CSVN – Chuyên cần là một trong những yếu tố giúp anh Lê Văn Lợi – Công nhân khai thác Tổ 3, Nông trường 4, Cao su Lộc Ninh hoàn thành kế hoạch sản lượng nông trường giao, về trước kế hoạch gần 3,5 tháng. Dự kiến đến hết 31/12, anh khai thác vượt gần 4 tấn mủ.
Năm đầu tiên về trước kế hoạch hơn 3,5 tháng
Trao đổi với chúng tôi, anh chia sẻ: “Từ đầu mùa cạo đến giờ, tôi gặp rất nhiều thuận lợi trong công tác thực hiện kế hoạch sản lượng. Chỉ có một khó khăn duy nhất đó là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 khiến cho việc đi lại khó khăn hơn một chút. Tuy vậy, công nhân cao su ở tỉnh Bình Phước được đi cạo là mừng lắm rồi, dù phải qua nhiều chốt chặn kiểm soát nhưng NLĐ cần phải tuân thủ các quy định để chung tay cùng cộng đồng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Có thể nói, tính tới thời điểm này, tôi có thể thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành kế hoạch sản lượng năm 2021”.
Anh là 1 trong 50 công nhân khai thác về trước kế hoạch sản lượng sớm nhất của công ty. Không những vậy, thành tích năm nay là sự nỗ lực vượt bậc của cá nhân anh vì đây là năm lần đầu tiên anh về trước kế hoạch sớm nhất (hơn 3,5 tháng) trong suốt những năm làm công nhân cao su.
“NLĐ phải chú ý đến những chỉ đạo của cấp trên trong công tác triển khai quy trình kỹ thuật trên vườn cây. Một yếu tố quan trọng nữa là công ty tổ chức tốt công tác bảo vệ, tuần tra, canh gác trên vườn cây không để xảy ra tình trạng mất cắp mủ, giữ được sản lượng cho NLĐ. Ngoài việc tận thu các sản phẩm mủ, chuyên cần có thể xem là yếu tố quyết định sản lượng của công nhân khai thác”, anh cho biết.
Theo anh qua mỗi năm, từng công nhân sẽ đúc rút kinh nghiệm để làm việc có hiệu quả hơn. Trong các yếu tố quyết định sản lượng khai thác, bản thân anh tập trung vào yếu tố chuyên cần. Anh nói: “Làm công nhân cao su thì phải siêng mới được, vì bên cạnh việc rèn luyện tay nghề thì chỉ có chuyên cần là công nhân tự quyết được, còn các yếu tố khác như thời tiết, giá bán mủ… đó là những yếu tố khách quan”.
Nuôi dưỡng tình yêu nghề
Tròn 20 tuổi anh vào làm công nhân cao su, đến nay cũng hơn 20 năm. Không tự dưng mà anh chọn nghề này, bởi điều gì cũng có những cơ duyên để kết nối và gắn bó. Trước đây, ba mẹ anh từ miền Trung vào Bình Phước làm kinh tế mới, vào những năm sau giải phóng, công ty một mặt tập trung khôi phục vườn cây mới tiếp quản, mặt khác mở rộng diện tích trồng mới, hồi đó ba mẹ anh làm công nhân lai tháp.
Cứ như vậy, cả gia đình gắn bó và lập nghiệp với vùng đất Lộc Ninh và hầu hết những người thân trong gia đình đều làm công nhân của Cao su Lộc Ninh. Hiện nay, các chị gái của anh đều đã nghỉ hưu.
Cũng có những giai đoạn giá mủ xuống thấp ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống NLĐ, nhưng trong sâu thẳm suy nghĩ, anh chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ rời xa công việc mà cả gia đình đã gắn bó. Anh cho hay: “Xác định gắn bó với nghề nên tôi luôn tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng, nhiệt huyết với công việc và đặc biệt là luôn giữ và nuôi dưỡng tình yêu nghề. Nhờ đó năm nào tôi cũng phấn đấu về trước kế hoạch sản lượng được giao”.
Dù đã về trước kế hoạch sản lượng nhưng anh luôn nhắc nhở bản thân phải nỗ lực hơn nữa vì những tháng cuối năm là thời điểm cây cao su cho nhiều mủ. Anh đặt mục tiêu phải khai thác vượt gần 4 tấn mủ.
MINH NHIÊN
Related posts:
- Hội thao là sân chơi thực chất của người lao động VRG
- Nữ cán bộ Công đoàn tiêu biểu xuất sắc
- Đoàn kết, vững lòng sẽ vượt qua khó khăn
- Tháng Công nhân năm 2021: Lắng nghe và cảm ơn người lao động
- Công đoàn Cao su Chư Sê: Tích cực hỗ trợ người lao động phát triển kinh tế gia đình
- Cao su Điện Biên: Ổn định đời sống, việc làm cho người lao động
- Phát động sâu rộng phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi
- Nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước
- Mới ngày 30/8 đã hoàn thành kế hoạch!
- Cao su Bình Long sôi nổi ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc