Kỳ tích cao su Chư Sê – Kampong Thom

CSVN Xuân – Chỉ sau 5 năm trồng mới, Công ty CPCS Chư Sê – Kampong Thom đã thực hiện hoàn thành kế hoạch trước 3 năm, trồng mới 16.268,68 ha cao su bạt ngàn xanh tốt, lập nên một kỳ tích, một kỷ lục. Chưa hết, năm 2017 công ty đưa 3.876,31 ha cao su vào khai thác, trong đó 1.847,71 ha khai thác sớm 1 năm, năm đầu tiên đã vượt 10% sản lượng VRG giao, năm thứ 2 đạt năng suất 1,8 tấn/ha.
Đến năm 2021 toàn bộ hơn 16.000 ha sẽ được đưa vào khai thác. Ảnh: Phú Vinh
Đến năm 2021 toàn bộ hơn 16.000 ha sẽ được đưa vào khai thác. Ảnh: Phú Vinh
Triển khai dự án nhanh nhất, hiệu quả nhất, chất lượng vườn cây tốt nhất

Thực hiện chủ trương của Chính phủ hai nước về việc hợp tác phát triển trồng, khai thác cao su tại Vương quốc Campuchia và thực hiện kế hoạch SXKD của VRG, Công ty CPCS Chư Sê – Kampong Thom được thành lập năm 2009 với 2 dự án (công ty con) là công ty C.R.C.K. 2 và công ty Bean Heack. Tổng diện tích đã ký kết hợp đồng tô nhượng với Bộ Nông lâm và Ngư nghiệp Campuchia là trên 18.000 ha, nằm trên địa bàn 3 tỉnh Kampong Thom, Siêm Riệp và Preah Vihear với thời gian đầu tư 50 năm.

Ngược thời gian gần 10 năm trước, ngày ấy sau khi nhận chủ trương của Chính phủ và VRG về việc phát triển 100.000 ha cao su tại Campuchia, với tiềm lực của VRG và các đơn vị thành viên (miền Đông, Tây Nguyên) đã đồng loạt tiến hành khảo sát xây dựng các dự án trồng mới cao su tại Vương quốc Campuchia. Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê – Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới nằm trong số đó.

Người thủ lĩnh làm nên những kỳ tích của Cao su Chư Sê Kampong Thom – TGĐ Nguyễn Duy Linh. Ảnh: N.K
Người thủ lĩnh làm nên những kỳ tích của Cao su Chư Sê Kampong Thom – TGĐ Nguyễn Duy Linh. Ảnh: N.K

Đoàn khảo sát gồm 5 người do anh Nguyễn Duy Linh – Phó TGĐ kiêm Chủ tịch Công đoàn công ty làm trưởng đoàn. Đoàn đã hàng tháng trời băng rừng, lội suối, trèo đèo tìm đất trồng cao su từ các tỉnh Ratanakiri, Mondulkivi, Kratie, Kampong Thom, Siêm Riệp, Preah Vihear. Đoàn đã dừng chân tại vùng đất giáp ba tỉnh Kampong Thom, Siêm Riệp và Preach Vihear. Nhiệm vụ đặt ra trên 18.000 ha đất thổ nhưỡng công ty phải khai hoang trồng mới 16.000 ha cao su đứng, tương ứng với 8 năm trồng mới (mỗi năm trồng 2.000 ha theo kế hoạch Tập đoàn giao), Ban lãnh đạo và toàn thể CBCN công ty phải quyết tâm triển khai dự án một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, đảm bảo chất lượng vườn cây tốt nhất. Bày binh bố trận cho trận đánh lớn, anh em gặp muôn vàn khó khăn, thách thức: Nơi ăn chốn ở, nguồn vốn, nguồn nhân lực, máy móc thiết bị, thủ tục pháp lý, sự đồng thuận của nhân dân và chính quyền sở tại, phong tục tập quán, văn hóa, ngôn ngữ….

