CSVN – Ông Lê Tiến Vượng – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng đã chia sẻ với Tạp chí Cao su VN những kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện chứng nhận quản lý rừng bền vững.
– Xin ông chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện chứng nhận chứng chỉ quản lý rừng bền vững và chuỗi hành trình sản phẩm theo Hệ thống Chứng chỉ rừng Việt Nam của Cao su Phú Riềng?
Ông Lê Tiến Vượng: Năm 2019, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng đã thực hiện và được cấp Chứng chỉ rừng quốc gia VFCS cho 3.500 ha cao su và chuỗi hành trình sản phẩm CoC cho 2 nhà máy chế biến mủ vào tháng 12/2019.
Sau quá trình thực hiện, Cao su Phú Riềng nhận thấy cần chú ý một số hoạt động cơ bản rất dễ phát sinh những điểm không phù hợp với yêu cầu của bộ tiêu chuẩn quản lý rừng VFCS như sau: Hệ thống quản lý sản xuất cao su bền vững bao gồm rất nhiều quy trình quản lý và kỹ thuật mới.
Vì vậy, công tác tuyên truyền phổ biến, đào tạo và tập huấn thực hiện các quy trình mới cho cán bộ quản lý và CNLĐ là một trong những công việc quan trọng nhất song song với việc giám sát đánh giá thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện những điểm chưa phù hợp để khắc phục, bổ sung sẽ giúp cho hệ thống hoàn thiện, quá trình đánh giá cấp chứng nhận được rút ngắn.
Quản lý, giám sát các nhà thầu khai thác gỗ khi thanh lý rừng cao su tuân thủ theo yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn là một trong những công việc khó khăn nhất.
Bởi vì, nhiều yêu cầu về quyền lợi của NLĐ, vệ sinh, an toàn, lao động nghiêm ngặt buộc phải tuân thủ, nhưng các công ty cao su lại không trực tiếp quản lý lực lượng này mà phải tập huấn, kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho hoạt động của họ.
Mặc dù trong các hợp đồng với các nhà thầu cưa cắt cây cao su, công ty đã quy định nhà thầu phải tuân thủ quy trình khai thác tác động thấp và công ty cũng đã tập huấn kỹ thuật cho công nhân cưa cắt cây và yêu cầu nhà thầu sử dụng lao động theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, nhà thầu liên tục thay đổi công nhân cưa cắt cây nên việc tập huấn gặp khó khăn và cũng rất ít nhà thầu ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm cho công nhân cưa cắt cây. Đây sẽ là một lỗi lớn nếu không khắc phục được và bị phát hiện khi đánh giá.
Hầu hết việc trồng xen cây nông nghiệp và các loại cây trồng khác trong lô cao su khi tái canh chưa phù hợp với quy định về sử dụng hóa chất, an toàn lao động…
Việc cho phép cộng đồng được trồng xen trong các lô rừng cao su là một điểm tích cực, được đánh giá tốt về mặt xã hội. Tuy nhiên, mặc dù người trồng xen đã được công ty tập huấn và hướng dẫn nhưng nguy cơ để xảy ra các lỗi về sử dụng hóa chất, an toàn lao động và tác động tiêu cực tới môi trường từ các hoạt động này vẫn rất cao.
Quản lý hóa chất, chất thải trên lô cao su là yêu cầu bắt buộc. Mặc dù công ty đã thực hiện tốt trách nhiệm của mình và hướng dẫn đầy đủ cho NLĐ, nhưng do thói quen sử dụng trước đây nên vẫn còn một số lỗi không tuân thủ.
Ngoài ra, công ty cũng phải chịu trách nhiệm cho việc xả thải của người dân trong địa bàn xảy ra trên phần đất của mình quản lý. Để thực hiện được vấn đề này, công ty đã tăng cường hơn nữa mối quan hệ với địa phương để tuyên truyền cho nhân dân, đồng thời địa phương cũng đã có các biện pháp mạnh nhưng vẫn còn khá nhiều cộng đồng dân cư xung quanh chưa ý thức về bảo vệ môi trường chưa được tốt, nên vẫn xả chất thải trên lô cao su, trên đất của công ty quản lý.
Giải quyết hậu quả của xói mòn đất là rất khó khăn và tốn kém chi phí. Trước đây khi tái canh cao su chưa chú trọng nhiều đến việc hạn chế xói mòn đất: Đê mương chống xói mòn, thiết kế theo đường đồng mức hay thảm phủ Kudzu, Mucuna Bracteta chỉ tồn tại chủ yếu trong thời gian KTCB đến thời kỳ kinh doanh.
