Giải pháp nào tiếp tục tiết giảm suất đầu tư?

CSVN – Theo chỉ đạo của lãnh đạo VRG, năm 2016 các đơn vị phải tiếp tục giảm 20 – 30% suất đầu tư (SĐT) so với năm 2015. Việc tiếp tục tiết giảm SĐT là rất khó cho các đơn vị, nhưng trong bối cảnh giá cao su chưa có dấu hiệu phục hồi, để ổn định sản xuất và kinh doanh có lời thì tiết giảm SĐT là yêu cầu bắt buộc. Sau khi đã tiết giảm mạnh trong năm 2015, vậy đâu là dư địa để các đơn vị tiếp tục cắt giảm SĐT trong năm nay?

>> Tiết giảm suất đầu tư có hiệu quả nhờ trách nhiệm và đồng thuận

Dây chuyền 2 Nhà máy gỗ MDF VRG Quảng Trị - dự án trọng điểm của VRG sẽ hoàn thành trong năm 2016. Ảnh: Tùng Châu
Theo Ban KHĐT, năm 2016 có thể giảm 20% định mức nhân công so với năm 2015 để giảm SĐT. Ảnh: Nguyễn Cường
Từ chủ trương chung

Theo Ban Kế hoạch Đầu tư VRG, phân bón là hạng mục tác động chủ yếu để giảm SĐT so với năm 2015, bởi giảm phân bón sẽ kéo theo giảm công bón phân, giảm chi phí chung và dự phòng phí. Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón hiện nay đang thực hiện theo văn bản số 3504/CSVN – QLKT của VRG về việc sử dụng phân bón cho cây cao su năm 2016. Theo đó quy định giảm 35% so với quy trình kỹ thuật năm 2014 từ năm thứ 4, nhân công bón phân giảm tương ứng 2 công/ha.

Với quy định này thì SĐT vườn cây trồng từ năm 2016 giảm không đáng kể, bình quân từ 4,7% đến 7,34%. Như vậy, nếu chỉ thực hiện tiết giảm phân bón thì sẽ không đạt được mục tiêu giảm SĐT theo chỉ đạo của Ban lãnh đạo VRG. Vì vậy, việc tiết giảm SĐT đòi hỏi phải cân nhắc, xem xét và tính toán để làm thế nào vừa tiết giảm được SĐT, vừa đảm bảo sinh trưởng cho vườn cây cao su theo yêu cầu của kỹ thuật đề ra.

Đối với dự phòng phí, các đơn vị sử dụng nguồn dự phòng phí trong SĐT của năm 2015 và 2016 để thực hiện các giải pháp phòng, chống cháy và xử lý các sự cố do thiên tai. Khi có nhu cầu sử dụng nguồn kinh phí này, các đơn vị phải có tờ trình để TGĐ VRG xem xét trình cấp thẩm quyền quyết định.

Theo đề xuất của Ban Lao động Tiền lương VRG, đơn giá nhân công năm 2016 được xây dựng theo từng khu vực, năm 2015 áp dụng một đơn giá chung gần 146.000 đồng/công. Vì vậy đơn giá nhân công sẽ có sự thay đổi tăng hoặc giảm. Các khu vực điều chỉnh đơn giá nhân công tăng gồm: Đông Nam bộ điều chỉnh tăng 12,19% so với đơn giá nhân công năm 2015, từ 146.000 đồng/công lên 166.230 đồng/công; khu vực Campuchia tăng 21,43%, từ 96.800 đồng/công lên 123.200 đồng/công; khu vực Nam Trung Lào tăng 4,77%, từ 97.900 đồng/công lên 102.800 đồng/công.

Các khu vực điều chỉnh đơn giá nhân công giảm gồm: Tây Nguyên điều chỉnh giảm 15,54%, từ 145.962 đồng/công xuống còn 126.330 đồng/công; Duyên hải miền Trung điều chỉnh giảm 8,59%, từ 145.962 đồng/công xuống còn 134.412 đồng/công; miền núi phía Bắc điều chỉnh giảm 6,54%, từ 145.962 đồng/công xuống còn 137.000 đồng/công. Khu vực Bắc Lào giảm 41,99%, từ 145.962 đồng/công xuống còn 102.800 đồng/công.

