CSVN – Trong số đồng bào dân tộc thiểu số Jarai ở Tây Nguyên, không ít người vượt lên khó khăn, chăm chỉ làm ăn, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Điển hình như anh Rơ Lan Bleo – làng Poong, Ia Dơk, Đức Cơ, công nhân khai thác mủ Đội 13, Chi nhánh Công ty 75, Binh đoàn 15.
Vượt qua nghèo đói
Anh Rơ Lan Bleo sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đầy gian khó với nhiều hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của người dân địa phương, cùng với đó là phương thức sản xuất lạc hậu, hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên nên cuộc sống quanh năm thiếu thốn, nghèo đói từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Năm 2006, anh chính thức xin làm công nhân khai thác mủ cao su tại Đội 13, Công ty 75. Những ngày đầu học cạo, anh cảm thấy rất khó khăn, cạo phạm nhiều và rất ít mủ. Nhưng cái khó không bó được anh, từ chỗ tay nghề yếu, sau một năm cần cù, chịu khó học hỏi, tay nghề của anh từng bước được cải thiện và vườn cây cho mủ đều. Hàng tháng, hơn 3 triệu tiền lương đưa về cho vợ anh cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào.
Anh cho biết: “Mình vào làm công nhân, lúc đầu khó lắm, có lúc nản chí, nhưng may cũng được sự quan tâm, động viên thường xuyên của chỉ huy đơn vị, các anh chị công nhân, nên rồi cũng vượt qua cả”. Khi tay nghề bắt đầu ổn định, anh lại tiếp tục rèn luyện, học hỏi kỹ thuật cạo sao cho được nhiều mủ nhất, chính vì thế mà năm nào anh cũng là thợ khai thác có tay nghề kỹ thuật cao của đơn vị, kế hoạch sản lượng năm nào cũng vượt kế hoạch, đạt trên 115%.
Nhiều năm liền anh được công ty khen thưởng nhiều mặt, trong đó 5 năm liên tục (2012-2017) là Chiến sĩ thi đua cơ sở và đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, năm 2017 được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2015-2016. Chính vì thế, Rơ Lan Bleo là cái tên được anh em trong đơn vị coi là tấm gương để noi theo và tuyên truyền rộng rãi, nhất là trong các buổi sinh hoạt Rơ Lan Bleo đều được nêu gương để thanh niên trong làng học tập.
Điển hình phát triển kinh tế gia đình
Không chỉ là thợ khai thác giỏi của đơn vị, gia đình anh còn là một điển hình trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Anh nói: “Nhìn thấy các anh chị đi trước còn trẻ mà vừa làm công nhân, lại vừa có vườn rẫy, thu nhập cả năm mấy trăm triệu đồng. Thế là mình mang bút vở đi học hỏi kinh nghiệm. Cũng may được chỉ huy đơn vị, anh chị em công nhân quan tâm giúp đỡ nhiệt tình, không hiểu gì là họ sẵn sàng chỉ dạy cặn kẽ, nhờ đó mà mình tích lũy được nhiều kinh nghiệm để áp dụng trong quá trình lao động”.
Chính nhờ sự chịu khó của anh, sự tảo tần của chị, đến nay, gia đình Bleo đã sở hữu trong tay 600 cây cà phê đang thu bói, 300 cây điều, 2000 cây cao su, 4 sào lúa nước và ngôi nhà khang trang, đầy đủ nhất nhì trong làng. Thu nhập gia đình anh chị hàng năm thu được khoảng gần 250 triệu đồng.
Với suy nghĩ và cách làm như trên của Rơ Lan Bleo, với bà con dân tộc thiểu số ở đây lúc đó thật là “táo bạo”, nhưng cũng thật hiệu quả. Là một người lao động quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, công việc vất vả mưa nắng nhưng khuôn mặt của anh không dấu nổi niềm tự hào. Anh tâm sự: Dù vất vả khó khăn nhưng cứ nghĩ đến các con được ăn học đàng hoàng, cuộc sống gia đình sung túc, mọi vất vả khó khăn được vơi đi phần nào.
THU HIỀN
Related posts:
- Đậu Văn Thao - Tấm gương trong lao động sản xuất
- Tuổi trẻ phải giữ vững lập trường
- Góc nhìn khác về một con người tận tâm vì công việc
- Người gắn bó với 1 chu kỳ cây cao su
- Kỳ tích Lê Thị Lệ
- Chuyến xe tôi đi, rừng cây tôi đến
- Cầm bút để cám ơn cây cao su
- Lương Duy Đức - Sáng kiến tận thu từng giọt mủ
- 2 năm liên tục vượt gần gấp đôi sản lượng
- Kế thừa tình yêu cao su qua 4 thế hệ