Do đâu giá thuê đất khu công nghiệp phía Nam tăng mạnh?

CSVN – Báo cáo khảo sát thị trường bất động sản khu công nghiệp (KCN) phía Nam thuộc vùng TP.HCM (gồm TP.HCM và các tỉnh thành lân cận) trong quý II/2019 của Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam cho thấy nhu cầu tăng đã đẩy giá thuê đất KCN trung bình trong quý II/2019 lên mức 95 USD/m²/chu kỳ thuê, tăng 15,8% so với cùng kỳ.
Công ty CP Công nghiệp An Điền đang mở rộng KCN Rạch Bắp giai đoạn 2 thêm 360 ha. Ảnh: Anh Quân
Công ty CP Công nghiệp An Điền đang mở rộng KCN Rạch Bắp giai đoạn 2 thêm 360 ha. Ảnh: Anh Quân
Nhu cầu thuê đất KCN tăng mạnh

Với mức 162 USD/m2/chu kỳ thuê, TP.HCM tiếp tục là thị trường có giá thuê đất và nhà xưởng cao nhất phía Nam. Tiếp theo là Đồng Nai với mức giá thuê 160 USD/m2/chu kỳ thuê. Trong quý II/2019, thị trường KCN phía Nam đạt tổng diện tích đất cho thuê là 25.060 ha.

Nguyên nhân là do quỹ đất hiện tại đã đạt tỷ lệ lấp đầy cao, nguồn cung nổi bật đến từ các giai đoạn tiếp theo của các KCN hiện hữu và/hoặc các KCN mới đã được thiết lập để đưa ra thị trường nhằm tận dụng nhu cầu đang ngày càng tăng.

5 thị trường công nghiệp hàng đầu tại khu kinh   tế trọng điểm miền Nam (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu) đều có tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt được mức cao với 81% trong quý II/2019.

Trong đó, Bình Dương và Đồng Nai tiếp tục là điểm đến được các nhà sản xuất mới thành lập săn đón nhờ có sẵn nền tảng để phát triển sản xuất, bao gồm hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và thủ tục hành chính được thiết lập tốt.

Báo cáo của JLL Việt Nam cho biết, về triển vọng tương lai, sẽ có khoảng 18.290 ha đất đã được định hướng cho phát triển KCN ở khu vực phía Nam, phần lớn nguồn cung tập trung chủ yếu ở các tỉnh Long An, Bình Dương và Đồng Nai. Do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho toàn khu vực, nhất là với Việt Nam.

Ngoài ra, việc Việt Nam nỗ lực mở rộng khu vực thương mại tự do, trong đó mới nhất là Hiệp định thương mại tự do Châu Âu – Việt Nam (EVFTA) vừa được ký kết vào cuối tháng 6/2019, cũng được kỳ vọng sẽ tăng cường sức hấp dẫn của thị trường công nghiệp Việt Nam, thúc đẩy nhu cầu đối với bất động sản công nghiệp trong nước.

Liên tục mở rộng các KCN

Ông Huỳnh Kim Nhựt – TGĐ Công ty CP KCN Tân Bình, cho biết từ đầu năm 2019 đến nay, KCN Tân Bình đã thu hút được thêm 2 dự án (tổng diện tích 5,09 ha, đạt 50,90% kế hoạch năm), nâng lũy kế tổng số dự án đầu tư tại KCN là 59 doanh nghiệp/62 dự án (trong đó 34 dự án trong nước và 28 dự án nước ngoài).

Trong đó, đã có 43 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư trong nước là 1.182 tỷ đồng và vốn đầu tư nước ngoài là 112,78 triệu USD; số dự án đang hoạt động sản xuất là 28 dự án; đang xây dựng nhà máy có 21 dự án; 14 dự án chưa xây dựng. Năm 2019, công ty tiếp tục cho thuê hết phần diện tích còn lại của giai đoạn 1 và thực hiện mở rộng giai đoạn 2 KCN với tổng diện tích 1055,83 ha.

Còn tại KCN Rạch Bắp, tính đến nay, giai đoạn 1 của dự án đã được lấp đầy 100%, thu hút 77 dự án đầu tư, trong đó có 22 dự án trong nước và 55 dự  án nước ngoài. Tổng vốn nhà đầu tư đăng ký tính đến năm 2019 là 5.421 tỷ đồng, giải quyết việc làm trên 8.000 lao động. Tiếp nối thành công của KCN Rạch Bắp giai đoạn 1, để đáp ứng nhu cầu đầu tư và mở rộng sản xuất ngày càng tăng cao của các doanh nghiệp đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế chung.

Công ty Cổ phần Công nghiệp An Điền đang xúc tiến đầu tư giai đoạn 2, mở rộng thêm 360 ha, nâng tổng diện tích KCN Rạch Bắp lên 638,6 ha. Hiện chủ đầu tư đang chuẩn bị các điều kiện để đón nhà đầu tư đến đầu tư xây dựng nhà máy cho giai đoạn 2 của dự án.

PHÚ VINH