Sử dụng bùn thải từ chế biến cao su làm phân hữu cơ vi sinh: Giải pháp tối ưu định vị kinh tế tuần hoàn của VRG

CSVN – Việc sử dụng phân hữu cơ sinh học được sản xuất từ bùn thải trong chế biến mủ cao su hiện nay không chỉ góp phần tiết giảm giá thành sản xuất, giúp cây cao su phát triển tốt mà còn là giải pháp hữu hiệu trong công tác bảo vệ tốt môi trường, đúng với chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của VRG.

Cao su Bình Long sản xuất thành công phân hữu cơ sinh học từ công nghệ nuôi trùn quế. Ảnh: Thanh Sơn
Tận dụng bùn thải sản xuất phân bón sạch

Hiện nay, Cao su Bình Long đã xây dựng 3 hệ thống xử lý nước thải tại 2 xí nghiệp với công suất khoảng 2.000 m3/ngày đêm. Nước xả thải ra môi trường luôn luôn đạt cột A, có thể xả thải vào nguồn tiếp nhận được sử dụng để cấp nước sinh hoạt. Công ty đã sản xuất thành công phân hữu cơ sinh học từ công nghệ nuôi trùn quế với chi phí trên 2 tỷ đồng. Theo kết quả phân tích của Tổng cục môi trường, bùn sinh học của các dây chuyền chế biến mủ Cao su Bình Long không phải là chất thải nguy hại. Thành phần kim loại nặng hoặc các chất có khả năng gây hại trong bùn thải như Asen, Cadimi, thủy ngân, chì… nằm ở mức rất thấp so với ngưỡng nguy hại. Phân trùn là một loại phân hữu cơ thiên nhiên giàu chất dinh dưỡng nhất mà con người từng biết đến. Phân trùn cung cấp các chất khoáng cần thiết cho sự phát triển của cây trồng như đạm, lân, kali, canxi… Phân trùn hoạt động như một máy ổn định độ pH, giúp cây phát triển trong đất ở độ pH quá cao hay quá thấp. Phân trùn thích hợp với nhiều loại cây trồng, chúng chứa các khoáng chất mà cây trồng có khả năng hấp thụ một cách trực tiếp mà không cần quá trình phân hủy trong đất như những loại phân hữu cơ khác. Chất mùn trong phân trùn còn loại trừ độc tố nấm có hại và vi khuẩn trong đất nên nó có thể đẩy lùi những bệnh của cây trồng. Acid Humid trong phân trùn kích thích sự phát triển của cây trồng, đồng thời kích thích sự phát triển của vi khuẩn trong đất. Với thành phần chủ yếu là hữu cơ, phân trùn tăng khả năng giữ nước của đất, góp phần làm cho đất tơi xốp và giữ ẩm được lâu. Với những hiệu quả tích cực đó, Cao su Bình Long đã tiến hành nghiên cứu ứng dụng để biến bùn thải thành phân hữu cơ sinh học bằng công nghệ nuôi trùn quế.

Cũng từ hệ thống xử lý nước thải trong chế biến cao su, Cao su Phú Riềng đã vận hành thành công công nghệ xử lý nước thải cao su thiên nhiên bằng phương pháp sinh học không sử dụng hóa chất. Việc sử dụng công nghệ của Cao su Phú Riềng không chỉ xử lý nước thải một cách tối ưu mà mỗi năm từ bể chứa cặn bã, chất mùn còn tận dụng được để trồng rau lên trên. Sau 2 đến 3 năm lại được đem ủ thành phân vi sinh để bón cho cây trồng tại các nông trường của công ty.

Đối với Công ty CPCS Phước Hòa, hàng năm, hai hệ thống xử lý nước thải của công ty thải ra ngoài một lượng bùn khá lớn ước tính khoảng 2.000 – 2.500 tấn bùn (hàm lượng bùn khoảng 20%) từ các cụm bể xử lý sinh học thải ra bên ngoài, theo quy định của Nhà nước thì lượng bùn này phải được thu gom, vận chuyển và xử lý, ước tính chi phí xử lý lượng bùn dư này hàng năm khoảng 5 tỷ đồng. Tại Nhà máy chế biến cao su Cua Paris do sử dụng Biomass để đun nóng dầu thay cho đốt dầu DO, FO sấy mủ cao su, vì vậy lượng tro thải ra rất nhiều, đó là nguồn tro trộn với phân hữu cơ vi sinh sẽ tăng thêm chất lượng của phân bón. Công ty đã đầu tư 3 hệ thống máy ép bùn thải – bùn bể lắng sẽ được ép bùn để giảm độ ẩm làm cho bùn thu được dạng sệt, đưa bùn này đem ủ, trộn, bổ sung vi sinh,… để trở thành phân bón.