Vạn sự khởi đầu nan, từ 5 anh em ban đầu công ty đã quy tụ hàng chục cán bộ trẻ vừa tốt nghiệp kỹ sư nông học trong nước, một số anh em là người Campuchia tốt nghiệp các trường kinh tế học tại Việt Nam, họ có kiến thức, có khát vọng song còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Họ sống chung trong căn nhà thuê của người dân, thiếu thốn đủ bề, cách dự án 25 km, hàng ngày tỏa đi các phum, sóc vận động bà con Campuchia vào làm việc ở dự án với ý chí quyết tâm cao, triển khai tổ chức thực hiện bài bản, đầy sáng tạo, tâm huyết.

Sau 5 năm trồng mới, công ty đã thực hiện hoàn thành kế hoạch trước 3 năm, trồng mới 16.268,68 ha cao su bạt ngàn xanh tốt. Đặc biệt năm 2013 công ty đã trồng được 4.539 ha, lập kỷ lục của ngành và chắc có lẽ là kỷ lục thế giới! Vào thời điểm đó tôi có dịp sang thăm anh em đúng lúc thời vụ trồng mới, trên diện tích vừa khai hoang từ sáng đến chiều tối, cảnh trồng mới diễn ra như ngày hội, mặt đất ướt sũng nước, giữa mùa mưa, hố được đào đúng kỹ thuật, phân bón lót lấp đầy, từng bầu cây 3 tầng lá nhú mầm được đặt vào hố lấp đất ém chặt thẳng tắp. Từng cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tỉ mỉ cho bà con. Cứ thế từng lô, từng lô, vườn cây trồng mới đã trồng xong, đảm bảo tỷ lệ sống 98% trở lên phát triển tốt. Nhiều anh em trong đoàn chúng tôi thán phục về công tác chuẩn bị, đất, phân bón, cây giống, vận chuyển, nhân lực và tổ chức trồng nhanh, đúng kỹ thuật. Phải chăng đó là bí quyết trong công tác lãnh đạo, điều hành, quản lý?

Vườn cây KTCB đều tăm tắp, trải dài ngút mắt. Ảnh: N.K
Vườn cây KTCB đều tăm tắp, trải dài ngút mắt. Ảnh: N.K

Quả thực trong 5 năm, 16.268,68 ha cao su được trồng sống 98% phát triển tốt, mật độ đồng đều, đẹp như mơ. Đó là một kỳ tích chưa có nơi nào có được. Ông bà ta đã nói: “Công trồng, công bỏ/công làm cỏ, công ăn”. Thời kỳ xây dựng cơ bản lại lắm gian nan, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác để đối phó với mùa khô khốc liệt ở Campuchia kéo dài 6-7 tháng trời. Bón phân, làm cỏ, tủ bồn, chống cháy phải giải quyết nhanh gọn trước khi mùa mưa kết thúc. Đất tốt, cao su tốt, thực bì tốt – không để vườn cây bị cháy đã trở thành mệnh lệnh thiêng liêng.

Trong cái khó ló cái khôn, anh em đã vận dụng sáng tạo công tác dân vận thông qua hệ thống Meca (tổ trưởng) người Campuchia tuyển dụng lao động vào làm công nhân và quản lý thời gian, hiệu quả sản xuất. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật người Việt Nam trở thành chuyên gia thực thụ ngày đêm bám vườn cây trong tất cả công đoạn chăm sóc. Vừa chạy vừa xếp hàng song có tính quy hoạch rất cao. Trồng đến đâu hình thành bộ máy quản lý, điều hành đến đó, quy mô mỗi nông trường 2.000 ha, định vị vị trí nông trường (5 ha) triển khai xây dựng lều, lán trại, tạm thời ổn định nơi ăn chốn ở cho anh em. Mỗi lô 25 ha, khai hoang đến đâu làm đường lô cấp phối đến đó, thế trận như bàn cờ vuông vức, thẳng tắp. Nếu đi hết diện tích ấy có nghĩa là đã đi qua 700 km đường lô, đi vào một ma trận cao su đẹp như mơ.

