trường. Đồng thời cũng là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư, đem lại các giá trị tối ưu, đích thực, xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của quý cổ đông và các nhà đầu tư”.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP, tiền thân là Ban Cao su Nam bộ, đến tháng 4/1975 chuyển thành Tổng Cục Cao su. Qua quá trình hoạt động và phát triển, thay đổi tên gọi, mô hình cùng với bề dày lịch sử, ngày 01/06/2018, Tập đoàn chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP, với mức vốn điều lệ là bốn mươi nghìn tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông của Tập đoàn với tỷ lệ Nhà nước nắm giữ là chủ yếu, chiếm 96,77% vốn điều lệ, do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đại diện nắm giữ. Lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Tập đoàn gồm 5 lĩnh vực chính là: Trồng, khai thác, chế biến cao su; Chế biến gỗ; Đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư trên đất cao su; Sản phẩm công nghiệp cao su; Phát triển nông nghiệp công nghệ cao cùng các lĩnh vực khác.
Năm 2019 mặc dù gặp nhiều khó khăn và thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng với sự nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm của toàn thể người lao động, Tập đoàn đã gặt hái được những kết quả nổi bật. Tổng doanh thu và thu nhập Báo cáo tài chính hợp nhất của toàn Tập đoàn năm 2019 ước đạt 23.139 tỷ đồng, tăng 0,64%% so với năm 2018 và lợi nhuận sau thuế ước đạt 3.991 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 19,71% so với năm 2018. Các khoản nộp ngân sách nhà nước ước đạt 3.188 tỷ đồng.
Trong năm 2019, Tập đoàn đã tổ chức Lễ ký kết quy chế phối hợp và công bố Chương trình Phát triển bền vững với Tổng cục Lâm nghiệp, thỏa thuận hợp tác với tổ chức Oxfam, PanNature; ký hợp đồng tư vấn thực hiện chứng chỉ rừng giữa các đơn vị thành viên của Tập đoàn với Viện Nghiên cứu Lâm sinh và Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp nhiệt đới thuộc Bộ NN&PTNT. Có 10 đơn vị thành viên của Tập đoàn vinh dự được trao chứng nhận đạt tốp 100 Doanh nghiệp phát triển bền vững của năm 2019 do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam trao tặng. Ngoài ra, có 2 đơn vị khác cũng được công nhận đạt chuẩn bền vững. Trong tháng 01 năm 2020, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng và Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng thuộc VRG đã được Tổ chức chứng nhận GFA đánh giá và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo Hệ thống Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS) với tổng diện tích được cấp chứng chỉ là 11.423 ha.
Năm 2020, Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, để làm cơ sở trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 thông qua, với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất là 24.647 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 4.029 tỷ đồng. Cổ tức của Công ty mẹ Tập đoàn năm 2020 dự kiến là 6%.
Tập đoàn quyết tâm triển khai hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất trong giai đoạn tới nhằm phát huy, khai thác tối đa nguồn lực về quỹ đất mà Tâp đoàn đang quản lý, thông qua việc chuyển đổi một phần diện tích sang trực tiếp đầu tư, hoặc liên kết đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, khu phức hợp công nghiệp – đô thị – dịch vụ, các dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án khu công nghiệp chế biến gỗ tập trung, các khu công nghiệp xanh, dự án năng lượng xanh… Các dự án hoàn thành đưa vào vận hành – kinh doanh sẽ đảm bảo gia tăng doanh thu – lợi nhuận cho Tập đoàn, đảm bảo mục tiêu đa dạng hoá nguồn thu, hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững của Tập đoàn trong thời gian tới.
TRẦN HUỲNH – ẢNH: VŨ PHONG
Related posts:
- Tập trung tuyên truyền những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Đảng, Nhà nước...
- Ông Trần Công Kha – UV BTV Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG: ...
- Cao su Phước Hòa chia cổ tức 30%
- Cần chính sách ưu tiên cán bộ trẻ công tác tại Campuchia
- Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, vì sự phát triển bền vững VRG
- Cụm I Campuchia: Nhiều giải pháp vượt khó hoàn thành kế hoạch
- Nông nghiệp tự tin xuất khẩu đạt 50 tỷ USD
- Hơn 60 đại biểu tập huấn nghiệp vụ giải quyết khiếu nại tố cáo
- 120 doanh nhân trẻ VRG tập huấn kỹ năng lãnh đạo
- Đảng bộ VRG: Nghiêm túc thực hiện quy định của các cấp về công tác quản lý cán bộ, quản trị doanh ng...