TCT Cao su Đồng Nai: Đa dạng biện pháp thu tuyển và giữ chân người lao động

CSVN – Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đứng chân trên địa bàn có tốc độ phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa mạnh mẽ, điều này tạo điều kiện và nhiều cơ hội để TCT ngày càng phát triển. Tuy nhiên, TCT cũng gặp không ít khó khăn khi chịu nhiều áp lực do cạnh tranh lao động với các đơn vị công nghiệp – dịch vụ trên địa bàn. Trước tình hình thực tế đó, để đáp ứng nhu cầu lao động sản xuất, TCT đã có nhiều biện pháp trong việc thu tuyển và giữ chân NLĐ gắn bó với đơn vị.

Công nhân đồng bào H’Mông tại tỉnh Hà Giang làm việc ở TCT Caop su Đồng Nai chia sẻ về công việc. Ảnh: Vũ Phong
Chủ động trong công tác thu tuyển lao động

Trong những năm qua, công tác thu tuyển lao động của TCT được thực hiện trên nguyên tắc “Đón người tận nơi, đưa về tận chỗ”. TCT đã đến tận nơi, phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động bà con vào làm công nhân cao su. Năm 2019, TCT ký kết nghĩa với Tỉnh đoàn Hà Giang và thực hiện thu tuyển thông qua các Hội chợ giới thiệu việc làm. Vào đầu mùa vụ khai thác, TCT sẽ tổ chức xe đón NLĐ các tỉnh phía Bắc vào làm việc. Khi Tết đến Xuân về, TCT tổ chức các chương trình “Tết sum vầy – Xuân gắn kết”, thăm hỏi và tặng quà cho NLĐ trong toàn đơn vị, đặc biệt là NLĐ các tỉnh miền núi phía Bắc, tổ chức đoàn xe đưa NLĐ về quê ăn Tết được an toàn, thuận tiện.

Xác định NLĐ là yếu tố giữ vị trí quan trọng góp phần xây dựng TCT ngày càng vững mạnh và đạt được những dấu ấn mới trên hành trình phát triển, TCT luôn nỗ lực thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách và hỗ trợ tối đa cho NLĐ, nhất là bà con miền núi phía Bắc khi làm việc, sinh sống tại TCT.

Ban lãnh đạo TCT và các nông trường thường xuyên động viên, tạo điều kiện để NLĐ tham gia học tập nâng cao trình độ, đối với lao động có thành tích xuất sắc sẽ được xem xét bố trí ở những vị trí quản lý. Đảm bảo chế độ lương, thưởng cho NLĐ, năm 2023, thu nhập bình quân của TCT đạt gần 11 triệu đồng/người/tháng. Đa số người lao động các tỉnh phía Bắc sau một năm làm việc tại đơn vị đều có khoản tiền tiết kiệm (từ 70 – 80 triệu đồng/người/năm) gởi về quê sửa sang nhà cửa, phụ giúp gia đình, nuôi con ăn học.. Chính sự quan tâm, chăm lo chu đáo của TCT, bà con đã đặt niềm tin, gắn bó với đơn vị, xem Đồng Nai là quê hương thứ hai, là nơi giúp họ có cuộc sống tốt hơn. Tính đến ngày 31/12/2023, tổng số lao động các tỉnh miền núi phía Bắc là 583 người, chiếm tỷ lệ 26% trên tổng số 2.242 lao động cạo mủ. TCT luôn chủ động trong công tác thu tuyển lao động, ngay từ đầu năm nay, các nông trường đã đi tuyển lao động tại Hà Giang để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Nhiều giải pháp giữ chân người lao động

Thu tuyển đủ lao động đã khó, việc giữ chân NLĐ, tạo niềm tin để NLĐ gắn bó lâu dài với đơn vị lại càng khó hơn. Việc này đòi hỏi TCT phải có giải pháp nâng cao tiền lương, thu nhập nhằm bảo đảm đời sống vật chất – tinh thần cho NLĐ yên tâm làm việc.

Với phương châm “Tăng năng suất lao động – tăng hiệu quả kinh doanh – tăng thu nhập cho người lao động”, TCT đã thực hiện một số giải pháp để nâng cao thu nhập cho người lao động. Cụ thể: thực hiện quản lý tốt quy trình kỹ thuật, xây dựng phương án khai thác mủ linh hoạt (mủ nước, mủ đông) phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện các giải pháp để nâng cao năng suất vườn cây, tăng cường công tác bảo vệ sản phẩm, từ đó nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa vào chăm sóc vườn cây XDCB, sử dụng máy móc thay thế lao động phổ thông nhằm giảm bớt nặng nhọc, độc hại cho người lao động.

Thường xuyên phân tích, đánh giá diễn biến thị trường nhằm điều phối linh hoạt công tác chế biến phù hợp nhu cầu của khách hàng, bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh cao. Xây dựng phương án sản xuất tối ưu, tiết kiệm tối đa chi phí, … nhằm tăng quỹ lương để nâng cao thu nhập cho NLĐ; điều hành tiền lương một cách linh hoạt, thường xuyên xem xét điều chỉnh tiền lương phù hợp tình hình thực tế và diễn biến của thị trường.

Mô hình thu tuyển lao động tại các tỉnh miền núi phía Bắc đang phát huy hiệu quả. Sau một thời gian vào làm việc, bà con đã chấp hành tốt nề nếp, nội quy làm việc và quy trình kỹ thuật khai thác của TCT, hòa nhập với cộng đồng cao su và địa phương. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, bà con các tỉnh miền núi phía Bắc ngày càng gắn bó với đơn vị, thường xuyên giới thiệu thêm lao động cho TCT.                                       

HẰNG NY