“Cả gan” lập nghiệp nơi vùng biên

CSVN Xuân – Sự khởi đầu nào cũng có những gian nan nhưng nếu vượt qua được thì sẽ hái  trái ngọt. Điều này dường như đúng với những gia đình dám “cả gan” vào lập nghiệp nơi vùng biên giới IaH’Drai, tỉnh Kon Tum trong dự án của Công ty CPCS Sa Thầy.
Anh Lương Văn Thắng chăm sóc vườn tiêu của gia đình.
Anh Lương Văn Thắng chăm sóc vườn tiêu của gia đình.
Anh ơi, sao mà xa thế …

Khi nghe tin công ty tuyển công nhân (CN), anh Lương Văn Thắng (NT Suối Cát) đăng ký đi thực tế tại dự án. Từ huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông, anh cùng với anh em trong chuyến đi khởi hành từ 5h sáng đến 8h tối mới đến nơi. Dự án trồng cao su tại huyện Sa Thầy ngày trước (nay là Ia H’Drai) trong trí nhớ của anh là thiếu thốn trăm bề, từ điện, đường đến trường học, mùa khô chạy xe cách nhau 5 – 6m là bụi đường bay mù mịt che khuất tầm nhìn. Qua dự án, dù nơi đây hoang vắng và ít người sinh sống nhưng anh vẫn quyết tâm “cả gan” một phen.

Quyết là làm, cuối năm 2012 gia đình anh dắt díu nhau đến lập nghiệp nơi biên giới mưa lội sình, nắng cháy da này. Lương thực sống qua mùa mưa chỉ trông chờ nông trườn (NT) cho ứng gạo, cá khô. Thấm thoát rồi cái khó cũng được đẩy lùi, 5 năm sau gia đình anh chị “phất” lên trông thấy nhờ cao su, nhờ quyết định táo bạo ngày trước.

Vợ chồng anh Hà Văn Tuấn vui mừng khi  nhà mới đang hoàn thiện kịp đón Tết.
Vợ chồng anh Hà Văn Tuấn vui mừng khi nhà mới đang hoàn thiện kịp đón Tết.

Anh chia sẻ: “Mới đầu công việc hơi bỡ ngỡ, làm cao su dù là kiến thiết cơ bản cũng đều sử dụng máy móc nên phải học. Hai vợ chồng gắng nhận thêm việc thì mỗi tháng cũng thu nhập được 7 triệu. Đến khi cây cho mủ, tôi là người học cạo ở khóa đầu tiên công ty tổ chức. Tháng 11 vừa qua, nhờ siêng năng, kỹ thuật cạo được nâng cao nên thu nhập được 18 triệu cả hai vợ chồng. Công ty còn tạo điều kiện cho CN trồng cây ngắn ngày ở bờ lô hợp thủy, gia đình cũng chăn nuôi thêm. Mỗi năm thu nhập từ kinh tế phụ gia đình được 200 triệu. Ngày lên đây, đi mãi chưa đến nơi bà xã tôi cứ bảo: “Anh ơi sao mà xa thế, em muốn về”. Bây giờ ổn định rồi, chúng tôi không dám nghĩ đời sống gia đình mình có thể khá nhanh đến vậy”.

Nhà lán ngày trước được thay thế bằng nhà gỗ kiên cố, vườn tiêu 600 trụ năm nay cho thu hoạch mùa đầu tiên, quanh năm anh trồng lúa, đậu phộng, chăn nuôi. Hỏi anh, có hối hận khi lên đây không? Anh trả lời: “Tôi chưa bao giờ hối hận, có nhiều người lên 1 – 2 năm không chịu được bỏ về giữa chừng nhưng tôi nghĩ làm gì cũng cần có quyết tâm, cần kiên nhẫn, biết chịu khổ thì mới thành công được”.

Khó khăn ngày đầu kể bao giờ mới hết chuyện

Bao thế hệ gia đình anh Hà Văn Tuấn và chị Hà Thị Sấm – NT Suối Đá đều sinh sống tại vùng núi đá Tai Mèo, Cổ Lũng, Bá Thước, Thanh Hóa. Ở quê có vài ba sào lúa, năm nào thất bát thì không đủ ăn chứ đừng nói đến có của để dành. Một ngày đầu năm 2010, cán bộ huyện về  tuyên truyền chương trình đi kinh tế mới tại Sa Thầy, anh chị trăn trở mãi, con đầu lòng còn quá nhỏ nhưng kinh tế gia đình còn khó khăn, nếu cứ bám mãi nơi này thì không biết bao giờ mới thoát nghèo. Liều một phen, anh chị gởi con lại cho ông bà để lên đường lập nghiệp nơi đất khách quê người.

Màu xanh Cao su Sa Thầy trên vùng biên giới Kon Tum. Ảnh: CTV
Màu xanh Cao su Sa Thầy trên vùng biên giới Kon Tum. Ảnh:Ng. Cường

Hành trang mang theo của hai vợ chồng chỉ có vài bộ quần áo và chăn giữ ấm. Đến nơi, anh chị và mọi người dựng tạm lều ở, sau khi ổn định, anh chị bắt tay vào làm CN kiến thiết cơ bản. Ban ngày đi làm thì thời gian cứ cuốn đi, mỗi khi đêm về, anh chị nhớ con da diết, thương con còn nhỏ phải sống xa hơi ấm của cha mẹ. Càng thương con, anh chị càng động viên, bảo ban nhau cố gắng làm ăn để cuộc sống sau này khấm khá hơn. Vườn cây cách chỗ ở 7km thế mà đều như vắt chanh, cứ sáng sớm hai vợ chồng cùng nhau đi bộ đến nơi. Hai năm sau, anh chị tích cóp được chút tiền mua xe máy đi làm. Cùng thời điểm đó, anh về quê đón con và ông bà nội vào ở hẳn trong này.

Anh cho biết: “Khó khăn ngày đầu thì kể đến bao giờ cho hết, chỉ biết rằng anh  em CN ở đây hầu như từ các tỉnh phía Bắc vào, chúng tôi được như hôm nay cũng nhờ sự động viên của Ban lãnh đạo công ty và quyết tâm vượt qua khó khăn của mỗi người. Để có được ngôi nhà ở như hiện nay, chúng tôi phải chuyển lán bao nhiêu lần. Khó khăn ngày ấy đang trên đà được khắc phục, điều kiện sinh hoạt ăn ở, thu nhập tốt hơn, hàng hóa đã vào đến nơi. Ngoài lương CN, gia đình nào cũng làm thêm kinh tế phụ, nơi đây tuy chưa bằng những nơi khác nhưng lại giúp chúng tôi có điều kiện để phát triển kinh tế. Vợ chồng tôi xác định gắn bó lâu dài với cao su, đây cũng là quê hương thứ hai rồi. Nhiều gia đình ngoài Bắc vào nay đã đổi đời”.

Nhìn cuộc sống gia đình hai anh chị, chúng tôi tin vào sự đổi thay của nhiều gia đình CN trong vùng dự án của Công ty CPCS Sa Thầy. Cũng như bao người con tha hương lập nghiệp trên vùng đất mới, ở họ có quyết tâm và có cả một niềm tin về tương lai. Chính niềm tin ấy đã giúp họ gắn bó với vùng dự án và có được những thành quả bước đầu như ngày hôm nay. Tin tưởng rằng, rồi đây đời sống của CN cao su công ty sẽ từng bước được nâng cao, địa phương thay màu áo mới cũng là lúc những cố gắng được đền đáp bằng những kết quả xứng đáng hơn.

Quỳnh Mai