Với những lý do trên, việc sản xuất nhóm phân bón hữu cơ từ nguồn bùn thải của hệ thống xử lý nước thải sẽ giúp giảm bớt được lượng chất thải rắn phát sinh trong ngành sản xuất cao su và cung cấp phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ lại cho quá trình trồng và khai thác cây cao su.

Thúc đẩy tăng trưởng xanh

Bình quân mỗi năm Cao su Phước Hòa sản xuất 1.000 tấn phân hữu cơ vi sinh có chất lượng tốt, 100% thân thiện với môi trường. Kết quả thành phần các chỉ tiêu của phân bón đều đạt so với yêu cầu của nghị định 108, ngày 20/9/2017 của Chính phủ về quản lý phân bón. Sản phẩm phân bón sản xuất từ bùn thải cao su của Cao su Phước Hòa rất phù hợp để bón lót khi tái canh cũng như chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản. Mô hình này đã góp phần giảm chi phí xử lý chất thải cho công ty hàng tỷ đồng mỗi năm, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường xung quanh.

Với hệ thống sản xuất phân bón hữu cơ sinh học từ bùn thải bằng công nghệ nuôi trùn quế hiện nay, Cao su Bình Long sản xuất được 500 tấn/năm. Và toàn bộ sản lượng này đều được sử dụng trên vườn cây của đơn vị. Ông Lê Văn Vui – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long cho biết: “Việc nâng cao chất lượng hệ thống xử lý nước thải cũng như mở rộng quy mô sản xuất phân hữu cơ sinh học là hướng đi đúng đắn để Cao su Bình Long hướng tới mục tiêu kinh tế tuần hoàn trong hoạt động SXKD”.

Trong chiến lược tăng trưởng xanh của ngành cao su, VRG đặt ra mục tiêu đến năm 2030: Năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối chiếm tối thiểu 15% tổng nhu cầu năng lượng; tiết kiệm năng lượng khoảng 15% so với tổng nhu cầu; tiết kiệm, tái sử dụng tối thiểu 20% lượng nước sử dụng; tận dụng, tái chế tối thiểu 20% chất thải rắn và bùn thải; giảm thiểu 10% chất thải nguy hại trong quá trình sản xuất. Đến năm 2050: Sử dụng tối thiểu từ 50% tổng nhu cầu nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối; tiết kiệm năng lượng từ 20 – 30% so với tổng nhu cầu; tiết kiệm, tái sử dụng tối thiểu 35% lượng nước sử dụng; tận dụng, tái chế tối thiểu 40% chất thải rắn và bùn thải; giảm thiểu 20% chất thải nguy hại trong quá trình sản xuất.

Từ mục tiêu cụ thể đó, hiện nay các đơn vị thành viên Tập đoàn đã và đang xây dựng các nhà máy thu gom và xử lý bùn thải từ chế biến cao su theo quy mô công nghiệp. Cách làm này hoàn toàn có thể trở thành một phần của nền kinh tế tuần hoàn. Bởi lẽ, bùn thải từ chỗ là gánh nặng của môi trường giờ nhờ có công nghệ mà sản sinh ra phân bón, sản sinh ra năng lượng để góp phần cho sự phát triển nông nghiệp xanh.

Thực tế cho thấy, nếu được xử lý bằng cách đốt như thông thường, bùn thải có thể phóng thích ra một lượng lớn CO2, trong khi đó, việc biến bùn thải thành phân bón đã giúp giảm thiểu CO2 do cây trồng lấy chất này từ không khí để quang hợp và sản sinh ra oxy. Nếu như phân bón vô cơ làm đất bị phong hóa, bạc màu thì phân bón hữu cơ lại góp phần giúp đất trở nên màu mỡ.

NG. CƯỜNG