CSVN – Năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng tình hình sản xuất của Công ty CP Cao su Sơn La có nhiều thuận lợi, ổn định việc làm, thu nhập của người lao động từng bước được nâng lên.
Thu nhập bình quân đạt 7,8 triệu đồng/tháng
Chúng tôi đến Nông trường Châu Thuận vào một ngày cuối tháng 11, đúng dịp công ty tổ chức phát lương cho công nhân. Nhìn bảng lương, thật sự ấn tượng, bởi thu nhập bình quân của công nhân từ đầu năm đến nay đạt 7,8 triệu đồng/tháng, có nhiều người lên đến 14-15 triệu đồng/tháng.
Theo thông tin từ lãnh đạo công ty, không riêng Nông trường Châu Thuận, mà năm nay việc làm, thu nhập và đời sống của 1.300 công nhân đang làm việc tại 5 nông trường, 2 đội sản xuất và Nhà máy chế biến Cao su 28/10 đang có sự chuyển biến tích cực. Người dân tham gia góp đất trồng cao su sau nhiều năm khó khăn, hiện đã yên tâm gắn bó với công việc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn La – Phó giám đốc Nông trường Châu Thuận cho hay, những năm trước, công ty gặp nhiều khó khăn về tài chính. Nhưng bằng nhiều giải pháp, công ty vẫn bảo đảm chi trả lương và các chế độ chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn. Vì vậy, đa số công nhân gắn bó, chia sẻ khó khăn với công ty, bảo đảm tiến độ khai thác mủ, phục vụ sản xuất. Hiện, sản phẩm của công ty đạt chất lượng TCVN: 3769/2016, được cấp chứng nhận Vilas; sản phẩm SVR10 đạt trong tốp 50 và được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tại Nhà máy Chế biến Cao su 28/10, trong khí thế thi đua lao động sản xuất hăng say, anh Lường Văn Máu – công nhân nhà máy hào hứng: “Hiện thu nhập bình quân công nhân trong nhà máy đạt khoảng 6,5 triệu đồng/tháng, nên mọi người đều phấn khởi và nỗ lực bảo đảm tiến độ sản xuất. Riêng tôi, lương mỗi tháng được nhận hơn 8 triệu đồng, những tháng tăng ca thì được 9 -10 triệu đồng”.
Năm 2021, công ty đưa vào khai thác mủ 4.313 ha; sản lượng khai thác đến hết tháng 11 được hơn 10.000 tấn mủ đông, năng suất bình quân đạt 0,85 tấn/ ha, chế biến hơn 4.000 tấn sản phẩm; Đến hết tháng 11, tổng doanh thu của công ty đạt trên 118 tỷ đồng, tiền lương và các chế độ chính sách cho người lao động được thực hiện kịp thời.
Bảo đảm quyền lợi, người lao động yên tâm sản xuất
Cùng với việc thực hiện giao sản lượng hàng tháng đến từng công nhân, Nông trường Châu Sơn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn công nhân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 để đảm bảo an toàn sản xuất. Không giấu được niềm vui, chị Lường Thị Liên cho biết: “Cả hai vợ chồng tôi đều là công nhân cao su, tôi nhận cạo mủ 2 ha, thu nhập mỗi tháng hơn 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, công ty còn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, hàng tháng trao thưởng cho những công nhân có thành tích khai thác mủ đạt sản lượng cao”.
Còn chị Lò Thị Xuân – công nhân Nông trường Mường La chia sẻ: “Năm 2012, gia đình tôi góp 2 ha đất trồng cao su. Khi cây cao su đưa vào khai thác, hai vợ chồng dậy từ 4 giờ sáng đi cạo mủ, công việc tuy vất vả, nhưng thu nhập ổn định. Từ đầu năm đến nay, vợ chồng tôi mỗi tháng thu nhập được gần 12 triệu đồng, đủ chi phí sinh hoạt trong gia đình, nuôi các con ăn học và còn tiết kiệm được một khoản”.
Cùng với tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định việc làm, nâng cao thu nhập cho công nhân, hiện công ty đang khẩn trương hoàn thành việc ký hợp đồng góp quyền sử dụng đất trồng cao su với 133 hộ còn lại ở Nông trường Châu Sơn, Châu Thuận và đội Nà An. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết vướng mắc liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bảo đảm quyền lợi và giúp công nhân yên tâm sản xuất.
NGỌC THUẤN
Related posts:
- Xen cây dược liệu trên đất cao su: Cách làm hiệu quả
- Cao su Bình Long: Xen canh cây ngắn ngày giúp tăng thu nhập
- Trồng rừng FSC hiệu quả kinh tế gấp 1,5 lần
- Tái sử dụng nước thải tiết giảm 1 tỷ đồng/năm
- Mô hình trồng xen cây họ đậu (*)
- A lô, tổ vá xe lưu động đây!
- Nông trường 4 - Phú Riềng: Kinh nghiệm quản lý tốt quy trình kỹ thuật
- Đảm bảo quyền lợi cho người lao động
- Thước "thông minh" chia mặt cạo
- Xử lý bệnh thối cổ rễ