CSVN – Gần 100 lao động khai thác là đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của Cao su Bảo Lâm những năm qua. Họ cũng xác định đây là quê hương thứ hai, nơi tạo cho họ một cuộc sống mới với thu nhập ổn định và đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động.
Sẽ về quê xây nhà khang trang hơn
Chúng tôi có mặt tại Cao su Bảo Lâm vào những ngày giáp Tết, lúc này rừng cao su đã dần bước vào mùa thay lá với sắc vàng nhuộm rực cả sườn đồi, tạo nên một khung cảnh thơ mộng không khác gì trời Âu.
Tiếng nói cười của NLĐ sau một năm đơn vị gặt hái nhiều kết quả tốt càng góp phần cho không khí cuối năm thêm rộn ràng hơn. Nhớ lại những năm đầu vườn cây mới đưa vào khai thác, công ty gặp khó khăn trong việc thu tuyển lao động. Nguồn lao động tại địa phương phần đa là người dân tộc Châu Mạ, họ chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, canh tác theo mùa, săn bắn, hái lượm… vì thế rất khó gắn bó với công ty lâu dài.
Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo công ty đã tìm hiểu và chủ động thu tuyển lao động từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào đào tạo để làm công nhân cao su. Hiện nay, công ty có 96 NLĐ trực tiếp. Trong đó, đồng bào dân tộc Mông là 81 người, Tày – Nùng 15 người. Số lao động này hiện đang làm việc có hiệu quả tại đơn vị. Dự kiến lực lượng lao động từ các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ còn tăng trong những năm tiếp theo khi diện tích đưa vào khai thác càng ngày càng lớn.
Vợ chồng anh Hạng Sao Dùng và chị Lù Thị Chứ quê Hà Giang chia sẻ: “Khi vào làm công nhân cao su ở đây, chúng tôi có thu nhập cao hơn so với làm nương rẫy ở quê. Ngoài thời gian trên vườn cây, chúng tôi tranh thủ lúc rảnh rỗi vào rừng tìm rau trái về để cải thiện bữa ăn, tiết kiệm phần nào sinh hoạt phí. Các chế độ chính sách được công ty chăm lo rất tốt, có chỗ ở ổn định, con cái được đi học”.
“Với mức thu nhập khá, vợ chồng tôi dự kiến sẽ xây nhà mới ở quê cho bố mẹ ở khang trang hơn, điều mà trước đây nếu làm việc ở quê chúng tôi không dám mơ đến. Ở quê tôi có nhiều người muốn vào làm, nếu công ty cần tôi sẽ giới thiệu để anh em, bạn bè vào làm chung”, anh Dùng cho biết thêm.
Chăm lo tốt cho NLĐ xa quê
Phần lớn lao động được thu tuyển từ miền núi phía Bắc đều là những người trẻ, những người mới có gia đình nên họ thường đưa cả nhà theo vào để lập nghiệp. Thấu hiểu với những khó khăn của NLĐ ở xa đến, công ty đã kịp thời hỗ trợ, quan tâm chăm lo đời sống của NLĐ, xây dựng khu nhà ở tập thể, mở lớp nuôi dạy trẻ tại địa phương…
Đồng thời, xây dựng quy chế cụ thể về lương thưởng… nhằm bảo vệ lợi ích tốt nhất cho NLĐ. Mức thu nhập bình quân năm 2020 toàn công ty gần 7 triệu đồng/người/ tháng. Chính những điều này đã tạo được niềm tin đối với NLĐ, giúp họ yên tâm làm việc, gắn bó với công ty. Hiện nay, nhiều NLĐ ở miền núi phía Bắc vào làm tại đơn vị sau nhiều năm tích cóp đã có nhà cửa khang trang.
Anh Hà Văn Quyền – Đội trưởng Đội 2 cho biết: “Đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc thích ứng với cuộc sống mới rất nhanh bởi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây khá giống ở quê hương họ. Khi vào đây, họ được hướng dẫn, đào tạo kỹ càng nên nhanh chóng bắt nhịp với công việc mới. Công ty đặc biệt quan tâm các chế độ, chính sách cho NLĐ ở xa đến. Vì vậy, họ đã giới thiệu thêm nhiều lao động mới ở quê vào, giúp cho công ty có đủ lực lượng lao động để ổn định sản xuất”.
VŨ PHONG
Related posts:
- Tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi
- Anh công nhân đa tài ở cao su Dầu Tiếng
- "Cao su luôn là mái nhà chung ấm áp tình người"
- Gia đình 4 thế hệ yêu ngành, yêu nghề
- Bàn tay vàng cao su Phước Hòa nhiều năm liền dẫn đầu về sản lượng
- Công nhân người Campuchia đạt sản lượng gần 17,3 tấn mủ/năm
- Phùng Văn Nghiêm: Đoàn viên trẻ dám nghĩ dám làm
- Tự hào với truyền thống 4 thế hệ công nhân cao su
- Người "có duyên" với danh hiệu Bàn tay vàng
- Niềm tự hào của Kpa Toal
Hay quá a ơi,ace miền tây bắc hãy tin vào công ty vào nơi mình gắn bó để gặt hái được thật nhiều thành công trong năm 2021 nhé