Phát huy truyền thống ngành dù ở bất cứ đâu

CSVN Xuân – Dù sinh sau đẻ muộn, nhưng các đơn vị phát triển cao su trên vùng đất mới đã nỗ lực khắc phục khó khăn, gặt hái được một số thành quả bước đầu. Tập thể CBCNVC – LĐ các công ty luôn ý thức phát huy và bồi đắp để giữ vững truyền thống ngành.
Xây dựng truyền thống trên vùng đất mới.
Xây dựng truyền thống trên vùng đất mới.
Phát huy truyền thống nghĩa tình

Là một trong 9 thành viên đầu tiên trong đoàn đặt chân lên vùng dự án Phước Hòa – Kampong Thom (Campuchia), anh Đặng Thanh Lĩnh (Trưởng phòng Tổ chức Lao động Tiền lương) đã trải qua những kỷ niệm khó quên từ ngày đầu gian khó đến những kết quả như hôm nay: Diện tích vườn cây công ty quản lý hơn 7.664 ha, năm 2017 đã đưa gần 2.000 ha vào khai thác.

Anh cho biết: “Việc triển khai các dự án cao su tại nước bạn gặp nhiều trở ngại về thủ tục pháp lý, về tập tục canh tác… Thế nhưng, tôi và anh em luôn tâm niệm, đã nhận nhiệm vụ thì chỉ có tiến lên chứ không lùi bước. Đầu tư cao su tại nước bạn không chỉ có ý nghĩa trong việc phát triển kinh tế ngành, mà còn phát huy truyền thống ngành cao su nghĩa tình, đoàn kết, tô thắm tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng”.

Gần mười năm xa gia đình, đôi lúc anh cũng trăn trở và có nguyện vọng về Việt Nam công tác để được gần gia đình. Nhưng rồi, có vẻ như “tình yêu làm đất lạ hóa quê hương” và “dù công tác ở đâu tôi cũng cố gắng làm việc hết mình, học tập, trau dồi kinh nghiệm để góp chút công sức nhỏ bé vào trang sử hào hùng của ngành cao su Việt Nam”, anh chia sẻ.

Trân trọng những giá trị cha anh để lại

Mỗi người đến với ngành đều là một “cái duyên”. Ngành cao su là ngành đặc thù không giống như những ngành nghề khác. Có thể gọi là “ngành chọn người”. Dù có ít hay nhiều thời gian công tác trong ngành nhưng những cá nhân ấy đều có những đóng góp theo cách của riêng mình để cùng nhau viết tiếp những trang sử thời kỳ phát triển, hội nhập.

Truyền thống ngành đã lật sang trang sử mới khi cây cao su được mở cõi, tiếp tục thay màu áo mới nông thôn, mang đến đời sống ấm no cho người dân. Không chỉ trên đất nước Việt Nam mà ngay cả trên nước bạn, sứ mệnh cao cả ấy một lần nữa được minh chứng qua sự tin tưởng, đồng lòng của người dân bản xứ. Bằng những việc làm thiết thực của người lao động, của ngành cao su, để chính họ cảm nhận sự đổi thay. Đó mới là hạnh phúc!

Trước đây, anh Phan Hồng An (Trưởng phòng Kế hoạch – Xây dựng cơ bản, Công ty CP Quasa – Geruco) công tác tại Công ty Kurabe thuộc tỉnh Bình Dương. Anh đến với ngành cao su, làm việc tại Quasa – Geruco như một “cái duyên” tình cờ. Không chỉ anh mà những anh chị em trong công ty luôn phấn đấu, cống hiến vì sự phát triển của công ty, vì màu xanh cao su trên nước bạn. Chính vì thế, 10 năm qua, có khó khăn nào cũng vượt qua, có gian nan nào cũng chỉ giúp ý chí thêm vững vàng.

Anh bộc bạch:Là một CBCNV của VRG nói chung và nhân viên Công ty Quasa – Geruco nói riêng, bản thân luôn giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của ngành cao su. Cao su là một ngành có giá trị truyền thống lâu đời, chúng tôi, những thế hệ sau luôn trân trọng, tri ân những thế hệ cha anh đi trước đã không nề hà gian khổ, đóng góp to lớn cho sự phát triển của ngành, tô thắm những trang sử vàng chói lọi. Với nền tảng đó, chúng tôi ý thức được trách nhiệm của mình, sẽ làm rạng danh  giá trị bao đời dựng xây. Cao su đã thổi một làn gió mới góp phần cho bà con nơi đây ổn định cuộc sống, đời sống bà con thay đổi thì chúng tôi mới hoàn thành nhiệm vụ”.

Rạng rỡ trên mọi vùng đất

Việc vận động người dân góp đất trồng cao su và thay đổi tập tục canh tác, thói quen làm việc đi đúng giờ, đúng ngày công là một vấn đề khó khăn đối với cán bộ quản lý các công ty cao su miền núi phía Bắc. Địa hình sản xuất phức tạp, chia cắt bởi nhiều khe suối, đồi dốc lớn, thời tiết khắc nghiệt. Đó chỉ là những gì anh Hồ Phi Đảng (Giám đốc NT Mường Chà, Công ty CPCS Điện Biên) đoán định trước khi dấn thân. Trên thực tế còn có những kỷ niệm vui buồn thấm đượm nghĩa tình sẽ gắn bó với anh trong suốt cuộc đời.

Anh chia sẻ: “Chúng tôi vào nhà người dân vận động, cứ mỗi lần đi là phải cùng họ uống rượu cho đến khi say ngất ngây. Nhiều món ăn của bà con lần đầu tôi không quen dùng nhưng phải cố nuốt, như vậy người ta gọi là mới quý người dân bản, mới đồng ý góp đất trồng cao su. Bà con nay đã dần quen với sự có mặt của cây cao su trên vùng cao. Các đơn vị đã dần đưa diện tích vào khai thác, chúng tôi tin tưởng rằng, dù sinh trưởng ở vùng đất khó nhưng rồi cao su sẽ là cây giúp bà con thoát nghèo. Những anh em ở các đơn vị đứng chân ở miền núi phía Bắc sẽ quyết tâm xây dựng công ty phát triển, đồng hành cùng ngành cao su rạng rỡ trên mọi vùng đất”.

Viết tiếp trang sử vẻ vang của ngành trên những vùng đất mới không phải là dễ dàng, bởi còn nhiều trở ngại và không ít thách thức. Ấy thế nhưng dù đi đến đâu thì những giá trị truyền thống ngành cao su trong chiều dài xây dựng và phát triển đều được phát huy đúng như giá trị vốn có, xứng danh Huân chương Sao Vàng.

Quỳnh Mai