Do quy định theo Luật lao động hiện nay, mỗi công ty do đặc điểm bậc lương người lao động khác nhau nên mức lương bình quân khi tính toán dự toán sẽ khác nhau. Nhưng mức lương bình quân cho từng khu vực nêu trên là mức khống chế tối đa về mặt giá trị. Nếu công ty có mức lương bình quân cao hơn mức trên thì phải giảm định mức để không vượt chi phí nhân công theo SĐT được duyệt.

Đến thực tiễn các đơn vị

Từ chủ trương chung năm 2015, việc tiết giảm SĐT đã được các đơn vị thực hiện rất nghiêm túc, quyết liệt và đem lại hiệu quả cao. TGĐ Trần Ngọc Thuận nhấn mạnh: “Từ trong khó khăn, từ đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn đã có nhiều mô hình mới, nhiều cách làm hay, các đơn vị đã chủ động thực hiện và có những giải pháp, sáng kiến ứng dụng vào sản xuất có kết quả tốt”.

[stextbox id=”stb_style_259398″]Trên tinh thần chỉ đạo của Ban lãnh đạo và HĐTV VRG, Ban Kế hoạch Đầu tư VRG đề xuất các giải pháp như: giảm 20% định mức nhân công so với SĐT năm 2015; giảm 35% hàm lượng phân bón so với quy trình kỹ thuật bổ sung năm 2014; chi phí quản lý chung giữ cố định như SĐT năm 2015; chi phí dự phòng chỉ tính 5% chi phí dự toán.[/stextbox]

Cụ thể nhất trong việc tiết giảm SĐT là trồng xen canh trên vườn cây KTCB. Giờ đây, trên vườn cây cao su KTCB, nhiều đơn vị đã tích cực trồng xen nghệ, gừng, keo lai, cà phê, chuối…

Trồng xen canh mía tại TCT Cao su Đồng Nai. Ảnh: Vũ Phong
Trồng xen canh mía tại TCT Cao su Đồng Nai. Ảnh: Vũ Phong

Đơn cử như tại TCT Cao su Đồng Nai, năm 2015 triển khai trồng xen được 1.777 ha, trong đó cây dài ngày như cà phê, gáo vàng, chuối 133 ha, cây ngắn ngày 1.644 ha. Hình thức khoán thu lợi nhuận dự kiến 13 tỷ đồng suốt chu kỳ 6 năm. Năm 2016 để thực hiện đúng chủ trương VRG đề ra, TCT có những biện pháp cụ thể như: Tăng cường sử dụng cơ giới hóa và hóa học hóa, đưa định mức lao động trên ha còn 130,5 công, so với 166 công của SĐT năm 2015, giảm 21%, tương đương hơn 5 triệu đồng; giao phần dọn đất cho nhà thầu cưa cắt cao su, giảm 600 ngàn đồng/ha; chia phần cày bừa cho bên nhận xen canh cùng chia sẻ, bình quân 50%; giảm phân bón vườn cây KTCB từ năm thứ 4, giảm gần 2 triệu đồng/ha. Như vậy, trên 1 ha có trồng xen, không trồng thảm phủ, phần chi phí tiết giảm so với SĐT năm 2015 là 10,8 triệu đồng.

Đối với Cao su Bình Long sẽ tăng cường sử dụng nguồn phân bón lót từ bùn thải trong các hệ thống xử lý nước thải; xem xét không thực hiện cày tại một số lô có độ dốc lớn. Đối với các lô còn lại chỉ tiến hành cày chảo 3, giảm công đoạn gom dọn sau khi cày, gắn trách nhiệm của đơn vị thu mua thanh lý trong việc gom dọn cành nhánh; Mở rộng diện tích trồng xen canh, tăng cường hợp tác trồng xen với các tổ chức, cá nhân trên vườn cây trồng hàng kép và vườn cây trồng hàng đơn.

So với các khu vực khác thì trong năm 2015 khu vực Tây Nguyên SĐT bình quân giảm thấp hơn 9,42% so với SĐT tối đa năm 2015 do các đơn vị thực hiện mô hình trồng xen cây cà phê và các loại cây trồng khác. Năm 2016 các đơn vị ở khu vực này tiếp tục vận động, khuyến khích trồng xen các cây lương thực như lúa rẫy, ngô, các loại cây họ đậu và tăng cường sử dụng biện pháp cơ giới thay cho việc chăm sóc bằng thủ công, giảm chi phí đầu tư phân bón lót và chi phí phục hoang.

Minh Nhiên