Hội thi “Bàn tay vàng”: Còn đó những dư âm

CSVN – Có thể nói Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su là sự kiện được mong chờ nhất trong năm 2016. Là ngày hội lớn của công nhân cao su, Hội thi khép lại với những kết quả ấn tượng, ghi đậm dấu ấn trong lòng người tham dự.
Thí sinh thi lý thuyết.
Thí sinh thi lý thuyết.
Gian nan luyện rèn

Luyện tay nghề – thi thợ giỏi là phong trào mang đậm nét đặc trưng của ngành cao su Việt Nam, hơn 30 năm qua phong trào này ngày càng phát triển và được các đơn vị chú trọng. Trong các công ty cao su, nguồn lực – mà cụ thể là đội ngũ công nhân lành nghề, có kỹ thuật cao là yếu tố quan trọng góp phần vào thắng lợi chung trong hoạt động SXKD. Tay nghề của công nhân được đào tạo, duy trì và nâng cao nhằm phát huy tối đa hiệu quả năng suất vườn cây, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, tăng năng suất lao động và thu nhập của NLĐ. Chính vì vậy, tại cơ sở phong trào Luyện tay nghề – thi thợ giỏi thể hiện trong lao động hằng ngày. Và quá trình luyện rèn này còn vất vả, gian nan gấp bội phần khi đào tạo đội ngũ các thí sinh Giỏi lý thuyết – Vững thực hành để tham dự Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su cấp ngành.

Với quy mô tổ chức và chất lượng thí sinh tham dự ngày càng được nâng lên, vì vậy để “cá chép hóa rồng” các đơn vị đều đầu tư cho công tác tập luyện thí sinh một cách bài bản, chu đáo. Chia sẻ sau Hội thi, Bàn tay vàng, Trần Duy Đức – Công ty TNHH MTV CS Chư Prông cho biết: “Cường độ tập luyện trước Hội thi cấp ngành rất khẩn trương, ráo riết, ngoài yếu tố về kỹ thuật thì tốc độ cũng là yếu tố quan trọng cần đạt mục tiêu để thực hiện. Khi tập, đoàn thí sinh của công ty đều thả cờ vàng ở cây thứ 100. Nhưng cũng có lúc tôi vượt qua chính mình, thả cờ vàng ở phút thứ 13”.

Binh đoàn 15 là đơn vị ngoài ngành duy nhất tham gia Hội thi năm nay nhưng cũng gặt hái được thành công khi giành giải nhì tập thể, cả 5 thí sinh đều đạt danh hiệu Kiện tướng, Bàn tay vàng. Đại tá Nguyễn Xuân Đông – Trưởng phòng công nghệ kỹ thuật Binh đoàn 15 cho hay: “Địa bàn vườn cây của Binh đoàn 15 khá rộng, di chuyển khó khăn, năm nay thời điểm tập luyện rơi vào mùa mưa nên sau Hội thi cấp cơ sở chúng tôi chỉ có 10 ngày tập trung thí sinh về để tập luyện. Trong thời điểm này, thí sinh chỉ chú tâm luyện, thi thử. Nhờ tác phong người lính và kỷ cương gắt gao khi đề ra nên đoàn thí sinh đã đạt thành tích cao tại Hội thi lần này”.

Thi dụng cụ cũng là một nội dung không kém quan trọng.
Thi dụng cụ cũng là một nội dung không kém quan trọng.

Các đơn vị miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung đều là những đơn vị ít nhiều có nhiều năm kinh nghiệm tham gia thi cấp ngành, còn các đơn vị thành viên VRG tại Lào và Campuchia là những đơn vị mới, có đơn vị tham gia lần đầu. Tuy nhiên công tác tập luyện không vì thế mà lơ là. Anh Nguyễn Văn Đức – Phó phòng hành chính Công ty CPCS Việt Lào chia sẻ: “Đoàn thí sinh của công ty có thời gian tập luyện trước một tháng, trong khoảng thời gian đó, chế độ cho thí sinh được đảm bảo như bồi dưỡng 100 kíp/người/ngày. Cũng đã từng có dịp tham dự Hội thi cấp ngành trước đây nên các bạn người Lào cũng dần quen với ngày hội này. Tuy nhiên, không thể nào so sánh được với các đơn vị ở Việt Nam nên chúng tôi động viên, cố gắng anh em thi hết mình, chủ yếu trao đổi học tập kinh nghiệm”.

