CSVN – Trong khi các CTCS trên địa bàn Tây Nguyên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu hụt lao động, còn tại Cao su Chư Păh nguồn lao động luôn ổn định. Đâu là giải pháp?
Vận dụng sáng tạo phương pháp khoán
Tại buổi làm việc với 4 CTCS trên địa bàn Gia Lai vào đầu tháng 4 vừa qua, TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận đánh giá cao cách quản lý lao động theo phương án lâu dài của Cao su Chư Păh. “Về công tác quản lý lao động, Công ty Chư Păh đã làm rất tốt, tạo được sự ổn định về lực lượng lao động, do vậy đã chủ động được lao động ngay khi bước vào mùa cạo mới. Các đơn vị trên địa bàn cũng nên đến tìm hiểu và làm theo”, TGĐ chỉ đạo.
Đối với các CTCS trên địa bàn Tây Nguyên, hầu hết đều có phương thức khoán phần cây khai thác cho CN, tuy nhiên đa số trong đó là khoán vườn cây (chia phần cây trước mùa cạo mới) theo từng năm. Theo ông Phạm Đình Luyến – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh: “Phương án khoán này có ưu điểm nhưng cũng còn hạn chế, đó là sự không ổn định về nguồn lực lao động”.
Ông Luyến chia sẻ về cách làm của Cao su Chư Păh: “Ở công ty chúng tôi, thực hiện việc khoán vườn cây cho CN theo hình thức lâu dài, ít nhất cũng được 5 năm. Điều này có nhiều cái lợi, đó là tạo sự yên tâm của CN về vườn cây, nơi làm việc. Nên họ có thể đầu tư thêm phân bón cho vườn cây trong những năm giá mủ tốt. Qua theo dõi, từ năm 2016 đến nay lực lượng lao động công ty chỉ biến động khoảng 200 người, chủ yếu là thay thế những người nghỉ hưu”.
Khen thưởng để giữ chân NLĐ
Cùng với việc khoán vườn cây lâu dài, lãnh đạo Cao su Chư Păh thống nhất giữ nguyên mức tiền thưởng quý I bằng mức tiền thưởng của quý IV năm trước. Giải thích về điều này, ông Luyến cho hay: “Thông thường, thời điểm đầu năm sản lượng bắt đầu đi xuống, nếu giữ nguyên đơn giá và tiền thưởng không cao sẽ không khuyến khích được CN tích cực khai thác. Vì vậy, lãnh đạo công ty quyết định giữ nguyên mức thưởng so với quý IV của năm trước. Cứ CN khai thác vượt từ 5 – 7 kg mủ/ngày sẽ được thưởng 1 lít xăng. Đồng thời, trong tháng 1 và 2 đơn giá tiền lương cũng cao hơn 3.000 đồng so với những tháng cuối năm”.
Chính cách làm này mà quý I/2018, TGĐ công ty đã ký quyết định khen thưởng cho 29 tập thể và 377 cá nhân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác sản xuất quý I. Đối với tập thể, mức tiền thưởng là 2 triệu đồng/tập thể còn với cá nhân là 400.000 đồng/ người. Bên cạnh việc khen thưởng thường xuyên, lãnh đạo công ty còn công khai tất cả các vấn đề liên quan đến quyền lợi của NLĐ tại các nhà tổ như tiền lương, thưởng, sản lượng…
“Kinh nghiệm quản lý cho thấy, lao động không ổn định sẽ rất khó khăn. Chúng ta động viên, khen thưởng nhiều thì tinh thần CN sẽ phấn khởi, hăng say làm việc hơn. Công ty có năng suất và sản lượng cao, từ đó tạo ra doanh thu, lợi nhuận, trích quỹ phúc lợi, khen thưởng nhiều hơn”, ông Luyến chia sẻ.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Đánh giá hiệu quả chuyển đổi nhịp cạo D3 sang D4
- Mãi mãi là nông trường 2 tấn
- Cao su Sơn La tập huấn khai thác mủ
- Phát minh một vật liệu giống cao su
- Giải pháp đảm bảo năng suất, sản lượng cao và bền vững tại Cao su Phú Riềng (bài 2)
- Tiết kiệm 25% lao động khi cạo chế độ D4
- Mô hình học lái xe tại chỗ đạt giải khuyến khích tại Hội thi sáng tạo toàn quốc
- Kinh nghiệm khắc phục thiệt hại vườn cây do mưa bão
- Giảm 50% lượng phân bón đợt II
- Sáng kiến “Nắp đậy chén nhựa hứng mủ” tiết kiệm 555 triệu đồng/năm