Trên vườn cây còn tồn tại rất nhiều các điểm xói mòn đất rất mạnh, dồn nước xuống nhà dân ở vùng trũng, xói lở đường đi, ô nhiễm nước vùng hạ lưu. Các điểm xói mòn này cũng tạo thành các khe sâu gây nguy hiểm. Công ty đã áp dụng các giải pháp như gia cố đê chống xói mòn, trồng cây che phủ đất nhưng trong thời gian tới vẫn phải tiếp tục giải quyết để khắc phục rất khó khăn và tốn kém.
Từ thực tiễn, Cao su Phú Riềng rút ra bài học kinh nghiệm quan trọng nhất là do phong tục canh tác, trình độ quản lý, trình độ chuyên môn trong lĩnh lực quản lý rừng cao su bền vững còn nhiều hạn chế, cơ sở vật chất chưa được trang bị đầy đủ, thiếu đồng bộ.
Bên cạnh đó yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn rất cụ thể và khắt khe nên mỗi công ty cần đánh giá tổng thể những hạn chế, tồn tại từng đơn vị thành viên và có lộ trình thực hiện hợp lý để vừa lựa chọn được đơn vị để tiến hành xây dựng ngay theo bộ tiêu chuẩn, đăng ký đánh giá cấp giấy chứng nhận trong năm 2020.
Đồng thời vừa có thời gian để thay đổi, sửa chữa, bổ sung về cơ sở vật chất lẫn bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phụ trách và nâng cao nhận thức của NLĐ để tiếp tục mở rộng hệ thống trong tương lai.
Bên cạnh đó, một yếu tố rất quan trọng nữa là quá trình xây dựng theo Bộ tiêu chuẩn có sự gắn kết mạnh mẽ với chính quyền địa phương, cộng đồng người dân khu vực xung quanh các nông trường, nhà máy chế biến, đánh giá tham vấn cộng đồng là nội dung rất quan trọng trong chương trình đánh giá của đơn vị cấp chứng nhận.
Vì vậy, các công ty cần thiết phải có mối quan hệ thật tốt với chính quyền địa phương các cấp từ huyện, xã cho đến thôn, bản mới có thể chứng minh được công ty đã và đang thực hiện tốt mục tiêu kinh tế gắn với an sinh xã hội của cộng đồng dân cư địa phương.
– Để tổ chức thực hiện tốt chứng nhận chứng chỉ quản lý rừng bền vững và chuỗi hành trình sản phẩm theo Hệ thống Chứng chỉ rừng Việt Nam, Cao su Phú Riềng có những kiến nghị, đề xuất gì thưa ông?
Ông Lê Tiến Vượng: Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, đề nghị Bộ ngành liên quan xem xét có chính sách đối với diện tích rừng trồng đã có chứng nhận chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS được hưởng những ưu đãi về miễn (giảm) tiền thuê đất cho diện tích cao su trong thời kỳ KTCB đối với cao su tái canh từ năm 2021 trở đi, thuế thu nhập doanh nghiệp, hưởng phí dịch vụ môi trường rừng…
Việc này để doanh nghiệp có nguồn lực tiếp tục tái đầu tư vào sản xuất, các công trình bảo vệ môi trường và phúc lợi xã hội theo định hướng phát triển bền vững. Đề nghị các Bộ ngành liên quan xúc tiến hoàn thiện hồ sơ thủ tục để PEFC công nhận Bộ tiêu chuẩn VFCS phù hợp với PEFC để các đơn vị được cấp chứng nhận VFCS được sử dụng nhãn hiệu của PEFC.
Đối với VRG, đề nghị Tập đoàn làm việc với các cơ quan chức năng xem xét, công nhận gỗ cây cao su khi kết thúc chu kỳ khai thác mủ là một trong những sản phẩm chính của sản xuất cao su bền vững và cho phép ghi nhận doanh thu bán cây cao su là doanh thu hoạt động chính như doanh thu bán mủ cao su.
Tạo điều kiện giúp đỡ các công ty trong việc đầu tư, sửa chữa thiết bị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phê duyệt kinh phí… để công tác quản lý, sản xuất cao su bền vững được thuận lợi hơn. Giúp đỡ, hỗ trợ các công ty trong việc tìm kiếm khách hàng để tiêu thụ sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VFCS đúng giá trị thực tế của sản phẩm.
– Trân trọng cảm ơn ông!
TRẦN HUỲNH (thực hiện)
Related posts:
- VRG dự kiến tổ chức Hội thi Bàn tay vàng từ ngày 9 -12/12
- VRG Khải Hoàn có kết quả sản xuất kinh doanh vượt trội
- Tết ở Làng Công nhân Tân Hưng
- Hội khuyến học 28/10 tuyên dương 611 học sinh, sinh viên
- Lê Ngọc Khánh giành giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Chư Păh
- Ông Huỳnh Kim Nhựt trúng cử Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su tuyển sinh năm 2022 vượt hơn 41%
- Tổ chức cho người lao động viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các địa phương tổ chức lễ viếng
- Hiến kế giữ chân người lao động
- Nông trường K’dang giành Giải nhất Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ Cao su Mang Yang