Công ty CPCS Đồng Phú – Kratie lần đầu tiên tổ chức đoàn thí sinh tham dự Hội thi. Trước đó công ty đã lựa chọn những tay cạo chắc nhất để ôn luyện lý thuyết, thực hành và hướng dẫn các nội quy của Hội thi. Để thí sinh có tinh thần tốt, giảm căng thẳng và hồi hộp, đoàn đã có mặt tại Đồng Phú từ đầu tháng 12 để tập luyện cùng với đoàn thí sinh công ty mẹ.

Không kém kỳ thi Đại học

179 thí sinh chính thức của 39 đoàn tranh tài trong hai ngày 6 và 7/8, đây là những nhân tố điển hình xuất sắc của các đơn vị trong phong trào Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi. Họ đại diện cho tập thể NLĐ chinh chiến nơi “chiến trường” nhằm khẳng định thương hiệu của đơn vị. Nhiều người còn ví von rằng Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su không thua kém gì kỳ thi Đại học. Cũng có thời gian ăn ngủ chỉ nghĩ đến thi cử, cũng lo lắng, hồi hộp, thậm chí là không thể chợp mắt trước ngày thi, cũng hân hoan, vui mừng khi kết quả thi tốt, các cung bậc cảm xúc đủ cả. Và đôi lúc, thí sinh trong trường thi không hồi hộp bằng thành viên bên ngoài theo dõi. Những khuôn mặt chờ đợi cứ hướng về phần cây có thí sinh mình tranh tài.

Ông Lại Văn Lâm – Trưởng Ban Quản lý kỹ thuật, Chánh chủ khảo Hội thi cho biết: “Hội thi được tổ chức theo đúng nội quy đề ra, sự công bằng của thí sinh được đặt lên hàng đầu, đội ngũ BGK làm việc khách quan, rõ ràng, công tâm. Điều này thể hiện trong kết quả của Hội thi, số lượng thí sinh đạt điểm tuyệt đối và mức điểm cao rất nhiều so với Hội thi các năm trước, thể hiện trình độ tay nghề của thí sinh ngày càng nâng cao”.

Theo dõi diễn biến những ngày diễn ra Hội thi mới thấy rõ để chiến thắng trong Hội thi không phải là điều dễ dàng. Tất cả thí sinh đều là thợ giỏi của đơn vị, đều được tập luyện kỹ càng trước ngày “trẩy hội”. BGK xem xét rất kỹ từng dụng cụ, khăn lau dao cạo cũng được đo chuẩn đến từng mm bằng thước, đơn vị nào không đạt đều được BGK công khai lỗi và trừ điểm rõ ràng. Không chỉ có các đơn vị nhỏ mà nhiều đơn vị là anh cả miền Đông cũng bị trừ điểm do dụng cụ không đạt yêu cầu. Nhằm đảm bảo quyền lợi của thí sinh, trong các phần thi và phần chấm điểm Hội thi đều có sự giám sát của Công đoàn CSVN.

Lo lắng qua đi, những hân hoan vui mừng, những cái ôm của đồng đội, những cuộc điện thoại gọi điện cho người thân để thông báo kết quả là những hình ảnh, dư âm đẹp còn đọng lại khi Hội thi kết thúc. Như lời TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận đã nói: “Chiến thắng quan trọng nhất đó là các thí sinh đã chiến thắng bản thân mình, nỗ lực hết sức để hoàn thành tốt phần thi của mình”. Tin tưởng rằng, sau Hội thi những gương thợ giỏi sẽ được nhân rộng và tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của ngành cao su.

Bài, ảnh: Quỳnh Mai