Quyết liệt nhiều giải pháp hoàn thành 245.000 tấn mủ

CSVN – Vào mùa cạo mới, điều kiện thời tiết không thuận lợi, giá mủ vẫn còn thấp, tình trạng thiếu hụt lao động là những khó khăn thách thức mà VRG phải đối mặt. Giải pháp vượt qua khó khăn ra sao, PV Tạp chí Cao su VN đã có cuộc trò chuyện với Phó TGĐ VRG Nguyễn Tiến Đức.
Phó TGĐ VRG Nguyễn Tiến Đức (bìa trái) kiểm tra vườn cây Công ty CPCS Đồng Phú. Ảnh: Phan Thắng
Phó TGĐ VRG Nguyễn Tiến Đức (bìa trái) kiểm tra vườn cây Công ty CPCS Đồng Phú. Ảnh: Phan Thắng

Tại thời điểm này, hầu hết các công ty cao su đã đưa vườn cây vào khai thác, trước mùa cạo mới, những vấn đề nào cần được lưu ý, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Đức: Năm nay, điều kiện thời tiết không thuận lợi, cả trong và ngoài nước bị ảnh hưởng bởi khô hạn cực kỳ nặng nề. Chính vì vậy, mùa thu hoạch mới thời gian đưa vào cạo trễ hơn mọi năm khoảng từ 1 đến 2 tháng, tùy theo nơi. Trước tình hình này, vấn đề đầu tiên và lớn nhất cần phải quan tâm là các công ty phải tập trung quyết liệt, hoàn thành kế hoạch (KH) sản lượng được giao.

Để hoàn thành KH, ngay từ đầu chúng tôi đã chỉ đạo các công ty chuẩn bị vật tư, kiềng, chén, máng để đảm bảo công tác khai thác, kể cả việc che chắn mưa. Bởi chúng tôi lường trước, sau nắng hạn thì mưa dồn dập, diễn biến thời tiết những ngày gần đây theo đúng dự báo. Mới đầu mùa, nhưng mưa đã rất lớn, ảnh hưởng đến việc thu hoạch mủ.

Một vấn đề lớn nữa, đó là tình hình lao động tại các công ty rất căng thẳng. Hiện nay, rất nhiều khu công nghiệp (KCN) mọc lên gần vườn cây mà các công ty trú đóng. Đã có rất nhiều CN cao su chuyển sang đi làm tại các KCN. Lường trước vấn đề thiếu hụt CN do cạnh tranh lao động ngày càng gay gắt, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các đơn vị có vườn cây khai thác chuyển từ chế độ cạo D3 sang D4, đã phần nào góp phần giảm tình trạng thiếu hụt lao động.

Chuyển sang D4, có rất nhiều lợi thế, chẳng hạn giảm số người làm việc, nhưng năng suất lao động tăng lên, thu nhập sẽ cao hơn và nhịp độ cạo trên vườn cây cũng nhẹ hơn. Và chúng tôi cũng cố gắng đưa một số giải pháp kỹ thuật để chế độ cạo D4 sản lượng tương đương D3. Đến năm 2016, có rất nhiều công ty chuyển sang cạo D4. Một số đơn vị như Đồng Phú có đến 40% cạo D4 trên toàn bộ diện tích vườn cây kinh doanh, hay Dầu Tiếng cạo trên 100% vườn cây nhóm I và nhóm II. Những đơn vị khác, tùy vào điều kiện mà áp dụng khác nhau.

Thưa ông, công tác nông nghiệp trọng tâm của VRG trong năm 2016 tập trung vào những vấn đề gì?

Ông Nguyễn Tiến Đức: Như đã nói, quyết tâm, phấn đấu, tập trung quyết liệt, bằng mọi giải pháp kỹ thuật để hoàn thành KH sản lượng 245.000 tấn mủ trong năm 2016 là mục tiêu lớn nhất.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai, tập trung cho công tác tái canh trồng mới (TCTM). Năm nay, toàn Tập đoàn, diện tích TM không nhiều, chỉ khoảng 2.000 ha, còn lại chủ yếu là TC khoảng hơn 12.000 ha. Để công tác TCTM đạt chất lượng tốt, chúng tôi đã chỉ đạo các công ty, bằng mọi giá, ngay từ đầu vụ phải chuẩn bị tất cả các nguồn lực về vật tư để phục vụ cho công tác này.

Năm nay, bằng mọi giá phải trồng đúng thời vụ. Những chỗ nào, do điều kiện thanh lý, cưa cắt vườn cây không kịp thì chuyển diện tích đó sang trồng năm 2017 chứ không nhất thiết phải trồng năm 2016. Nếu trễ thời vụ thì chất lượng vườn cây sẽ bị ảnh hưởng. Trước đây, đã có trường hợp, do chạy theo thành tích phải hoàn thành KH tái canh, có công ty trồng trễ thời vụ, dẫn đến chất lượng vườn cây không đạt yêu cầu.

Nhiệm vụ thứ ba, trên cơ sở tình hình dự báo giá bán mủ cao su vẫn còn xấu trong nhiều năm nữa, năm nay chúng tôi chỉ đạo tăng cường trồng xen canh để gia tăng giá trị sử dụng đất trên vườn cao su KTCB. Ngay từ đầu vụ, chúng tôi chỉ đạo các công ty, có điều kiện thì tập trung trồng xen canh. Chính vì vậy trong quy trình TCTM, có nhiều mô hình, trong đó có quy trình trồng cao su hàng kép. Bình thường chúng ta trồng hàng đơn, mật độ khoảng 555 cây/ha, theo quy trình hàng kép, vẫn đảm bảo mật độ cây, nhưng khoảng cách giữa các hàng mở rộng lên đến 15 m. Với khoảng cách rộng và kéo dài trong thời gian KTCB, người trồng xen có điều kiện để nâng cao giá trị sử dụng đất.

Anh Thư (thực hiện)