Công nhân sản xuất sản phẩm mủ tại nhà máy chế biến công ty
Công nhân sản xuất sản phẩm mủ tại nhà máy chế biến công ty

Tôi khâm phục anh em và ví rằng mỗi người là một từ điển sống về vườn cây: lô nào, diện tích bao nhiêu, giống cây gì, trồng năm bao nhiêu, chất lượng vườn cây ra sao, không cần mở máy anh em thuộc vanh vách nếu cần thì dẫn đến đúng vị trí đó. Lớp cán bộ trẻ trưởng thành rất nhanh từ tư duy đến thực tiễn, chịu khó học hỏi đàn anh đi trước và luôn khẳng định mình. Anh em đoàn kết, sống chan hòa yêu thương, sẻ chia khó khăn, thiếu thốn, luôn động viên nhau để hoàn thành nhiệm vụ.

Tiếp tục tạo nên kỳ tích mới

Tôi đã chứng kiến nhiều lần anh Nguyễn Duy Linh – TGĐ trao đổi công việc với anh em, giọng nhẹ nhàng, thủ thỉ như tâm tình, song rất quyết đoán, tất cả vì công việc, vì mục tiêu chung. Những ngày đầu khi xây dựng dự án, anh em phải sống tạm bợ, giá cả đắt đỏ so với Việt Nam, xa dân cư, xa chợ, anh em kham khổ, thiếu thốn. Mùa khô hạn không có nước sạch sinh hoạt, giếng đào đầy phèn và vôi, tối không điện chỉ làm bạn với trăng sao. Xa gia đình, xa vợ con, người thân, hàng tháng mới về thăm một lần. Khó khăn, hy sinh là vậy và cũng có người phải quay lui. Song bằng ý chí, nghị lực và niềm tin, họ đã vượt qua. Vườn cây định hình, nhà cửa trụ sở xây dựng khang trang, cuộc sống của anh em dần ổn định, đảm bảo sinh hoạt, yên tâm công tác.

Trụ sở Công ty Chư Sê – Kampong Thom được xây dựng kiến trúc đẹp, hợp phong thủy, nằm sát đường quốc lộ, mới chỉ là giai đoạn đầu. Nó bề thế, to lớn, khẳng định vị thế hay không thì xin hãy chờ vài năm nữa khi giá mủ tăng, công ty đưa hết vườn cây vào khai thác. Bây giờ tập trung vào sản xuất cái đã – Như lời anh Linh TGĐ nói. Trụ sở 8 nông trường được đầu tư xây dựng để anh em làm việc và sinh sống. Điện lưới, mạng điện thoại, các trang thiết bị sinh hoạt đầy đủ tiện nghi, phương tiện đi lại thuận lợi. Các nông trường đang thi đua vườn cây đẹp nhất, trụ sở đẹp nhất. An cư lạc nghiệp được chủ động tính toán dành quỹ đất ngay từ đầu xây dựng dự án, công ty đã xây dựng 4 điểm khu dân cư tương đương 280 căn nhà (35 m2/ căn) phục vụ cho hơn 1.100 công nhân lao động từ các tỉnh Kampong Chàm, Prey Veng, Svay Rieng đến lập nghiệp. Từ nay đến năm 2020 tiếp tục xây dựng 1.000 căn phục vụ chỗ ở cho 4.000 công nhân và gia thuộc, đủ nhân lực để khai thác vườn cây hơn 16.000 ha. Trường học, bệnh viện, chùa chiền sẽ được đầu tư xây dựng trong thời gian tới.

Trồng tốt, chăm sóc tốt, tỷ lệ vanh thân vườn cây đạt và vượt quy trình của Tập đoàn. Năm 2017 công ty đưa 3.876,31 ha cao su vào khai thác trong đó 1.847,71 ha đưa vào khai thác sớm 1 năm, năm đầu tiên đã vượt 10% sản lượng Tập đoàn giao. Giọng hồ hởi, anh Linh chỉ vườn cây nông trường 1 và nói với tôi rằng: Mới năm thứ 2 mà vườn cây đã cho năng suất 1,8 tấn/ ha, chắc chắn suất chu kỳ sẽ cho năng suất trên 2 tấn/ha. Tôi tính nhẩm đến năm 2021 hơn 16 ngàn ha đưa vào khai thác chắc chắn công ty sẽ có sản lượng từ 32 – 35 ngàn tấn đúng không? – Anh có tin không? Anh Linh hỏi lại. Tôi trả lời: Tôi tin.

