Sáng kiến từ lòng nhiệt huyết

CSVN – Với sáng kiến trong cải tiến phương pháp phun phòng bệnh phấn trắng mang lại hiệu quả cao, ông Lê Khả Liễm – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đã được Tổng LĐLĐ VN công nhận và quyết định cấp bằng Lao động sáng tạo vào tháng 10/2014.
Ông Lê Khả Liễm - TGĐ Công ty TNHH MTV CS Kon Tum (trái) nhận Bằng Lao động sáng tạo do Phó Chủ tịch CĐ CSVN Phan Tấn Hải trao
Ông Lê Khả Liễm – TGĐ Công ty TNHH MTV CS Kon Tum (trái) nhận Bằng Lao động sáng tạo do Phó Chủ tịch CĐ CSVN Phan Tấn Hải trao
Thay đổi đầu phun và thời điểm phun

Năm 2011, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum phải xin điều chỉnh kế hoạch 3.000 tấn, phấn trắng khiến vườn cây không thể đáp ứng được tiến độ khai thác theo kế hoạch. Sau cuộc họp với tổ công tác đặc biệt của VRG, do Phó TGĐ Lê Minh Châu chủ trì về tình trạng phấn trắng trên địa bàn Tây Nguyên vào ngày 24/11/2011, trên cương vị là người đứng đầu, ông Lê Khả Liễm đã bắt tay ngay vào việc triển khai những biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn bệnh phấn trắng trên vườn cây. Một trong số những biện pháp được tiến hành ngay là phun thuốc phòng trị bệnh một cách quyết liệt và triệt để.

Mặc dù vậy, năm 2012 công ty chỉ làm thử nghiệm khoảng 3.000 ha nhiễm bệnh ở mức độ nặng. Tuy làm thử nghiệm, nhưng hiệu quả mang lại hết sức khả quan khi công ty hoàn thành sản lượng được VRG giao trước 22 ngày. Bước sang 2013 ông quyết định thực hiện trên diện tích đại trà 8.000 ha trên tổng diện tích khai thác 9.000 ha. Tuy nhiên, trong quá trình phun thuốc và bón phân, ông Lê Khả Liễm đã nhận ra nhiều thiếu sót cũng như không thể đáp ứng được yêu cầu của công tác phun, nên đã cùng với cán bộ kỹ thuật công ty và các nhà chế tạo máy ngồi lại cùng nhau tìm ra điểm mới nhằm thay thế cho phù hợp hơn.

Sau khi tìm hiểu kỹ cũng như từ kinh nghiệm thực tế, ông đã chỉ ra rằng đầu phun (béc phun) của một số nhà chế tạo máy không thể đáp ứng yêu cầu đối với vườn cây khai thác của công ty, phun không lên ngọn, đầu phun tạo tia nước mà không phải là tạo lớp sương, độ cao bình quân chỉ đạt 20m trong khi chiều cao bình quân của vườn cây cần phun đạt khoảng 26m trở lên. Mặt khác, thời điểm phun mới là yếu tố quyết định. Chính vì thế, thời điểm phun được ông chuyển từ ban ngày sang ban đêm vì khi đó trời lặng gió, hiệu quả phun sẽ đạt tối đa.

Một buổi trình diễn giữa các máy phun để so sánh tính hiệu quả của việc cải tiến đầu phun
Một buổi trình diễn giữa các máy phun để so sánh tính hiệu quả của việc cải tiến đầu phun

Từ những thay đổi ấy, hiệu quả là 8.000 ha cao su kinh doanh bị phấn trắng nặng đã sạch bệnh, vườn cây đưa vào cạo đúng vụ, tất cả diện tích được đưa vào khai thác đầu tháng 4/2013. Sản lượng cũng tăng rõ ràng. Cụ thể khi đạt 20% trong quý II, kết thúc năm 2013 công ty khai thác vượt chỉ tiêu giao 7% (20 ngày).

Thời gian và chi phí giảm đáng kể

Hiệu quả kinh tế cũng cho thấy rõ sau khi sáng kiến được áp dụng, cụ thể: Chi phí phun thuốc phòng trị bệnh phấn trắng và bón phân qua lá đã giảm đáng kể, năm 2012 tổng tiền phun là 1.286.000đ/ha, năm 2013 giảm còn 746.000đ/ha (giảm 540.000đ/ha). Ngoài ra, còn rút ngắn quy trình phun phòng trị bệnh và bón phân qua lá từ 70 ngày năm 2012 xuống còn 40 ngày năm 2013. Tổng chi phí đầu tư cho phun thuốc phòng trị bệnh phấn trắng và bón phân qua lá năm 2012 là 9,4 tỷ đồng thì đến năm 2013 giảm còn 5,9 tỷ đồng, tiết kiệm cho đơn vị trên 3,5 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Khả Liễm cho biết: “Để nâng cao năng suất lao động cho công nhân thì người quản lý phải tìm tòi, nghiên cứu và cải tiến những gì đang có. Để làm được điều này, tôi đã phải huy động mọi nguồn lực có thể trong công ty để anh em phát huy hết khả năng, cùng với các nhà sáng tạo máy móc chỉnh sửa những vấn đề chưa phù hợp với hiện trạng vườn cây, từ đó mới đạt hiệu quả cao nhất”.

Sáng kiến trên đã được VRG ghi nhận và chọn Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum làm nơi tổ chức Hội nghị đầu bờ để các đơn vị trong ngành học tập. Ngoài ra sáng kiến này cũng đã được Hội đồng Khoa học tỉnh Kon Tum công nhận tại Quyết định số 61/QĐ – HĐSK ngày 08/5/2014 và được Tổng LĐLĐ VN công nhận và quyết định cấp Bằng Lao động sáng tạo vào tháng 10/2014.

Bài, ảnh: Văn Vĩnh