Theo anh Linh, đến thời điểm 30/9/2018, tổng số vốn đầu tư cho 2 dự án của công ty là 2.200 tỷ đồng tương đương 98 triệu USD với suất đầu tư: 140 triệu/ha, thực hiện tiết kiệm chi phí đầu tư 129 tỷ đồng, nằm trong suất đầu tư Tập đoàn cho phép. Khai thác đi đôi với chế biến và tiêu thụ, công ty đã quy hoạch và được Tập đoàn phê duyệt đầu tư xây dựng nhà máy chế biến với quy mô công suất 36.500 tấn/năm, chia làm 2 giai đoạn. Tổng chi phí đầu tư giai đoạn 1 là 180 tỷ đồng.

Với những đóng góp của mình, ông Nguyễn Duy Linh - TGĐ Công ty CPCS Chư Sê Kampong Thom vinh dự nhận giải thưởng “Cao su Việt Nam” năm 2018. Ảnh: Vũ Phong.
Với những đóng góp của mình, ông Nguyễn Duy Linh – TGĐ Công ty CPCS Chư Sê Kampong Thom vinh dự nhận giải thưởng “Cao su Việt Nam” năm 2018. Ảnh: Vũ Phong.

Đây là thử thách mới đối với công ty, với yêu cầu: Thời gian thi công phải nhanh nhất, chất lượng nhất, suất đầu tư thấp nhất trong điều kiện thủ tục hành chính, thủ tục thuế quan tại nước bạn nhiêu khê, phức tạp. Bằng sự quyết tâm cao, nhạy bén linh hoạt, đồng bộ của các nhà thầu, của tập thể CBCN, nhà máy khởi công xây dựng từ tháng 6/2017, ngày 15/1/2018 khánh thành đi vào sản xuất, vượt 6 tháng, trị giá 85 tỷ đồng. Xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải 41 tỷ đồng đang vận hành. Phòng quản lý chất lượng đạt chuẩn VILAS – 17025, quản lý chất lượng cho các dự án tại Campuchia với tổng giá trị xây dựng và thiết bị 1 triệu USD. Công ty đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống ISO 9001:2015.

Với tất cả, công ty đều có sự đầu tư đồng bộ trong một thời gian ngắn đáp ứng cho việc đưa vườn cây vào khai thác ngày càng lớn và phục vụ kinh doanh của công ty. Đây là loạt các công trình hoàn thành kế hoạch vượt tiến độ chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành Cao su Việt Nam. Cao su Chư Sê Kampong Thom tiếp tục tạo nên kỳ tích mới đáng tự hào.

Chúng tôi đến thăm nhà máy một ngày đầu tháng 10/2018. Nhà máy đang sản xuất, mủ ủ sau cán vắt đầy kho trong ngoài chờ xông sấy. Công nhân chế biến là người Campuchia, họ đã thuần thục vận hành các cỗ máy cán cắt tạo hạt, đưa vào lò xông, ép bành đóng gói. Những bành mủ nâu sẫm (SVR 10) đẹp màu đạt chất lượng. Anh Thắng – Giám đốc nhà máy cho biết: “Sản lượng từ nay đến cuối năm lớn, kho chứa mủ ủ đã kín chỗ, chúng tôi đang khẩn trương làm nhà kho chứa mủ. Tập trung mọi nỗ lực để sản xuất hết sản lượng vườn cây đưa về với chất lượng tốt nhất để khẳng định sản phẩm mang thương hiệu Chư Sê – Kampong Thom”.

Một trong những vấn đề tôi quan tâm đem chuyện hỏi anh Linh – TGĐ và các anh trong ban lãnh đạo công ty, được các anh trả lời về công tác lao động, tiền lương. Hiện tại công ty có 1.626 công nhân, gián tiếp: 178 (người Việt Nam: 151 – không quá 10% theo quy định); người Campuchia: 27 người; trực tiếp: 1.448 người (khai thác, chế biến: 1.100 người, KTCB: 348 người) . Thu nhập bình quân 9 tháng đạt 5.600.000đ/người/tháng. So với các đơn vị trong ngành ở Việt Nam đạt mức khá.

Hàng năm, công ty tiến hành tuyển dụng và đào tạo tay nghề cho công nhân cạo mủ từ 10 – 20 ngày. Trong thời gian đào tạo, công ty hỗ trợ tiền ăn, xăng xe đi lại cho công nhân. Khi tay nghề đạt yêu cầu, tuyển dụng công nhân đứng vườn cây đồng thời bố trí nhà ở. Việc đào tạo công nhân khai thác tại Campuchia gặp vô vàn khó khăn do học thức hạn chế cần rất nhiều thời gian ôn luyện thực hành, đòi hỏi người hướng dẫn kiên trì, tận tâm thị phạm. Mưa dầm thấm lâu, công nhân đã làm chủ tay nghề, mặt cạo đẹp đúng kỹ thuật, kịp thời uốn nắn. Sau kiểm tra, đào tạo lại đó là công việc thường xuyên.

Một góc trụ sở công ty. Ảnh: Phú Vinh
Một góc trụ sở công ty. Ảnh: Phú Vinh

Trong công tác quản lý công ty đã vận dụng linh hoạt các giải pháp phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng của người dân bản địa. Hàng năm số ngày nghỉ lễ, Tết của người Campuchia là 28 ngày, công ty xây dựng kế hoạch sản lượng lao động hợp lý, điều tiết để đảm bảo sản xuất hàng ngày trên vườn cây. Tháng có “chum” (Lễ hội) công nhân không bỏ phần cây cạo. Ngoài chế độ trả lương theo quy định, công nhân được hỗ trợ 1 thùng mì gói, 250 gam bột ngọt và nhiều vật chất khác nên lực lượng lao động tương đối ổn định. Tiền lương trả cho công nhân Campuchia trực tiếp 200-250 USD tùy theo sản lượng hàng tháng, đây là mức thu nhập khá so với mặt bằng xã hội. Hình thức thanh toán nhanh chóng, kịp thời đầy đủ công khai minh bạch đơn giá đến người lao động, các chế độ chính sách theo luật định, những vấn đề về an sinh xã hội từng bước được giải quyết đã góp phần thu hút lao động và ổn định lâu dài.

Về tiền lương trả cho anh em lao động người Việt Nam như hiện nay mặc dù đã có cải thiện nhưng thu nhập như thế sau khi trang trải các khoản chi phí với giá cả đắt đỏ hơn Việt Nam từ 20 – 25% thì phần tích lũy để gởi về cho gia đình không còn là bao nhiêu. Anh em sang công tác tại các dự án là cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật với tỷ lệ không quá 10%/tổng số lao động, cần phải được trả lương theo chế độ chuyên gia có tính đến các yếu tố sinh hoạt, công tác tại nước ngoài với mặt bằng sinh hoạt các nước sở tại.

Để thương hiệu “Cao su Chư Sê – Kampong Thom” tỏa sáng trên đất bạn Campuchia

Trao đổi một cách chân tình, anh Linh tâm sự: Sang năm là kỷ niệm 10 năm thành lập công ty, xây dựng dự án. Vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ anh em chịu rất nhiều thiệt thòi cho gia đình và bản thân, sống đoàn kết, bám trụ, tâm huyết, bản lĩnh và trách nhiệm, cống hiến hết mình cho mục tiêu chung là thắng lợi của dự án. Đó cũng là môi trường được thử thách rèn luyện, khẳng định mình và trưởng thành. Tự hào về đội ngũ cán bộ hôm nay họ còn rất trẻ, phần đông là U30, 40, dám nghĩ dám làm, chịu khó học hỏi và đầy sáng tạo trong tư duy và hành động. Đây là đội ngũ quản trị doanh nghiệp giỏi, là nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý của Tập đoàn. Cũng đã đến lúc họ phải trở về Việt nam công tác, để có điều kiện chăm lo cho gia đình, con cái sau những năm tháng xa nhà. Tập đoàn và các Công ty Mẹ cần phải có chính sách luân chuyển, bố trí công tác hợp lý và chức vụ cao hơn để khen thưởng động viên anh em. Vận động anh em trẻ ở Việt Nam tình nguyện sang công tác tại các dự án Campuchia, Lào. Cần quan tâm, hỗ trợ vật chất, tinh thần nhiều hơn nữa cho anh em, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa ở những nơi đó còn lắm gian truân trên đất bạn.

Công ty sản xuất hết sản lượng vườn cây đưa về với chất lượng tốt nhất để khẳng định sản phẩm mang thương hiệu Chư Sê Kamong Thom. Ảnh: Vũ Phong
Công ty sản xuất hết sản lượng vườn cây đưa về với chất lượng tốt nhất để khẳng định sản phẩm mang thương hiệu Chư Sê Kamong Thom. Ảnh: Vũ Phong

Còn về anh, anh Linh ít nói về mình nhưng tôi hiểu và biết rõ về anh. Anh quê ở Triệu Phong – Quảng Trị, gia đình lập nghiệp ở Dầu Tiếng. Năm 1983 – 1984 với chủ trương “Gà mẹ đẻ gà con” của lãnh đạo Tổng Cục Cao su, anh đã xung phong lên xây dựng Cao su Chư Sê ngay từ những ngày đầu khai hoang, mở đất. 20 năm làm Chủ tịch Công đoàn, Phó Tổng Giám đốc gắn bó với bản làng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vào làm cao su. Cái cốt cách của người cán bộ Công đoàn đã nằm trong máu của anh. Lăn lộn với phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn, tham gia quản lý hiệu quả, anh cùng với Ban lãnh đạo Cao su Chư Sê lập nhiều thành tích xuất sắc, định hình một Cao su Chư Sê làm ăn hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng, đoàn kết các dân tộc, an sinh xã hội.

Năm 2000 Cao su Chư Sê được phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới – Đơn vị đầu tiên ở Tây Nguyên đón nhận phần thưởng cao quý này. Mở đất, trồng nhiều cao su, gia tăng diện tích, quy mô SXKD cho công ty, cho Tập đoàn là một chủ trương đúng đắn được lãnh đạo các cấp hưởng ứng, trong đó anh là người tiên phong.

Sắp xếp gia đình, động viên vợ con, các anh lên đường với lòng nhiệt tình và khát vọng trồng nên những cánh rừng cao su bạt ngàn. Sau gần 10 năm bằng kiến thức, kinh nghiệm và ý chí, anh và đội ngũ CBCN biến khát vọng thành những kỳ tích rất đáng tự hào. Với anh đó là sự khẳng định mình, một cán bộ dân vận khéo, một nhà quản trị doanh nghiệp giỏi, tạo ra một doanh nghiệp trẻ trên đất nước bạn còn lắm khó khăn nhưng giàu thành tích. Được Nhà nước, Chính phủ tặng thưởng: 1 Huân chương Lao động hạng 3; 4 Cờ thi đua của Chính phủ; 4 Cờ thi đua của Bộ NN&PTNT; 3 Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn LĐVN…

Năm tháng đi qua, quá khứ vinh quang mở ra tương lai xán lạn. Chặng đường mới còn lắm gian nan, thách thức: Tổ chức SXKD đạt hiệu quả cao nhất, hoàn vốn đầu tư sớm nhất, lợi nhuận nhiều nhất…Xây dựng Cao su Chư Sê – Kampong Thom thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác Việt Nam – Campuchia; đơn vị Anh hùng thời kỳ CNH – HĐH đất nước; một đại gia mới của ngành cao su Việt Nam. Những lo toan, trăn trở, dự định và lòng quyết tâm luôn hiện hữu trong nhịp sống đầy sôi động của anh em CBCN công ty hôm nay. Chỉ mong sao “thiên thời”, “địa lợi”, “nhân hòa” để làm nên thương hiệu “Cao su Chư Sê – Kampong Thom” tỏa sáng trên đất bạn Campuchia, rạng danh Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

TRỌNG NHÂN